Tổng thống Trump muốn nước Mỹ có Greenland vì áp lực từ biến đổi khí hậu
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 11:33, 09/01/2025
Tổng thống Trump muốn nước Mỹ có Greenland vì áp lực từ biến đổi khí hậu
Để hình dung tương lai mà khí hậu nóng hơn, khô hơn có thể mang lại, và những thách thức địa chính trị mà nó sẽ tạo ra, hãy nhìn không xa hơn hai nơi trên thế giới mà Tổng thống đắc cử Donald Trump muốn Mỹ kiểm soát: Greenland và kênh đào Panama.
Trong những ngày gần đây, ông Trump đã nhấn mạnh rằng cả hai nơi này đều rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ. Ông được kêu gọi giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama từ Panama và mua lại Greenland từ Đan Mạch, bất chấp cả hai đều là lãnh thổ có chủ quyền với chính phủ riêng.
Họ còn có một điểm chung nữa: Cả hai đều bị ảnh hưởng đáng kể bởi biến đổi khí hậu và đặt ra những thách thức đáng sợ đối với hoạt động vận chuyển và thương mại toàn cầu.
Greenland đang tan lộ ra nguy cơ và thời cơ
Do nhiệt độ ấm lên, ước tính gần 30.000 km vuông băng và sông băng của Greenland đã tan chảy trong ba chục năm qua. Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với toàn thế giới. Theo NASA, nếu băng tan hoàn toàn, Greenland có thể khiến mực nước biển dâng cao tới 7 mét.
Băng tan ở Greenland có thể mở ra các khu vực để khoan dầu khí và khai thác các khoáng sản quan trọng. Đây là thứ đã thu hút sự quan tâm của quốc tế và làm dấy lên mối lo ngại về tác hại đối với môi trường. Theo báo cáo gần đây của Hội đồng Bắc Cực, lưu lượng tàu thuyền ở Bắc Cực đã tăng 37% trong thập niên qua khi băng biển giảm. Băng tan nhiều hơn có thể mở ra nhiều tuyến đường thương mại hơn nữa.
Giáo sư Amanda Lynch tại Đại học Brown là người đã nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Bắc Cực trong gần 30 năm. Giáo sư Lynch cho biết các tuyến đường thương mại mới do băng tan tạo ra cũng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra thảm họa môi trường. Theo bà, tàu thuyền từ một số quốc gia không được thiết kế để chịu được các điều kiện ở Bắc Cực.
Bà Lynch bày tỏ lo ngại: "Một vụ tràn dầu hoặc một số tai nạn rò rỉ hóa chất độc hại khác trên tuyến đường đó là điều không thể tránh khỏi và thậm chí có thể đã xảy ra mà chúng ta không biết".
Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm lớn đến một tuyến đường mới qua Bắc Cực. Vào tháng 11, Trung Quốc và Nga đã đồng ý hợp tác để phát triển các tuyến đường vận chuyển ở Bắc Cực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường Mỹ là Jose W. Fernandez đánh giá: “Các làn đường giao thông ở Bắc Cực đang thay đổi do biến đổi khí hậu. Đó là vấn đề mà chúng tôi ngày càng dành nhiều sự chú ý hơn và bất kỳ chính quyền mới nào cũng sẽ phải giải quyết trong tương lai”.
Ông Trump trước giờ không tin vào tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng cố vấn an ninh quốc gia trước đây của ông Trump là Robert C. O’Brien vừa thừa nhận rằng biến đổi khí hậu là một yếu tố khiến Trump quan tâm đến việc mua lại Greenland.
O’Brien nói với Fox News: “Greenland là con đường cao tốc từ Bắc Cực đến tận Bắc Mỹ, đến nước Mỹ. Về mặt chiến lược, nó rất quan trọng đối với Bắc Cực, nơi sẽ trở thành chiến trường quan trọng trong tương lai vì khi khí hậu ấm lên, Bắc Cực sẽ trở thành con đường có thể cắt giảm việc sử dụng Kênh đào Panama”.
Kênh đào Panama đang khô hạn
Với chiều dài 82 km qua giữa Panama, kênh đào này sử dụng một loạt các âu thuyền và hồ chứa để kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Kênh đào Panama giúp tàu thuyền không phải đi thêm khoảng 10 km để đi vòng qua mũi Horn ở cực nam của Nam Mỹ.
Vào năm 2023, một đợt hạn hán kéo dài đã gây ra sự gián đoạn trên diện rộng tại kênh đào. Mực nước tại hồ Gatún, nguồn dự trữ nước chính của kênh đào, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Tình hình nghiêm trọng đến mức chính quyền đã giảm lượng tàu thuyền qua kênh đào để giữ lại nguồn nước ngọt của hồ. Hàng loạt tàu thuyền phải chờ đợi nhiều tuần để băng qua kênh đào, gây ra hiệu ứng domino với ngành vận tải toàn cầu.
Các nhà khoa học phát hiện ra nguyên nhân trực tiếp gây hạn hán tại Panama là El Nino, một hiện tượng thời tiết tự nhiên có thể kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, họ phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu cũng có thể kéo dài thời gian khô hạn và làm tăng nhiệt độ trong khu vực. Cơ quan quản lý kênh đào đã đề xuất một dự án trị giá 1,6 tỉ USD để ngăn sông Indio gần đó nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt.
Cựu giám đốc phân tích khí hậu tại Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia là Kevin Trenberth cho biết biến đổi khí hậu đang tấn công kênh đào từ nhiều góc độ. Hệ thống an toàn của kênh đào cũng đang phải đối mặt với các mối đe dọa gia tăng từ mực nước biển dâng cao, có thể gây ra lũ lụt và xói mòn bờ kênh.
Giám đốc Viện Woods về môi trường tại Đại học Stanford là Chris Field, cho biết sự quan tâm của ông Trump đối với cả kênh đào Panama và Greenland là "một sự thừa nhận gián tiếp" rằng biến đổi khí hậu là có thật và đang tạo ra những thách thức toàn cầu mới.
Những tham vọng của ông Trump phải đối mặt với một số rào cản lớn. Tổng thống José Raúl Mulino của Panama đã bác bỏ việc thảo luận về việc kiểm soát kênh đào với ông Trump. Trong khi đó thủ tướng Greenland là Mute Egede đã khẳng định quyền kiểm soát hòn đảo "không phải để bán và sẽ không bao giờ được bán".