50 ngân hàng, tổ chức hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng COVID-19
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 14:42, 28/04/2020
Cụ thể, trong danh sách 50 tổ chức tín dụng thì có đến 43 ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng trong nước, ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và 7 công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính tham gia.
Các ngân hàng trong nước bao gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, Co-opBank, MSB, Bac A Bank, ABBank, PGBank, SHB, TPBank, PvcomBank, HDBank, Eximbank, LienVietPostBank, ACB, Techcombank, VIB, MB, OceanBank, OCB, Saigonbank, NCB, Kienlongbank, Viet A Bank, VPBank, SeABank và SCB.
Các ngân hàng liên doanh và ngân hàng nước ngoài bao gồm Indovina Bank, Standard Chartered Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, Public Bank Việt Nam, Siam Commercial Bank chi nhánh TP.HCM, Ngân hàng Bangkok Đại chúng TNHH chi nhánh TP.HCM, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia chi nhánh TP.HCM và Hà Nội, CitiBank chi nhánh TP.HCM, BNP Paribas chi nhánh Hà Nội, Woori Việt Nam, UOB Việt Nam và Natixis chi nhánh TP.HCM.
Các công ty tài chính và cho thuê tài chính gồm Công ty TNHH Cho thuê tài chính quốc tế Việt Nam, Công ty cho thuê tài chính TNHH MTV Quốc tế Chailease, Công ty TNHH MTV cho thuê tài chính Ngân hàng Á Châu, Công ty TNHH cho thuê tài chính Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Công ty tài chính TNHH MTV Mirae ASSET.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, tính đến ngày 31.3, dư nợ tín dụng cả nước đạt hơn 8,3 triệu tỉ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019. Đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến nay dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỉ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng hỗ trợ khách hàng chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Đặc biệt, chỉ thị số 01 đã được ban hành ngày 13.3 trên cơ sở đánh giá có hơn 926.000 tỉ đồng dư nợ tại 23 tổ chức tín dụng chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19 được Ngân hàng Nhà nước đưa ra hồi giữa tháng 3.
Đến nay, tổng gói tín dụng mà ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đã lên tới hơn 300.000 tỉ đồng. Trong đó, các tổ chức tín dụng bước đầu đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với số tiền gần 18.000 tỉ đồng; thực hiện miễn, giảm lãi cho gần 6.500 khách hàng với dư nợ gần 126.000 tỉ đồng; cho vay mới 65.208 tỉ đồng với 354.286 khách hàng. Kết quả này chủ yếu đến từ việc các tổ chức tín dụng đồng loạt giảm 2% lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu cũng như các khoản vay mới.
Theo chỉ thị, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với trên 40.000 khách hàng với dư nợ tín dụng khoảng 1.400 tỉ đồng; cho 275.000 khách hàng vay mới 12.000 tỉ đồng. Để triển khai Nghị quyết của Chính phủ về an sinh xã hội, Ngân hàng Chính sách còn tiếp nhận khoản vay tái cấp vốn 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0% để cho vay đối với người lao động bị ngừng việc tạm thời.
Về lãi suất, thời gian qua, để đối phó với tác động tiêu cực của dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động giảm lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5-1%/năm. Cơ quan này cũng ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
“Thời gian qua và thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục làm việc với Chủ tịch HĐQT, ban điều hành của các tổ chức tín dụng để tiếp tục triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục cắt giảm chi phí, giảm lương, thưởng, không chia cổ tức tiền mặt… để tiếp tục có điều kiện giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước sẽ liên tục làm việc với các hiệp hội ngành hàng, nắm bắt và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”, Thống đốc cho hay.
Phan Diệu