Ra mắt kính hiển vi in 3D có giá chưa đến 60USD
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:10, 13/01/2025
Ra mắt kính hiển vi in 3D có giá chưa đến 60USD
Trong vòng chưa đầy 3 giờ đồng hồ, các nhà nghiên cứu của Đại học Strathclyde của Scotland đã chế tạo xong một kính hiển vi in 3D với tổng chi phí chưa đến 50 bảng Anh (60USD).
Trang New Scientist cho biết nhóm nghiên cứu tiến hành chế tạo dựa trên thiết kế nguồn mở công khai trên OpenFlexure, sau đó kết hợp thành phẩm với một camera mua tại cửa hàng, một đèn rọi cùng bộ mạch Raspberry Pi điều khiển toàn bộ hệ thống. Phần đột phá của kính hiển vi là số thấu kính dựa trong suốt in 3D do nhóm tự tay làm ra.
Kính hiển vi chuẩn phòng thí nghiệm thường có giá vài nghìn USD. Năm 2022 nhà khoa học máy tính Gary Croft từng chế tạo thành công camera kính hiển vi chụp lại những gì quan sát quá thiết bị, phát minh của ông chỉ tốn 85bảng (105USD) nhưng chưa bao gồm bộ mạch Raspberry Pi giá khoảng 35USD và kính hiển vi 3 mắt (hơn 250USD trên Amazon). Vì vậy thành tựu chế tạo nên kính hiển vi chụp được ảnh cấp độ tế bào với giá chưa đến 1/4 kính bán trên Amazon của Đại học Strathclyde là kỳ tích đáng kinh ngạc. Đặc biệt hơn thiết bị in 3D chỉ nặng khoảng 3kg nên nên dễ dàng mang đi bất cứ đâu.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phát minh mới nhất quan sát mẫu máu và mẫu thận chuột. Họ nhìn rõ nhiều chi tiết mà trước đây dùng kính hiển vi khác không quan sát được.
Với chất lượng tốt cùng chi phí sản xuất cực thấp, đây là lựa chọn lý tưởng cho bệnh viện, trường học, phòng thí nghiệm cũng như các tổ chức kinh phí eo hẹp. Bên cạnh ưu điểm về chi phí lẫn hiệu quả sử dụng thì kính hiển vi in 3D còn giúp tiết kiệm chi phí hậu cần. Người cần thiết bị này không phải chờ nhiều ngày thậm chí nhiều tuần nữa. Người sử dụng chỉ cần máy in 3D, sợi filament, điện và kết nối internet là có thể chế tạo kính hiển vi ở bất cứ đâu, đem lại giải pháp cho vùng xa xôi hẻo lánh hay khu vực khó tiếp cận do gặp tình huống khẩn cấp.