Đan Mạch cân nhắc cách phản ứng trước tham vọng kiểm soát Greenland của ông Trump
Chuyển động - Ngày đăng : 11:39, 09/01/2025
Đan Mạch cân nhắc cách phản ứng trước tham vọng kiểm soát Greenland của ông Trump
Khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tỏ ý định mua đảo Greenland ở nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thẳng thừng từ chối ý tưởng mà bà đánh giá là “vô lý” này.
Hiện tại nhiều đồng minh và cố vấn của Tổng thống Trump cảnh báo ông phải thực sự nghiêm túc. Vì vậy Đan Mạch đang cẩn thận cân nhắc cách phản ứng để không làm rạn nứt mối quan hệ giữa hai quốc gia cùng thuộc khối NATO.
Đài CNN dẫn lời một quan chức Đan Mạch cấp cao: “Tình hình hỗ trợ ý tưởng này (kiểm soát đảo Greenland) nay đã khác. Mọi chuyện có vẻ nghiêm trọng hơn trước”.
Trong cuộc họp báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ngày 7.1, Tổng thống Trump tuyên bố: “Chúng ta cần Greenland vì mục đích an ninh quốc gia. Mọi người thực sự không biết liệu Đan Mạch có bất kỳ quyền hợp pháp nào với đảo hay không. Nhưng nếu có thì họ nên từ bỏ do Mỹ cần nó”. Không những vậy ông còn từ chối loại trừ khả năng dùng đến sức mạnh quân sự hoặc sức mạnh kinh tế đạt mục đích.
Thay vì nghĩ rằng Tổng thống Trump không nghiêm túc, Đan Mạch xác định đối thoại thẳng thắn là cách duy nhất để ngăn chặn khủng hoảng. Ngoại trưởng Lars Lokke Rasmussen ngày 8.1 gửi đi thông điệp muốn thảo luận vấn đề với chính quyền Mỹ sắp tới. Lâu nay hai nước hợp tác chặt chẽ ở Bắc Cực và Greenland, trên đảo có một căn cứ quân sự Mỹ theo hiệp ước ký kết năm 1951.
Người đứng đầu chính quyền Greenland Mute Egede nói rõ không muốn bị cuốn vào căng thẳng chính trị giữa Đan Mạch với Mỹ. Ông khẳng định: “Greenland thuộc về người dân Greenland. Tương lai và cuộc đấu tranh giành độc lập của chúng tôi là việc của chúng tôi”.
Greenland là khu tự trị của Đan Mạch, tự quyết chính sách đầu tư - kinh tế còn chính sách đối ngoại cùng an ninh do Copenhagen phụ trách.
Không chờ Đan Mạch đưa ra phản ứng chính thức, Pháp và Đức đã lên tiếng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu: “Nguyên tắc biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm áp dụng cho mọi nước bất kể lớn hay nhỏ”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nhấn mạnh: “Liên minh châu Âu (EU) sẽ không để các quốc gia khác tấn công biên giới có chủ quyền của mình”.
Greenland muốn đòi độc lập khiến Tổng thống Trump lo lắng?
Ở nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, giới chức Mỹ đặc biệt lo ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực - vào thời điểm đó còn là mối đe dọa tương đối mới. Trung Quốc từ năm 2018 thể hiện mong muốn đầu tư phát triển hạ tầng ở Greenland (công trình hàng hải, sân bay).
Nhưng CNN cho biết cả giới chức Mỹ lẫn giới chức Đan Mạch đều chẳng hiểu nổi nỗi ám ảnh mà Tổng thống Trump dành cho Greenland, mặc dù Mỹ đã thiết lập hiện diện quân sự vững chắc tại đây.
Mặc dù vậy một quan chức quốc phòng chỉ ra nguyên nhân khiến Tổng thống Trump lo lắng: Greenland muốn đòi độc lập. Diễn biến này khiến hòn đảo bất ổn hơn về mặt chính trị, dễ bị Nga và Trung Quốc ảnh hưởng hơn.
“Đan Mạch là đồng minh NATO trung thành. Miễn là Greenland còn thuộc về Đan Mạch thì chúng tôi vẫn an toàn. Đây là tin tốt đảm bảo sự ổn định. Tuy nhiên chúng tôi nhận ra bối cảnh địa chính trị xuất hiện một số chuyển đổi mà chúng tôi chưa từng thấy. Mọi người đang nghi ngờ”, theo một quan chức quốc phòng.
Kiểm soát và phụ trách an ninh Greenland sẽ là gánh nặng lớn với Mỹ đồng thời đòi hỏi đầu tư lớn. Hiện tại hải quân hoàng gia Đan Mạch chịu trách nhiệm tuần tra vùng biển xung quanh Greenland, tiến hành phá băng nếu cần - công việc nặng nề mà Mỹ có thể phải đảm nhận với đội tàu phá băng cũ kỹ. Ngoài ra Đan Mạch còn đang thực hiện nhiệm vụ giám sát nhiều khu vực trên địa bàn Greenland bằng hoạt động tuần ta bằng xe chó kéo.