Thách thức, nguy cơ và những giải pháp cho phát triển đất nước - Bài 2: Năm vấn đề lớn mang tính toàn cầu về an ninh
Góc bình luận - Ngày đăng : 06:41, 13/01/2025
Thách thức, nguy cơ và những giải pháp cho phát triển đất nước - Bài 2: Năm vấn đề lớn mang tính toàn cầu về an ninh
Như bài 1 chúng tôi đã nêu, bất kỳ quốc gia nào cũng đều đang phải đối mặt và phải tìm kiếm giải giải pháp cho 5 vấn đề lớn có tính toàn cầu hiện nay về an ninh. Đó là: An ninh tài chính; An ninh lương thực; An ninh năng lượng; An ninh môi trường; An ninh chính trị, xã hội.
1. An ninh tài chính
Trong cục diện địa - thông tin toàn cầu, những đột phá của công nghệ truyền thông và viễn thông hiện đại đã phá tan bức tường không gian-thời gian, khiến cho một lượng khổng lồ những phi vụ giao dịch tài chính được thực hiện qua các mạng tài chính điện tử toàn cầu, liên thông với nhau theo kiểu “bình thông nhau”. Đặc điểm của hình thức giao dịch này là tốc độ cực nhanh, tạo nên một khối lượng tiền ảo khổng lồ, có giá trị gấp hàng trăm ngàn lần giá trị số lượng đồng tiền thật, khiến không một ai, hay nước nào, tổ chức nào có thể kiểm soát nổi. Điều này đã tạo thành cơn sóng thần tài chính, phá tan hệ thống tài chính ngân hàng của các nước phát triển. Chỉ riêng ở nước Mỹ, nếu luân chuyển tiền tệ trong một tháng, mới chỉ ở mức hơn 3.000 tỉ USD vào năm 1910, thì tới năm 2000 đã lên tới 571.000 tỉ USD, với hơn 100.000 giao dịch tài chính hằng ngày.
Cuộc khủng hoảng tín dụng bất động sản ở Mỹ, bắt đầu từ nửa cuối năm 2007, đã lây lan trên quy mô toàn cầu một cách nhanh chóng, khiến toàn bộ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới bị chao đảo, tê liệt. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu thua lỗ nặng, đã gây hiệu ứng sụp đổ đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng ở các nước phát triển.
Cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ, đã kéo theo Nhật Bản và các nền kinh tế lớn nhỏ của châu Âu đều rơi vào suy thoái, như Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, cũng như các nền kinh tế mới chuyển đổi như Ba Lan, Hungary, hay các nền kinh tế nhỏ như Iceland, hoặc các nước vùng Baltic, buộc chính phủ các nước này phải chi ra hàng nghìn tỉ USD để chống đỡ, hoặc phải cầu cứu nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Các nền kinh tế dựa vào dầu mỏ, như Ả Rập Saudi, Iran, Nga, Venezuela cũng đang chao đảo. Giá cả tăng vọt vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008 gây biến động lớn tại 30 nước. Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan - bốn con rồng châu Á, cũng bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, dù đã bơm hàng chục tỉ USD. Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… đang gánh chịu hệ quả của chiến lược định hướng xuất khẩu do nhu cầu tại Mỹ, châu Âu sụt giảm do khủng hoảng.
Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" (WEO) được công bố trước hội nghị thường niên Mùa xuân 2009, họp trong 2 ngày 25 - 26.4 tại Washington (Mỹ), IMF cho biết cuộc khủng hoảng hiện nay tác động bất lợi tới hoạt động thương mại quốc tế, với khối lượng thương mại dự kiến giảm 11% năm 2009, kinh tế thế giới sẽ giảm 1,3% năm 2009, lần suy giảm đầu tiên trong 60 năm qua và chỉ tăng 0,6% năm 2010.
Qua cuộc khủng hoảng tài chính này, các nhà lãnh đạo các nước, các tổ chức và các định chế quốc tế có thể cũng có những nhận định sau đây:
- Cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua đã ảnh hưởng tới mọi nước trong cục diện địa chính trị thế giới. Việc giá dầu thế giới giảm mạnh từ 147 USD/thùng xuống còn dưới 50 USD/thùng đã gây ra những tác động tiêu cực đối với nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ, như Nga, Venezuela, Iran, Iraq trong việc khôi phục hoạt động của các mỏ dầu ở các nước này, có thể buộc các nước phải giảm bớt lập trường cứng rắn trong chính sách đối ngoại, cũng như cản trở các nước đồng minh của Mỹ duy trì những chương trình chống khủng bố.
- Cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua đã cho thấy vai trò và tầm quan trọng của nhà nước trong việc điều hành kinh tế vĩ mô. Nếu vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 đã thịnh hành trường phái kinh tế “Tân tự do” dựa trên 3 trụ cột là: Tự do hóa, tư nhân hóa, giải điều tiết, thì cuộc khủng hoảng lần này đã làm sụp đổ học thuyết đó và khơi dậy lại lý thuyết Keynes về việc đề cao vai trò điều tiết vĩ mô của nhà nước đối với nền kinh tế. Chẳng hạn, do 5 ngân hàng châu Âu sụp đổ, nên các chính phủ ở châu Âu phải tiến hành mọi biện pháp để bảo đảm và ứng cứu cho các ngân hàng. Còn nước Mỹ, do sợ gặp phải khủng hoảng kép là khủng hoảng ngân hàng và tiền tệ nếu đồng tiền USD bị sụp đổ, nên trong hai tuần biến động, Fed và Bộ Tài chính đã quyết tâm ngăn sự sụp đổ tệ hại nhất của ngành ngân hàng bằng cách quốc hữu hóa hai công ty cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ, là Fannie Mae và Freddie Mac, tiếp quản Tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Mỹ AIG; nâng mức trần bảo hiểm tiền gửi, tạm thời cấm bán khống đối với các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, họ đã chi 700 tỉ USD mua lại chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp...
- Các nền kinh tế trong một thế giới được toàn cầu hóa đang nằm trong sự tùy thuộc (interdependence) ở mức độ cao. Đã xuất hiện một cơ chế xử lý khủng hoảng đại diện cho cả các nền kinh tế phát triển, lẫn các nền kinh tế đang phát triển, đó là G-20. Mặc dù cơ chế này chứa đựng không ít khuyết tật, song đây vẫn được coi là một “hiện tượng” mới của thời đại. Riêng Trung Quốc, tính đến cuối năm 2008 đã đầu tư tổng cộng gần 900 tỉ USD vào việc mua công trái chính phủ Mỹ; từ 550 - 600 tỉ USD vào việc mua trái khoán của các thiết chế tài chính liên quan chính phủ Mỹ, như Fannie Mae và Freddie Mac. Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư khoảng 150 tỉ USD vào trái khoán của các doanh nghiệp; 40 tỉ USD vào cổ phiếu Mỹ. Nhìn bề ngoài, dường như Mỹ đang tùy thuộc vào Trung Quốc, nhưng về thực chất, đây là sự đầu tư nhằm giữ sự ổn định cho tổng số tài sản ngoại tệ của Trung Quốc, do Cục Quản lý ngoại tệ quốc gia Trung Quốc, các ngân hàng nhà nước và công ty đầu tư của Trung Quốc quản lý. Tính đến cuối năm 2008, số tiền ấy đã lên tới khoảng 2.350 tỉ USD (tương đương 50% GDP của Trung Quốc), khi mà đồng USD đang có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào tại thị trường tài chính quốc tế.
- Cuộc khủng hoảng tài chính lần này tại các nước phát triển nhất thế giới báo hiệu thời đại Pax Americana - Nền hòa bình thế giới dưới sự bá chủ của Mỹ, sẽ kết thúc. Trong một tương lai không xa, thế giới sẽ sống trong nền hòa bình dưới sự bá chủ kinh tế của Trung Quốc - gọi là Pax Sinica, mà theo GS Niall Ferguson (Khoa Lịch sử kinh tế, Đại học Harvard, Mỹ) nhận định, thì đây “không phải là sự lựa chọn, mà là vấn đề thời gian và định mệnh".
