Trung Quốc đẩy mạnh xử lý loạt tiệm bán hàng Nga ‘made in China’
Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 15:35, 13/01/2025
Trung Quốc đẩy mạnh xử lý loạt tiệm bán hàng Nga ‘made in China’
Trang Sixth Tone cho biết thời gian qua, giới chức Trung Quốc đẩy mạnh xử lý các tiệm tự quảng cáo bán hàng Nga nhưng trên thực tế sản phẩm đến từ khắp nơi trên thế giới, kể cả từ Trung Quốc.
Xúc xích Nga sản xuất tại Trung Quốc có còn là của Nga không? Đây là câu hỏi đeo bám hàng nghìn cửa hàng tiện lợi “bán hàng Nga” xuất hiện khắp nơi trong vài năm gần đây tại Trung Quốc. Với kệ hàng chất đầy rượu, sô cô la và búp bê matryoshka, các tiệm hứa hẹn đem lại cho người tiêu dùng cái nhìn về văn hóa Nga. Ngay cả phong cách trang trí màu xanh - trắng của làm liên tưởng đến xứ sở bạch dương. Nhưng thực tế thì họ không “đậm chất Nga” như vậy.
Ngày 9.1, chính quyền Thượng Hải khởi tố 7 trong số 47 tiệm chủ đề Nga trên địa bàn thành phố với cáo buộc lừa dối khách hàng về nguồn gốc sản phẩm. Một số bị buộc đóng cửa, trường hợp khác bị phạt hoặc bị yêu cầu dán nhãn ghi rõ là hàng nội địa.
Động thái cứng rắn trên được thực hiện sau khi trang Jiemian News vào tháng 12.2024 đăng bài điều tra phơi bày sự thật đa số thực phẩm bày bán ở chuỗi tiệm “Russian State Houses” lại được sản xuất ngay tại Trung Quốc. Trang Blue Whale Finance cũng phát hiện sản phẩm nội địa chiếm khoảng 20% số mặt hàng bán tại các tiệm “bán hàng Nga”.
Hàng Nga bắt đầu được ưa chuộng từ đầu năm 2022, khi một tiệm thương mại trực tuyến liên quan đến Đại sứ quán Nga nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc, chỉ trong một ngày thu hút gần 200.000 người theo dõi và gần như bán sạch hàng.
Theo truyền thông Trung Quốc, tính đến tháng 11.2024 chỉ có 4 tiệm “Russian State Houses” được Bộ Nông nghiệp cùng Trung tâm Thúc đẩy xuất khẩu Nga cấp phép quảng bá hàng hóa nước này đến người tiêu dùng ở thị trường lớn thứ hai thế giới. Vậy mà nền tảng nghiên cứu thị trường Qichacha thống kê được đến 3.342 công ty tại Trung Quốc liên quan đến “hàng Nga” (tính đến tháng 1). Chỉ riêng 10 ngày đầu năm 2025 lại có thêm 25 công ty đăng ký mới. Nhiều đơn vị có liên kết với thương hiệu nhượng quyền của Trung Quốc như: EBiiXiong, Emanduo, Okeshi, Russian Goods Select, UNAVITA.
Trong một đoạn phim ngắn đăng trên nền tảng Douyin, một người tự nhận là đồng sáng lập EBiiXiong tuyên bố tiệm mới mở trên địa bàn thành phố Trường Sa qua 3 ngày đầu hoạt động thu về đến 100.000 nhân dân tệ (13.700USD). Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng chỉ trích các tiệm “bán hàng Nga” quảng cáo sai sự thật.
Không chỉ Thượng Hải, hàng loạt chính quyền địa phương cũng ra quân kiểm tra. Tại thủ đô Bắc Kinh có ít nhất 1 tiệm phải đóng cửa vì không cung cấp được giấy tờ hàng hóa nhập khẩu.