Google, X bỏ lỡ thời hạn xin giấy phép mạng xã hội của Malaysia, Meta, TikTok và WeChat tuân thủ

Thế giới số - Ngày đăng : 18:50, 01/01/2025

Chính phủ Malaysia yêu cầu giấy phép để chống tội phạm mạng, nhưng Google và X của Elon Musk đã nêu lên những lo ngại về các quy định.
Thế giới số

Google, X bỏ lỡ thời hạn xin giấy phép mạng xã hội của Malaysia, Meta, TikTok và WeChat tuân thủ

Sơn Vân 01/01/2025 18:50

Chính phủ Malaysia yêu cầu giấy phép để chống tội phạm mạng, nhưng Google và X của Elon Musk đã nêu lên những lo ngại về các quy định.

Gã khổng lồ công nghệ Google và X không đăng ký giấy phép mạng xã hội để hoạt động tại Malaysia trước thời hạn ngày 1.1.2025 của chính phủ nước này. Trong khi các nền tảng Trung Quốc như WeChat và TikTok đã dẫn đầu việc tuân thủ các quy định mới này, Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) công bố hôm 1.1.2025.

Vào tháng 7, MCMC cho biết các nền tảng mạng xã hội có hơn 8 triệu người dùng phải có giấy phép để hoạt động tại Malaysia trước ngày 1.1.2025.

MCMC lập luận rằng điều này là cần thiết để chống lại tội phạm mạng, bao gồm cả lừa đảo, bắt nạt trên mạng và tội phạm tình dục với trẻ em, trích dẫn thái độ thờ ơ của các nhà điều hành nền tảng với nội dung như vậy.

Tuy nhiên, MCMC không nêu rõ hình phạt cho hành vi không tuân thủ.

Trong một tuyên bố hôm 1.1.2025, MCMC cho biết X lập luận rằng cơ sở người dùng của họ tại Malaysia không đạt ngưỡng 8 triệu.

“Hiện tại, MCMC đang tích cực xem xét tính hợp lệ của số lượng người dùng và sẽ tiếp tục các phiên họp để đánh giá vị thế của X”, ủy ban này cho biết.

Đầu năm 2024, X báo cáo có 5,71 triệu người dùng tại Malaysia.

google-x-bo-lo-han-chot-cap-phep-mang-xa-hoi-cua-malaysia-meta-wechat-va-tiktok-tuan-thu1.jpg
X của Elon Musk vẫn không xin giấy phép truyền thông xã hội tại Malaysia trước thời hạn 1.1.2025 - Ảnh: SCMP

Trong khi đó, Google (chủ sở hữu YouTube) đang đàm phán với MCMC về mối quan ngại của mình với các tính năng chia sẻ video và phân loại cấp phép của nền tảng này. MCMC cho biết đã thảo luận về các vấn đề được nêu ra và sẽ đảm bảo YouTube cùng các nền tảng liên quan hiểu rõ trách nhiệm của họ.

Tencent (chủ sở hữu WeChat) và ByteDance (chủ sở hữu TikTok) đã đảm bảo được giấy phép của họ trước hạn chót, trong khi Telegram đang ở giai đoạn cuối quá trình này.

“Meta, đơn vị giám sát Facebook, Instagram và WhatsApp, đã khởi xướng quá trình xin giấy phép, dự kiến ​​sẽ sớm hoàn tất”, MCMC thông báo.

Hành động tuân thủ của Meta Platforms diễn ra sau những lời chỉ trích từ Bộ trưởng Truyền thông Malaysia - Fahmi Fadzil. Ông cáo buộc Meta Platforms không hành động đủ nhanh để xóa nội dung vi phạm pháp luật khỏi nền tảng của mình, đặt câu hỏi liệu chủ sở hữu Facebook và Instagram liệu có "hối hận" hay không khi các vụ lừa đảo trực tuyến ảnh hưởng đến công chúng.

Chính phủ Malaysia cho biết Meta Platforms là nền tảng truyền thông xã hội phản ứng chậm nhất trong việc xóa nội dung liên quan đến lừa đảo hoặc cờ bạc trực tuyến.

"Chúng tôi dành rất nhiều nguồn lực để liên lạc với Meta, nhiều lần mỗi ngày, để gỡ bỏ nội dung liên quan đến cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp hoặc lừa đảo", Fahmi Fadzil nói trong cuộc trả lời phỏng vấn vào ngày 6.12.

Hồi tháng 10, Meta Platforms chỉ trích kế hoạch cấp giấy phép của Malaysia, cho rằng nó thiếu các hướng dẫn rõ ràng và không đủ thời gian để các công ty mạng xã hội tuân thủ, gây nguy cơ ảnh hưởng đến đổi mới số và tăng trưởng ở quốc gia Đông Nam Á này.

Từ năm 2025, bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ truyền thông xã hội và nhắn tin lớn nào hoạt động mà không có giấy phép của chính phủ sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý. Một số nền tảng đã lên tiếng phản đối, viện dẫn những lý do như lo ngại về việc kìm hãm sự đổi mới và những thách thức trong việc thành lập văn phòng địa phương. Tuy nhiên, các nguồn tin gần gũi nói rằng cơ quan chức năng Malaysia vẫn kiên định với chính sách mới.

"Với lợi nhuận mà các nền tảng mạng xã hội này tạo ra và tầm quan trọng của thị trường Malaysia, họ nên tuân thủ luật pháp địa phương", ông Fahmi Fadzil tuyên bố. Thống kê cho thấy Meta Platforms đã kiếm được khoảng 2,5 tỉ RM (tương đương hơn 14.000 tỉ đồng) hàng năm từ thị trường Malaysia thông qua quảng cáo.