2. An ninh năng lượng
Cho đến nay, phần lớn các nguồn năng lượng mà nhân loại đang sử dụng đều bắt nguồn từ năng lượng hóa thạch, như than đá, dầu mỏ, khí đốt - là các loại năng lượng dưới dạng tài nguyên không thể tái tạo, được khai thác từ lòng đất và các đại dương. Trong giai đoạn tới đây, các nhà nghiên cứu cho rằng năng lượng tái tạo đóng một vai trò quan trọng trong bài toán an ninh năng lượng của mỗi quốc gia. Theo các dự báo chính thức, nguồn năng lượng tự nhiên hiện nay của thế giới sẽ cạn kiệt trong thời gian tới, trong đó dự báo nguồn dầu mỏ thương mại trên thế giới sẽ chỉ còn đủ dùng khoảng 60 năm, khí tự nhiên 80 năm, than 150 - 200 năm.
Quỹ Quốc tế bảo vệ động vật hoang dã (WWF) cho biết con người đang sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên ở tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với khả năng sản xuất ra nguồn tài nguyên mới của hành tinh. Theo báo cáo của WWF, hiện nay con người tiêu thụ nhiều hơn 20% so với khả năng tạo ra nguồn tài nguyên mới của trái đất. Trong giai đoạn 1970-2000, con người đã khai thác và sử dụng hết tới 40% số lượng động vật sống trên cạn, nguồn nước và các loài sinh vật biển. Sự tiêu thụ nguồn nhiên liệu liệu như than, khí và dầu lửa cũng tăng khoảng 700% trong giai đoạn 1961-2000. Ông Martin, người đứng đầu tổ chức WWF nhận định: "Chúng ta đang tiêu tốn nguồn tài nguyên nhanh hơn khả năng phục hồi của nó. Chúng ta đã sử dụng nhưng không nghĩ đến chuyện phải "trả nợ" cho thiên nhiên, trừ khi chính phủ mỗi quốc gia phải cân bằng được giữa nguồn tiêu thụ và tái tạo nó".
Bởi vậy, vấn đề an ninh năng lượng đang trở nên cấp bách. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới nói chung và các nước ASEAN nói riêng, cũng đang hành động để tăng cường an ninh năng lượng. Lời giải cho bài toán này, đó cũng là các năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, thủy triều, địa nhiệt...) và tìm ra các nguồn năng lượng mới (hydro, nhiệt hạch...). Điều đó có thể góp phần xóa đi hàng loạt cuộc chiến tranh dầu mỏ, hay những cuộc khủng hoảng dầu mỏ… đang có nguy cơ xảy ra. Chẳng hạn, các mỏ dầu tập trung chủ yếu ở những vùng mà tình hình chính trị luôn bất ổn và mỗi khi khủng hoảng dầu mỏ diễn ra, kinh tế thế giới lại biến động… Đồng thời, con người nên ngưng lại việc sử dụng tài nguyên một cách bừa bãi, lãng phí, và phải khôi phục lại những nguồn tài nguyên đã bị tiêu thụ một cách mất cân đối giữa sự phát triển và công nghiệp hóa của thế giới.
3. An ninh lương thực
Theo dự báo của Tổ chức Lương thực, nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), trong năm 2009, số người thiếu ăn trên thế giới vượt mức 1 tỉ, so với 963 triệu người vào cuối năm 2008. Nguy cơ những người nghèo bị thiếu ăn, theo ông Jacques Diouf - Tổng giám đốc FAO, sẽ còn gia tăng với tình trạng các kho dự trữ lương thực trên thế giới đã xuống mức thấp nhất từ 30 năm nay, trong lúc công việc sản xuất ngày càng bị hiện tượng biến đổi khí hậu đe dọa. Ông Diouf kết luận: ''Khủng hoảng lương thực không những vẫn còn đó, mà lại còn bị khủng hoảng kinh tế tài chính làm cho gay gắt thêm”. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có nguy cơ tạo ra khoảng 100 triệu ''người đói mới'' do việc hàng chục triệu người tại các nước nghèo bị mất công ăn việc làm.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp của các quốc gia G8 gồm Mỹ, Nga, Đức, Nhật, Pháp, Canada, Anh và Ý họp bàn về vấn đề lương thực thế giới, tại Ý ngày 20.4.2009, Giám đốc Quỹ phát triển lương thực thế giới (FIDA), ông Kanayo Nwanze đã tuyên bố “Tới năm 2050, tổng sản phẩm lương thực thế giới buộc phải tăng gấp đôi mới đáp ứng đủ nhu cầu của con người trên hành tinh, để có thể nuôi dân số sẽ lên đến 9 tỉ người. Đó là điều đặt ra mà nền nông nghiệp thế giới phải đáp ứng trong điều kiện dân số thế giới phát triển bình thường như hiện nay”. Ông Ambroise Mazal, thuộc Ủy ban Công giáo chống nạn đói và vì phát triển (CCFD), tại hội nghị cũng đã nhắc nhở "Những nước giàu phải giữ lời hứa hỗ trợ nông nghiệp các quốc gia đang phát triển. Trên thực tế, trong số 22 tỉ USD cam kết nhân Hội nghị thượng đỉnh FAO vào tháng 6.2008, cho đến giờ chỉ mới có hơn 2 tỉ USD được thực sự giải ngân”.
