Khổng Đỗ Duy và 'Giấc mơ rực rỡ'

Văn hóa - Ngày đăng : 18:50, 01/01/2025

Xem các tác phẩm trong "Giấc mơ rực rỡ" của Khổng Đỗ Duy, tinh thần ước lệ - tượng trưng của nghệ thuật dân gian xưa hiển hiện rõ trong diện mạo đương thời, sặc sỡ tính trang trí và mềm mại về bố cục.
Văn hóa

Khổng Đỗ Duy và 'Giấc mơ rực rỡ'

Tiểu Vũ 01/01/2025 18:50

Xem các tác phẩm trong "Giấc mơ rực rỡ" của Khổng Đỗ Duy, tinh thần ước lệ - tượng trưng của nghệ thuật dân gian xưa hiển hiện rõ trong diện mạo đương thời, sặc sỡ tính trang trí và mềm mại về bố cục.

Họa sĩ Khổng Đỗ Duy (1987) sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Phúc. Anh học hội họa tại Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và tốt nghiệp năm 2010. Sau đó, anh làm công tác giảng dạy tại trường Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc đến năm 2015 thì chuyển sang sáng tác tự do. Các tác phẩm của Khổng Đỗ Duy bắt đầu được giới mỹ thuật và công chúng chú ý khi anh tham gia hàng loạt triển lãm chung với nhóm Đa Diện từ năm 2017 đến năm 2022... Song song với đó là các triển lãm ở nước ngoài.

khong-do-duy.jpg
Họa sĩ Khổng Đỗ Duy và các tác phẩm - Ảnh: NVCC
img_5114.jpg
Một tác phẩm mang đậm nét xuân của Khổng Đỗ Duy

Ngay từ Ký ức không phôi pha - triển lãm cá nhân lần đầu năm 2023 - Khổng Đỗ Duy đã tạo dấu ấn khá mạnh trong làng mỹ thuật đương đại.

Trong những ngày chuẩn bị đón Xuân Ất Tỵ, Khổng Đỗ Duy trình làng hơn 20 tác phẩm được anh sáng tác trong hơn một năm trở lại đây tại triển lãm Giấc mơ rực rỡ diễn ra tại TP.HCM. Vẫn trung thành với phong cách tượng trưng - ước lệ như triển lãm lần đầu đến nay, Khổng Đỗ Duy mang đến một làn gió mới, nguồn năng lượng dồi dào và không khí xuân đầy sắc màu cho làng mỹ thuật TP.HCM vào dịp cuối năm.

img_5145.jpg
Mùa xuân đậm chất hoài cổ trong tranh của Khổng Đỗ Duy

Giấc mơ rực rỡ chứa đựng yếu tố dân gian, tuổi thơ và hoài niệm, được Khổng Đỗ Duy thể hiện trên bảng màu đa sắc để mang lại cảm xúc cho người thưởng lãm. Nếu như trước đây, Khổng Đỗ Duy, với sức trẻ và sự hồ hởi nhiều năng lượng của mình, ưa xê dịch, thích vẻ đẹp bên ngoài với cây cỏ, phong cảnh, biển trời... thì giờ đây anh thích những thứ có xu hướng nội tại, thậm chí thuộc về quá khứ…

Khổng Đỗ Duy không vẽ những thứ anh đang nhìn thấy mà tranh của anh thiên về ước lệ, tượng trưng. Thay vì vẽ những vẻ đẹp của cây cối, kiến trúc, núi non... Khổng Đỗ Duy tìm về vẻ đẹp của ký ức, của thời quá khứ đã qua.

“Những di sản văn hóa, dân gian… luôn là nguồn cảm hứng sáng tác của tôi. Nó nhắc nhở tôi phải luôn trân quý và biết ơn những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông ta. Trên tinh thần đó, tôi đã khai thác và đưa những hoài niệm, những di sản văn hóa vào trong tranh với sự kết hợp hài hòa giữa hoài niệm và hiện tại, được thể hiện qua tạo hình và hòa sắc với cảm xúc của cá nhân tôi”, Khổng Đỗ Duy chia sẻ.

img_5115.jpg
Tranh của Khổng Đỗ Duy chứa đầy tính hoài niệm

Các tác phẩm mà Khổng Đỗ Duy thể hiện trong triển lãm Giấc mơ rực rỡ lần này mang tính kết nối giữa quá khứ và và hiện tại. Những nét cong của mái đình, chùa, hoa văn trong chạm khắc hay những đồ vật và gốm sứ cổ xưa được trưng bày trong không gian đậm chất xuân.

Trong hội họa của Khổng Đỗ Duy, khái niệm “tượng trưng ước lệ” hay “hoài niệm” đã được xử lý và thực hiện một cách hài hòa, đồng điệu. Chúng bổ sung cho nhau để tạo nên những bản hòa ca về ý tưởng kết hợp với màu sắc và hình khối không hề khập khiễng.

