Tòa án Tối cao Mỹ ‘cân não’ về lệnh cấm TikTok
Thế giới số - Ngày đăng : 09:02, 11/01/2025
Tòa án Tối cao Mỹ ‘cân não’ về lệnh cấm TikTok
Tòa án Tối cao có vẻ nghiêng về việc duy trì luật buộc ByteDance phải bán TikTok hoặc cấm ứng dụng này tại Mỹ vào ngày 19.1.2025, với các thẩm phán tập trung vào những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến Trung Quốc.
Trong khoảng 2 tiếng rưỡi tranh luận, 9 thẩm phán đã gây sức ép với các luật sư đại diện cho TikTok, ByteDance (chủ sở hữu TikTok) và người dùng ứng dụng về nguy cơ chính phủ Trung Quốc khai thác nền tảng này để do thám người Mỹ và thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng bí mật, đồng thời cũng đặt ra các vấn đề về quyền tự do ngôn luận.
“Chúng ta có nên bỏ qua thực tế rằng công ty mẹ cuối cùng thực sự chịu trách nhiệm thực hiện công việc tình báo cho chính phủ Trung Quốc không?”, Chánh án bảo thủ John Roberts hỏi luật sư Noel Francisco, đại diện cho TikTok và ByteDance.
Hai công ty Trung Quốc và người dùng đã kiện để ngăn chặn luật được Quốc hội thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng và được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 4.2024. TikTok và ByteDance đã kháng cáo phán quyết từ tòa án cấp dưới ủng hộ luật này và bác bỏ lập luận của họ rằng luật vi phạm quyền bảo vệ Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Mỹ với việc chính phủ hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Tu chính án thứ nhất là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp Mỹ. Nó bảo vệ các quyền tự do cơ bản thiết yếu cho một xã hội dân chủ. Tu chính án này đã được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hình ngôn luận, gồm cả bài phát biểu chính trị, báo chí tự do và biểu tình.
Một số thẩm phán đã nêu lên những lo ngại về tác động của luật với quyền tự do ngôn luận, nhưng mối quan tâm chính của họ dường như tập trung vào những tác động về an ninh quốc gia liên quan đến một nền tảng truyền thông xã hội có chủ sở hữu nước ngoài, thu thập dữ liệu từ cơ sở người dùng trong nước gồm 170 triệu người, chiếm khoảng 1/2 dân số Mỹ.
Thẩm phán bảo thủ Brett Kavanaugh hỏi Noel Francisco về rủi ro lâu dài nếu Trung Quốc thu thập dữ liệu từ người dùng Mỹ, đặc biệt là những người tiếp cận ứng dụng từ khi còn nhỏ, và sử dụng "thông tin đó theo thời gian để phát triển gián điệp, lôi kéo hoặc tống tiền những người có thể trong tương lai sẽ làm việc cho FBI (Cục Điều tra Liên bang), CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương) hoặc Bộ Ngoại giao Mỹ".
Việc Tòa án Tối cao xem xét vụ kiện diễn ra vào thời điểm căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sẽ bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai vào ngày 20.1, ông Donald Trump phản đối lệnh cấm TikTok.
Vào ngày 27.12.2024, Trump đã thúc giục tòa án hoãn thời hạn ByteDance thoái vốn khỏi TikTok là ngày 19.1 để chính quyền mới của ông có "cơ hội theo đuổi giải pháp chính trị cho các câu hỏi đang được tranh luận trong vụ án".
Noel Francisco gọi TikTok là một trong những nền tảng diễn thuyết phổ biến nhất với người Mỹ và cho biết về cơ bản nó gần như sẽ bị đóng cửa vào ngày 19.1 nếu ByteDance không thoái vốn.
Ông cho biết mục tiêu thực sự của luật "là chính phát ngôn - nỗi sợ rằng người Mỹ, ngay cả khi được thông báo đầy đủ, vẫn có thể bị thuyết phục bởi thông tin sai lệch của Trung Quốc. Tuy nhiên, đó là quyết định mà Tu chính án thứ nhất để lại cho người dân".
Trích dẫn lập trường của ông Trump về vụ kiện, Noel Francisco yêu cầu các thẩm phán ít nhất hãy tạm thời đình chỉ luật. "Điều này sẽ cho phép bạn cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề quan trọng này và vì những lý do mà Tổng thống đắc cử giải thích, có khả năng bác bỏ vụ án".
Sau đó, Thẩm phán bảo thủ Samuel Alito nêu khả năng tòa án đưa ra lệnh tạm hoãn hành chính để tạm thời đình chỉ luật trong khi các thẩm phán quyết định cách thức tiến hành.