Vấn đề này đòi hỏi lãnh đạo các quốc gia, đặc biệt là các nước G8, phải có biện pháp, chính sách tăng cường đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, phải vạch ra một kế hoạch hành động cụ thể để tạo ra những thay đổi khuynh hướng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, xác lập những vấn đề, lĩnh vực then chốt đối với tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu.
4. An ninh môi trường
Hiện nay, nhân loại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường rất bức xúc và nan giải, trong đó nổi bật nhất có các nhóm vấn đề:
- Nạn cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên: đất, rừng, nước, tài nguyên khoáng sản, động-thực vật, nhiên liệu (dầu mỏ, khí đốt...).
- Nạn ô nhiễm nặng nề môi trường sống: ô nhiễm nước, ô nhiễm phóng xạ, ô nhiễm tiếng ồn...
- Những tai biến của thiên nhiên: động đất, núi lửa, bão lũ, hạn hán, các cơn bão từ vũ trụ xuống trái đất, sự va chạm giữa các hành tinh... Nếu như ở thế kỷ 18, Malthus mới đưa ra cái gọi là Quy luật về sự giảm dần sự phì nhiêu của đất đai, tới thế kỷ 19 Thomson và Cruise mới đặt vấn đề về sự cạn kiệt các nguồn năng lượng trên trái đất, thì thế kỷ 20 và nhất là đầu thế kỷ 21 con người đã phải cấp bách đặt ra vấn đề nguy cơ cạn kiệt toàn bộ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cả tái tạo và không tái tạo trên hành tinh này, đặc biệt là các nguồn năng lượng (dầu mỏ, khí đốt, than đá), nước ngọt và sạch, rừng... Đi kèm với quá trình cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên là nạn ô nhiễm môi trường sống ngày càng trầm trọng hơn. Tài nguyên càng cạn kiệt, có nghĩa là số tài nguyên bị khai thác để đưa vào sản xuất và chế biến càng lớn, trong điều kiện kỹ thuật và công nghệ chưa hoàn thiện của nền văn minh nông nghiệp và công nghiệp, thì càng có nhiều chất thải độc hại đi vào môi trường, gây nên hiện tượng ô nhiễm, làm cho chất lượng môi trường sống ngày càng xấu hơn.
Sự ô nhiễm của môi trường sống đã dẫn đến những hiểm họa sinh thái tiềm tàng, mà hậu quả của chúng chưa thể nào lường trước được, trong đó, đặc biệt nguy hiểm và nan giải là các hiện tượng như hiệu ứng nhà kính, lỗ thủng tầng ozon, mưa a xít, sa mạc hóa, sự giảm dần độ đa dạng sinh học... làm biến đổi các điều kiện thiên nhiên trên trái đất theo chiều hướng tiêu cực đối với sự sống.
Một trong những biến đổi sinh thái nguy hiểm nhất là sự biến đổi khí hậu trái đất. Sự biến đổi này là hậu quả tổng hợp, tất yếu của các hiện tượng ô nhiễm môi trường. Biểu hiện đầu tiên và nguy hiểm nhất là sự tăng lên nhiệt độ trung bình của trái đất, theo dự đoán vào giữa thế kỷ 21 là từ 1,5°C đến 4,5°C, và kéo theo nó là biết bao hiểm họa khác. Theo ông G.B. Brôn-tơ-man, nguyên Chủ tịch Ủy ban Môi trường và phát triển của Liên Hợp Quốc, thì trừ chiến tranh hạt nhân ra, sự biến đổi của khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với loài người. Nó không những đe dọa sự tồn vong của loài người, mà còn uy hiếp cả tương lai của Trái đất.
