Hà Nội: Thu giữ hơn 12 tấn nội tạng động vật bốc mùi hôi thối sắp được làm thực phẩm
Sự kiện - Ngày đăng : 20:58, 09/01/2025
Hà Nội: Thu giữ hơn 12 tấn nội tạng động vật bốc mùi hôi thối sắp được làm thực phẩm
Trên 10 tấn nội tạng là sách bò, dạ dày bò, dạ dày lợn, trứng gà non không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối vừa bị lực lượng quản lý thị trường bắt giữ.
Tổng cục Quản lý thị trường ngày 9.1 cho biết trên 10 tấn nội tạng là sách bò, dạ dày bò, dạ dày lợn, trứng gà non không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa bị lực lượng quản lý thị trường (QLTT) chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội kiểm tra và thu giữ tại Khu công nghiệp Quang Minh và một cơ sở kinh doanh tại huyện Thanh Trì. Lô hàng này được các đối tượng nhập về kinh doanh phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đoàn kiểm tra ghi nhận gần 10 tấn hàng nội tạng động vật trên không có nhãn mác, trên bao bì không thể hiện thông tin về sản phẩm, ngày tháng sản xuất cũng như hạn sử dụng. Trong đó nhiều nhất là sách bò với trọng lượng khoảng 8 tấn. Số còn lại phần lớn là dạ dày bò và lợn. Toàn bộ hàng hóa tại kho hàng bị kiểm tra đều là sản phẩm đông lạnh, lực lượng chức năng ghi nhận nhiều sản phẩm đã xuất hiện dấu hiệu phân hủy, biến đổi màu sắc và bốc mùi hôi thối.
Chủ cơ sở kinh doanh được xác định là ông H.V.D (trú quán tại tỉnh Bắc Kạn). Làm việc với đoàn kiểm tra, ông H.V.D không xuất trình được các chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Lô hàng có trị giá gần 550 triệu đồng.
Theo đại diện Đội QLTT số 17, Cục QLTT thành phố Hà Nội, hàng hóa tại cơ sở kinh doanh nói trên được chủ cơ sở thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó sử dụng xe đông lạnh vận chuyển vào ban đêm nhằm hạn chế sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Tinh vi hơn, các đối tượng còn liên tục thay đổi biển số xe cũng như phương tiện vận chuyển nhằm tránh sự phát hiện của các đoàn kiểm tra.
Toàn bộ số hàng hóa này được nhập để phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, không chỉ được phân phối tại thị trường Hà Nội mà còn len lỏi vào nhiều cửa hàng, quán ăn trên cả nước.
Ngày 8.1, một tổ công tác khác của Đội QLTT số 17, Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh tại ngõ 21 Tựu Liệt, huyện Thanh Trì.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện hơn 2,1 tấn thực phẩm đông lạnh là nầm lợn, tràng trứng, tràng lợn, kê gà, mề gà,... không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm định chất lượng. Chủ cơ sở là bà P.T.H (SN 1992) không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh, hóa đơn chứng từ của số hàng trên.
Bà H. khai nhận số hàng trên được bà thu mua trôi nổi trên thị trường và bán lại cho các khách hàng có nhu cầu tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân càng tăng cao. Lợi dụng điều này, không ít đối tượng đã đưa ra thị trường các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa hóa chất độc hại, trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bán kiếm lời, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng...
Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phục vụ người dân đón tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP ban hành kế hoạch nhằm tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao không bảo đảm chất lượng, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn; ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, vẫn bảo đảm phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm.
Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, TP.HCM, Đồng Nai, Trà Vinh và Sóc Trăng. Đồng thời, tại địa phương cũng lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã/phường để kiểm tra, rà soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, phổ biến tuyên truyền việc cần tự giác, gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, thay đổi hành vi, thói quen, cách sống mất vệ sinh, góp phần bảo đảm ATTP ở tất cả các khâu, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.