Theo giám tuyển Lý Đợi: “Ước lệ tượng trưng thường có hai chiều hướng. Hoặc là xoáy vào tính không đồng nhất giữa hình tượng nghệ thuật với thực tại đời sống. Hoặc là cố tình phá vỡ sự giống thực trong tác phẩm. Giấc mơ rực rỡ của Khổng Đỗ Duy có cả hai chiều hướng này. Thực tại khước từ hiện thực, chỉ còn “hình như là”, “như thể là” của trò chơi bày biện ký ức”.

img_5150.jpg
Không khí xuân trong tranh của Khổng Đỗ Duy

“Các tác phẩm của tôi là những câu chuyện dài về quá khứ được trộn pha một chút hiện đại, được khoác lên một lớp màu tươi mới, rộn ràng vui tươi trong không khí xuân xưa, với mong muốn mang tới cho người xem một cái nhìn mới mẻ về những không gian hoài niệm xa xôi và đầy tích cực. Trong không gian hoài niệm của tôi có sự chắt lọc và kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Một chút Á đông và một chút phương Tây, tạo cảm giác cho người xem có sự kết nối, gần gũi và ấm áp. Trong tranh của tôi, người xem sẽ ít nhiều bắt gặp những hình ảnh rất quen thuộc như trong giấc mơ, trong ký ức và cả trong hiện tại”, Khổng Đỗ Duy bộc bạch.

Triển lãm Giấc mơ rực rỡ của Khổng Đỗ Duy diễn ra lúc 18 giờ, từ ngày 3 - 12.1.2025 tại Huyen Art House - 8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM.

Xem các tác phẩm trong Giấc mơ rực rỡ của Khổng Đỗ Duy, tôi thấy tinh thần ước lệ - tượng trưng của nghệ thuật dân gian xưa hiển hiện rõ trong diện mạo đương thời, sặc sỡ tính trang trí và mềm mại về bố cục. Đây là một cuộc tìm về quá khứ tươi tắn, nhiều sức gợi.

Nói là “Tìm về” bởi kể từ khi ra trường 2010, rồi dạy học, rồi bắt đầu sáng tác tự do từ năm 2012 đến nay, Khổng Đỗ Duy đã trải qua 4 giai đoạn. Từ bán trừu tượng đến biểu hiện, rồi biểu hiện-trừu tượng, để bây giờ là tượng trưng-ước lệ và hoài niệm.

Cũng vì muốn truyền tải những câu chuyện dân gian từ xưa đến nay, từ truyền thống đến hiện đại ấy, Khổng Đỗ Duy đã chọn cho mình một lối biểu đạt hội họa mang đậm màu sắc và truyền thống dân gian sâu sắc. Đó là một bảng mầu đậm hồn cốt dân tộc. Từ
mầu hồng điều, xác pháo đến nâu sồng dân dã, cánh gián, nâu hoàng thổ rồi đen sơn then đỏ sẫm. Dải mầu từ nhạt đến đậm, từ nóng đến lạnh... ngập tràn trong tranh của hoạ sĩ... khiến chỗ nào cũng bắt gặp văn hóa dân gian và hồn xưa dân tộc.

Quách Cường (Nhà phê bình mỹ thuật)

Xem tranh của Khổng Đỗ Duy, chúng ta sẽ cảm nhận rằng đây là nơi cất giấu những kỷ niệm xưa cũ chưa bao giờ phôi pha. Những cánh cửa cũ, những chú voi gốm vẫn kiên trì đứng đó qua bao thế kỷ, những phù điêu, hoạ tiết xưa… luôn hiện diện trong các không gian của tranh.

Mới nhìn thoáng thì tưởng là vu vơ, nhưng thật ra đó là cả một sự sắp đặt có tính toán của hoạ sĩ trên bề mặt toan, để cân bằng bố cục tranh vừa như là nhắc nhẹ người xem tranh, khơi gợi lại những gì đã mất. Quá khứ đi qua, nhưng những giá trị truyền thống vẫn được kế thừa, được tái hiện qua các tác phẩm của Duy bằng những nét cọ sơn dầu có nhiều độ xốp, với kỹ thuật sơn dầu tốt trong các tác phẩm của mình.

Duy đã đưa người xem cảm nhận những chất gỗ mộc, những đồng xu trong tranh vừa êm ả, vừa cảm nhận được chất liệu. Xem kỹ, sẽ thấy nếu Duy dùng sơn acrylic để vẽ thì có thể hiệu ứng của tranh không đẹp như Duy vẽ sơn dầu. Chất sơn dầu trong tranh của Duy không bóng sáng lên, không dùng vecni phủ tranh, từ đó tạo độ trầm mộc trên bề mặt tranh, hợp với những thứ cổ xưa trong tranh, hợp với chủ đề Duy chọn...

Trần Vĩnh Thịnh (họa sĩ)

Tiểu Vũ