Khí CO2 là nguyên nhân chính ngăn chặn khoảng 63% nhiệt lượng Trái đất trên bầu khí quyển. Hiện tại, mỗi năm con người đang thải ra khoảng 7,9 Gton (tỉ tấn) carbon (ở đây tính khối lượng carbon dựa trên đương lượng hóa học thì trong 3,7 tấn CO2 có chứa 1 tấn carbon) từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, cộng thêm từ 1 - 2 Gton C của thảm họa cháy rừng.
Giới hạn nguy hiểm chính là mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên +2°C, so với nhiệt độ của thời kỳ tiền công nghiệp. Gần đây, con số +2°C đã được Liên Hợp Quốc, Hội đồng châu Âu, các chính phủ Anh, Đức và Thụy Điển thông qua. Nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng +2°C, một khi mật độ CO2 có trong bầu khí quyển chạm mức 450ppm (phần triệu) - theo thống kê trong Báo cáo quan trắc lần thứ 4 của Ủy ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC). 1ppm CO2 = 2 Gton C. Hiện nay, mật độ khí CO2 có trong bầu khí quyển là 390ppm, vì con người đã thải ra tổng cộng 370 Gton C trong thời kỳ công nghiệp hóa. Và như thế có nghĩa là con người chỉ được phép thải ra thêm 60ppm khí CO2, hay 200 Gton C, tương ứng với mục tiêu 450ppm của +2°C.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2°C hoặc 3°C, vì đó sẽ là nhiệt độ của kỷ giữa Pliocene (thời kỳ cuối thứ 3 trong lịch sử Trái đất) và đó là một hành tinh hoàn toàn khác. Vùng băng giá sẽ không còn tồn tại ở hai cực Trái đất trong mùa nóng nữa và mực nước biển sẽ dâng cao hơn 25m. Từ năm 1953-2006, lớp băng trên Bắc Băng Dương đã suy giảm khoảng 7,8% mỗi thập niên. Các sông băng và núi băng chiếm khoảng 60% lượng băng trên toàn thế giới cung cấp nước cho các đại dương và tốc độ tan chảy này đang gia tăng từ cuối năm 2006, với tổng thể tích tan thành nước là 416 tỉ mét khối, với mức tăng gần 50 tỉ mét khối/năm. Bởi vậy, mực nước biển dâng cao (Sea level rise - SLR) là điều không thể tránh khỏi.
Theo IPCC, khi SLR dâng cao hơn 1m, nước Bangladesh sẽ mất khoảng 1/5 diện tích, còn hơn 2.000 dặm vuông ở vùng duyên hải và đô thị bang North Carolina (Mỹ) sẽ nằm dưới mực nước biển. Với 30 trong số các thành phố lớn nhất của thế giới đang nằm gần biển, 1m thủy triều dâng sẽ đẩy trực tiếp 300 triệu người vào tình trạng nguy hiểm. Các hãng bảo hiểm sẽ có khả năng vỡ nợ do đang nguy cơ ngồi trên “đống lửa”, vì tính cho đến năm 2004, tổng trị giá tài sản được mua bảo hiểm ở vùng duyên hải Florida là 1.937 tỉ USD, ở New York là 1.902 tỉ USD.
