Kịch bản nào cho lạm phát của Việt Nam năm 2025?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:01, 09/01/2025
Kịch bản nào cho lạm phát của Việt Nam năm 2025?
CPI trung bình năm 2024 của Việt Nam chỉ tăng 3,63% so với 2023. Đây là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.
Vào đầu năm 2024 không có nhiều dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam khi GDP chỉ tăng 5,66% trong quý 1, còn CPI vào tháng 3.2024 đã tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông, xu hướng gia tăng giá cước vận tải, đặc biệt là sự mạnh lên của đồng USD trên thị trường thế giới gây áp lực lớn đến tỷ giá, lãi suất và lạm phát tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, kể từ quý 2/2024 bức tranh kinh tế đã dần sáng hơn. Sự phục hồi ấn tượng của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã giúp tăng trưởng GDP các quý sau có xu hướng cao hơn so với quý trước. Trong khi đó, lạm phát so với cùng kỳ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh ở mức 4,45% vào tháng 5.2024.
Đến cuối năm 2024, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép với tăng trưởng GDP đạt mức 7,09% (vượt mục tiêu 6-6,5%), còn CPI trung bình chỉ tăng 3,63% so với năm trước, thấp hơn rất nhiều mức mục tiêu được Quốc hội thông qua là 4-4,5%. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.
Tại hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025" ngày 9.1, giới chuyên gia đã đưa ra kịch bản thận trọng về khả năng kiểm soát lạm phát năm 2025 của Việt Nam.
Theo đó, bên cạnh các yếu tố về tiền tệ, tỷ giá, lạm phát trong năm 2025 còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tăng trưởng kinh tế thế giới và giá dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới trong năm 2025 vẫn tăng trưởng ổn định với mức 3,2%, tương đương năm 2024, còn giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đầu vào, tính trung bình, có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, tỷ giá và lãi suất sẽ là các yếu tố còn nhiều bất định và tác động đến giá cả ở Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhấn mạnh: "Với chính sách tiền tệ và tỷ giá ổn định, hợp lý, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4% trong suốt một thập kỷ gần đây. Trong năm 2025 nhiều khả năng lạm phát trung bình sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức 3% (+/- 0,5%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4-4,5% được Quốc hội thông qua".
Trong khi đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2025 là dự báo tình hình thế giới năm 2025, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, các nước sẽ có những điều chỉnh chính sách nhất định theo diễn biến của tình hình chung... Từ đó, sẽ tác động đến biến động giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới.
Cùng với đó, tỷ giá VND/USD duy trì ở mức cao là một yếu tố quan trọng khiến chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu gia tăng, đẩy giá các sản phẩm nhập khẩu lên cao, điều này có thể tạo ra những tác động dây chuyền đối với nhiều ngành sản xuất trong nước. Rủi ro từ thiên tai và biến đổi khí hậu cũng là yếu tố không thể bỏ qua vì có thể ảnh hưởng đến mùa màng và cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm.
Theo Cục Quản lý giá, Việt Nam có thể giảm bớt áp lực từ các yếu tố này nhờ vào một số yếu tố thuận lợi. Một trong số đó là lạm phát toàn cầu có xu hướng hạ nhiệt, giúp giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu. Ngoài ra, sự ổn định của nguồn cung lương thực trong nước cũng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng khan hiếm, đồng thời duy trì mức giá ổn định cho các sản phẩm thiết yếu. Chính sách thuế của Chính phủ, như việc giảm thuế GTGT và thuế môi trường đối với xăng dầu, cũng góp phần giảm chi phí sản xuất và từ đó hỗ trợ kiểm soát giá cả.
Để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát như Quốc hội đề ra, Cục Quản lý giá cho rằng công tác quản lý và điều hành giá trong năm 2025 sẽ cần phải có sự linh hoạt và chủ động trong việc theo dõi và điều chỉnh các yếu tố tác động từ bên ngoài. Điều này bao gồm việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý khi điều kiện cho phép, đồng thời thúc đẩy công tác thi hành các chính sách về giá, đặc biệt là từ 1.7.2024 theo Luật Giá năm 2023.
Đặc biệt, một yếu tố quan trọng trong công tác điều hành giá là việc theo dõi sát sao các diễn biến từ thị trường thế giới, bao gồm giá các hàng hóa chiến lược và tình hình kinh tế toàn cầu. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả trong nước, vì vậy việc dự báo và ứng phó kịp thời với các biến động của tình hình kinh tế thế giới và các căng thẳng địa chính trị là rất cần thiết. Cục Quản lý giá sẽ phải đưa ra các biện pháp linh hoạt, kịp thời để đối phó với những tác động có thể xảy ra, từ đó đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2025.
Bộ Tài chính trong nỗ lực kiểm soát lạm phát và ổn định giá cả, tiếp tục rà soát và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường. Việc này sẽ được tiến hành cẩn trọng để đánh giá và tính toán kỹ tác động nhằm tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.