Các câu hỏi từ Thẩm phán tự do Elena Kagan nhấn mạnh những lo ngại đối lập của tòa án về an ninh quốc gia và tự do ngôn luận.
Đề cập đến ByteDance, Elena Kagan nói với Noel Francisco rằng luật này "chỉ nhắm vào tập đoàn nước ngoài này, vốn không có quyền theo Tu chính án thứ nhất".
Noel Francisco nói với Thẩm phán bảo thủ Brett Kavanaugh rằng vào ngày 19.1 "ít nhất là theo tôi hiểu, chúng tôi (TikTok) sẽ bị đóng cửa. Về cơ bản, nền tảng này sẽ bị đóng cửa trừ khi ByteDance thoái vốn hoặc Tổng thống Trump thực hiện thẩm quyền của mình để gia hạn". Thế nhưng, Trump không thể làm điều đó vào ngày 19.1 vì ông chỉ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20.1, Noel Francisco nói.
"Có thể đến ngày 20, 21 hoặc 22 tháng 1, chúng ta sẽ ở một thế giới khác", Noel Francisco nói thêm.
Đáp lại Thẩm phán bảo thủ Amy Coney Barrett, Noel Francisco cho biết có thể mất "nhiều năm" để ByteDance hoàn tất việc thoái vốn khỏi TikTok.
Noel Francisco đã đưa ra tình huống giả định là "chính phủ Trung Quốc bắt con cái của chủ sở hữu tờ báo Washington Post - Jeff Bezos làm con tin để buộc ông và tờ báo này phải đăng bất cứ điều gì họ muốn trên trang nhất, lúc đó Trung Quốc thực sự có toàn quyền kiểm soát".
"Tôi vẫn không nghĩ rằng Quốc hội có thể vào cuộc và nói với Bezos: 'Hoặc là bán tờ Washington Post, hoặc đóng cửa', vì điều đó sẽ vi phạm quyền của Bezos và quyền của tờ Washington Post", Noel Francisco nói.
“Mục tiêu địa chính trị”
Tổng chưởng lý Mỹ - Elizabeth Prelogar cho biết việc chính phủ Trung Quốc kiểm soát TikTok gây ra mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia Mỹ. Bà nói bộ dữ liệu khổng lồ của TikTok về người dùng Mỹ và những người liên hệ không dùng ứng dụng này cung cấp cho Trung Quốc một công cụ mạnh mẽ để quấy rối, tuyển dụng và gián điệp. Theo Elizabeth Prelogar, chính phủ Trung Quốc "có thể biến TikTok thành vũ khí bất cứ lúc nào để gây hại cho Mỹ".
Elizabeth Prelogar cho biết Tu chính án thứ nhất không cấm Quốc hội hành động để bảo vệ người Mỹ và dữ liệu của họ. Bà cũng trích dẫn một "truyền thống lâu đời" là cấm nước ngoài kiểm soát các kênh truyền thông của Mỹ và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
"Tổn hại an ninh quốc gia phát sinh từ chính thực tế là đối thủ nước ngoài có khả năng bí mật thao túng nền tảng để thúc đẩy các mục tiêu địa chính trị của mình, dưới bất kỳ hình thức nào mà hoạt động bí mật đó có thể diễn ra", Elizabeth Prelogar cho hay.
Khi được thẩm phán bảo thủ Clarence Thomas yêu cầu xác định bài phát biểu của TikTok có liên quan trong vụ án, Francisco đã trích dẫn thuật toán mạnh mẽ của TikTok, cung cấp cho người dùng cá nhân các video ngắn được điều chỉnh theo sở thích của họ.
Khi được Thẩm phán bảo thủ Clarence Thomas hỏi về "phát ngôn" của TikTok trong vụ kiện này, Noel Francisco nhắc đến thuật toán mạnh mẽ của TikTok, cung cấp cho người dùng các video ngắn được cá nhân hóa theo sở thích của họ.
"Luật này quy định rằng TikTok không thể làm điều đó (cung cấp các video cá nhân hóa thông qua thuật toán) trừ khi ByteDance thực hiện một cuộc thoái vốn có điều kiện. Đó là một gánh nặng trực tiếp với phát ngôn của TikTok", Noel Francisco nói.
Lập luận của Noel Francisco là việc áp đặt một điều kiện như vậy cản trở quyền tự do ngôn luận của TikTok, vốn được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất theo Hiến pháp Mỹ.