Bước vào thế kỷ 21, ngoài 3 nhóm vấn đề nêu trên, thuộc nhóm các vấn đề thuôc môi trường vật chất, chúng ta còn quan sát thấy có thêm một nhóm vấn đề thứ 4, đang ngày càng gây bức xúc mọi quốc gia và người dân. Đó là vấn đề ô nhiễm môi trường tinh thần của con người. Trong lĩnh vực tinh thần, sự ô nhiễm văn hóa, ô nhiễm đạo đức khó nhìn thấy, nhưng sự hủy hại thì thật khó lường. Ở đây có thể nêu ra các vấn đề như:
Tham nhũng: Là việc sử dụng các quyền lực, uy tín và địa vị công cộng để chiếm đoạt các giá trị vật chất và tinh thần của xã hội hoặc của người khác. Đối tượng tham nhũng không chỉ là những giá trị vật chất như người ta thường quan niệm, mà còn là những giá trị tinh thần. Chính trong lĩnh vực tinh thần, mức độ nguy hiểm của tham nhũng còn ghê gớm hơn so với trong lĩnh vực vật chất. Chính trong lĩnh vực có vẻ như yên ổn này, hiện tượng tham nhũng lại diễn ra tinh vi hơn, nặng nề và tàn phá xã hội khốc liệt hơn. Tham nhũng là một căn bệnh của nhân loại, tồn tại trong mọi xã hội, mọi thời đại, mọi hệ thống chính trị và mọi dân tộc ở mọi nơi trên thế giới đều phải đối mặt với tham nhũng với nhiều biến thái tinh vi, là một phần thuộc về bản chất đời sống con người. Chúng ta cũng không thể xóa sạch được tham nhũng, đơn giản vì chúng ta không thể tiêu diệt con người.
Chúng ta không thể chỉ nhìn tham nhũng dưới con mắt của một nhà tội phạm học mà phải nghiên cứu nó một cách toàn diện và biện chứng dưới những khía cạnh khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội. Chỉ có cách nhìn đúng đắn và khách quan mới giúp chúng ta có được những phương thuốc hiệu nghiệm để chế ngự, hay ít nhất là hạn chế thứ bệnh dịch xã hội này. Việc truyền thống bí mật của ngân hàng Thụy Sĩ đang bị lung lay bởi cuộc chiến chống tham nhũng có tính toàn cầu đã cho thấy việc làm bất chính của các nhà lãnh đạo tham nhũng của các quốc gia sẽ có khả năng bị phanh phui trong một tương lai không xa. Chẳng hạn, ngày 12.2.2009, Bộ Tư pháp Thụy Sĩ đã phủ nhận số tiền 6 triệu USD thuộc về sở hữu của gia đình cựu Tổng thống Duvalier (Haiti) đang được gửi trong tài khoản của một ngân hàng tại nước này. Tòa án đã ra lệnh trả lại số tiền trên cho đất nước nghèo này ở Mỹ Latinh.
Mạng internet là một món lợi bất ngờ, nhưng là một nguy cơ tiềm ẩn hết sức to lớn. Những hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, hàn the, formol “đầu độc” thể xác con người. Song, có một thứ “độc tố” đáng sợ hơn, không chỉ làm ô nhiễm đời sống tinh thần của cả xã hội mà còn “đầu độc” các thế hệ trẻ, khủng khiếp hơn cả ma túy, mại dâm. Đó là những trang “web đen” trên mạng internet. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của internet, công nghệ mạng kỳ diệu này đã biến thành công cụ “truyền nhiễm” văn hóa đồi trụy, hủy hoại những giá trị văn hóa, đạo đức của mọi nước mà các thế hệ trước đó hàng trăm năm đã dày công xây dựng, giữ gìn.
Rửa tiền (Money Laundering): Là việc biến đổi thu nhập phi pháp thành tài sản mà các cơ quan công quyền không thể truy ra nguồn gốc phi pháp ấy. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì hằng năm có khoảng 640 tỉ - 1.600 tỉ USD, tức là khoảng 2 - 5% GDP toàn cầu, là tiền bẩn. Phân nửa số này từ các nước ngoài Tây phương chảy vào các nước Tây phương, một phần tư là giữa các nước Tây phương. Khoảng 250 tỉ USD tiền bẩn này vào Mỹ (số tiền này còn lớn hơn tổng doanh thu của các công ty Mỹ trong công nghiệp vũ khí, dầu hỏa và máy bay). Từ đầu thập niên 1990, do hầu hết quốc gia đều nới lỏng kiểm soát ngoại hối, việc đổi nội tệ ra ngoại tệ, và ngược lại, là hoàn toàn tự do. Lượng tiền hoán đổi hằng ngày đã tăng từ 590 tỉ USD năm 1989 lên 1,88 ngàn tỉ năm 2004. Do đồng đô la Mỹ, hay euro được chính thức sử dụng chung, hoặc được công nhận như là nội tệ bán chính thức, một số công cụ tài chính mới (như các loại hợp đồng chứng khoán) đã xuất hiện (có thứ phức tạp đến độ ít người hiểu nổi!). Nhờ thế, nhiều lượng tiền (sạch, hay bẩn) khổng lồ đều có thể được chuyển từ nước này sang nước khác trong nháy mắt, ngoài tầm kiểm soát của cơ quan công quyền.