Tại Indonesia – nước láng giềng với Malaysia, TikTok, YouTube và Meta Platforms hồi tháng 11.2023 phải xin giấy phép thương mại điện tử ở Indonesia sau khi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cấm mua sắm trực tuyến trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Indonesia đã cấm các giao dịch thương mại điện tử trên phương tiện truyền thông xã hội hồi cuối tháng 9, để tìm cách bảo vệ các nhà buôn và chợ ngoại tuyến vừa và nhỏ, đồng thời đảm bảo dữ liệu của người dùng được bảo mật.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Momentum Works, với dân số hơn 270 triệu người, Indonesia đã tạo ra gần 52 tỉ USD giao dịch thương mại điện tử vào năm 2023.

Luật mới đã gây tổn thất đặc biệt lớn cho TikTok, vốn đã cam kết vào tháng 6.2023 sẽ đầu tư hàng tỉ USD vào Đông Nam Á, chủ yếu tại Indonesia, trong một đợt đẩy mạnh lớn để xây dựng dịch vụ thương mại điện tử của họ là TikTok Shop. Tại Indonesia, ứng dụng chia sẻ video ngắn của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) có hơn 125 triệu người dùng.

Isy Karim, Giám đốc Tổng cục Thương mại Nội địa của Bộ Công thương Indonesia, cho biết Meta Platforms (chủ sở hữu Facebook và Instagram) đã nộp đơn xin một loại giấy phép thương mai điện tử cho phép quảng cáo hàng hóa trên nền tảng của mình nhưng không có giao dịch thương mai điện tử trực tiếp.

Isy Karim nói giấy phép sẽ cho phép các nhà cung cấp quảng cáo hàng hóa và thực hiện khảo sát thị trường nhưng không có giao dịch trong ứng dụng, đồng thời cho biết Meta Platforms đã xin giấy phép cho các ứng dụng Facebook, WhatsApp và Instagram của mình.

Trước khi phải ngừng bán hàng trên TikTok Shop ở Indonesia, TikTok từng phải đối mặt với những cú sốc tại quốc gia này trước đây. Vào tháng 7.2018, Indonesia đã trở thành quốc gia đầu tiên cấm ứng dụng video ngắn của tập đoàn ByteDance vì phân phối “nội dung khiêu dâm, không phù hợp và báng bổ”. TikTok đã phản ứng bằng cách bổ sung thêm người kiểm duyệt nội dung ở Indonesia và lệnh cấm đã được dỡ bỏ 8 ngày sau đó.

Vào tháng 12.2023, TikTok đã đạt được thỏa thuận đầu tư vào đơn vị Tokopedia thuộc GoTo Group (Indonesia) và hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ mua sắm trực tuyến, mở đường cho một mô hình thương mại điện tử vượt ra khỏi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Những người quen thuộc với thỏa thuận cho biết TikTok đã đồng ý hợp tác rộng rãi với Tokopedia trên một số lĩnh vực thay vì cạnh tranh trực tiếp với nền tảng nổi tiếng Indonesia này.

Khoản đầu tư vào Tokopedia sẽ là một bước tiến đầu tiên với TikTok Shop, nhánh dịch vụ video của ByteDance đang phát triển nhanh chóng và xâm nhập vào lĩnh vực mua sắm trực tuyến từ Mỹ đến châu Âu. Tuy nhiên, sự phát triển của TikTok Shop ở Indonesia so với Sea và Tokopedia đã bị dừng lại khi quốc gia này ra lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội hồi cuối tháng 9.2023.

TikTok tiếp quản phần lớn quyền sở hữu của Tokopedia. GoTo Group chỉ giữ lại chưa đến 1/4 cổ phần của Tokopedia và được hứa sẽ chia một phần lợi nhuận từ doanh số của TikTok Shop. Theo thỏa thuận này, TikTok mua lại 75,01% cổ phần của Tokopedia với giá 840 triệu USD và cam kết đầu tư thêm 1,5 tỉ USD trong những năm tới.

google-x-bo-lo-han-chot-cap-phep-mang-xa-hoi-cua-malaysia-meta-wechat-va-tiktok-tuan-thu2.jpg
TikTok Shop hoạt động trở lại tại Indonesia cuối năm 2023 thông qua Tokopedia - Ảnh: Internet

Việc hợp tác này cho phép TikTok Shop hoạt động trở lại tại Indonesia thông qua Tokopedia, tuân thủ các quy định mới của chính phủ về thương mại điện tử trên mạng xã hội. TikTok Shop đã chính thức hoạt động trở lại vào ngày 12.12.2023, nhân dịp Ngày mua sắm trực tuyến Indonesia. Hoạt động thương mại điện tử hợp nhất giữa TikTok Shop với Tokopedia được một số người bán và tài xế giao hàng gọi bằng cái tên Shopedia.

Bà Melissa Siska Juminto (36 tuổi) dành 12 năm tại Tokopedia xây dựng hệ thống thương mại điện tử. Sau thỏa thuận, bà Melissa Siska Juminto được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Giám đốc thương mại điện tử TikTok và Tokopedia.

Melissa Siska Juminto giải thích rằng việc hợp tác với TikTok có ý nghĩa chiến lược, vừa giúp TikTok có nguồn lực tài chính vừa khiến Tokopedia thúc đẩy cơn nghiện mua sắm trực tuyến của người Indonesia.

Sơn Vân