Mặt khác, do độ mở cửa kinh tế ở hầu hết mọi nước đã tăng vọt, nhất là từ 10 - 15 năm gần đây, hầu như mọi ngân hàng, công ty tài chính, giao dịch chứng khoán... đều có đối tác quốc tế, thậm chí có thể 100% là của nước ngoài. Số lượng tiền lưu hành toàn cầu đã tăng gầp ba (từ 6,8 ngàn tỉ USD năm 1990 đến 19,9 ngàn tỉ năm 2005), mức độ phức tạp của nó cũng tăng lên. Hiển nhiên, càng nhiều loại hình dịch vụ tài chính thì càng lắm cơ hội và cách thức để chuyển tiền phi pháp, hoặc đưa tiền bẩn vào luồng tiền sạch. Càng dễ dàng hơn nữa nếu người rửa tiền chịu đút lót ngân hàng, hoặc trả “hoa hồng” cao hơn bình thường. Bởi vậy, các chính phủ cũng như các công ty tư nhân ngày càng nỗ lực thu hút vốn từ khắp nơi, dưới dạng đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp. Từ năm 1990 đến 2000, tổng số lượng đầu tư gián tiếp quốc tế đã tăng gấp mười lần (từ 5 tỉ đến 50 tỉ USD mỗi năm), đầu tư trực tiếp gần gấp ba (209 tỉ năm 1990 đến 560 tỉ năm 2003).
Tiền bẩn và hoạt động rửa tiền làm sai lệch các thống kê kinh tế, làm ảnh hưởng sâu sắc đến phân bố thu nhập (tạo bất công) và làm chao đảo sự tín nhiệm của xã hội vào các thị trường tài chính. Ở các nước kém phát triển, thì nạn tham nhũng rửa tiền là vấn đề nhức nhối nhất. Trái lại, các nước phương Tây thì xem việc rửa tiền bẩn liên hệ đến khủng bố là quan trọng nhất và không hề “chê” tiền bẩn do tham nhũng ở các nước khác. Để chống rửa tiền, vấn đề rõ ràng ở đây là là cần phải có sự quyết tâm của các lãnh đạo mọi quốc gia, và sự phối hợp toàn cầu.
Thế kỷ 20 đã vĩnh viễn qua đi với tính cách là một thời kỳ phát triển “hoàng kim”, “thời vàng son”. Trong thiên niên kỷ mới, toàn thể nhân loại, các nhà lãnh đạo mọi quốc gia, tổ chức và các định chế quốc tế đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, với sự đòi hỏi cao hơn và nhiều hơn về lý trí, sự tư duy khoa học. Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh đã nêu và những đòi hỏi về những tư duy mới đó.
5. An ninh chính trị, xã hội
Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, mối quan hệ giữa khối xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa có dấu hiệu thay đổi. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 và các nước Liên Xô cũ tan rã năm 1991, nhiều nước Đông Âu và các nước Liên Xô tái hiện các cuộc chiến tranh sắc tộc giống như Afganistan, Iran, Thái Lan, Philippines, Chenya, Bosnia… Xu hướng thế giới đang hình thành các quốc gia nhỏ với chủ thể là một hay nhiều sắc tộc. Các tổ chức, lực lượng khủng bố ra đời, hoạt động mạnh mẽ và có vũ trang, thậm chí áp dụng công nghệ mới trong khủng bố (vụ khủng bố ngày 11.9.2001 làm gần 3000 người chết và sụp đổ tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới tại New York, các vụ đánh bom liều chết nhằm vào đại sứ quán các nước…) Ngay trong thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, nhiều cuộc biểu tình, bạo động giành chính quyền của một số nước ở khu vực Trung Phi, Trung Đông cũng thường xuyên xảy ra (Ai Cập, Yemen…) (còn tiếp)
TS Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin KH-CN Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