Sách giả, sách lậu bán trên Shopee: Đâu chỉ mình First News điêu đứng
Văn hóa - Ngày đăng : 11:34, 09/01/2025
Sách giả, sách lậu bán trên Shopee: Đâu chỉ mình First News điêu đứng
Thông tin Công ty First News chuẩn bị kiện sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam vì bán sách giả, sách lậu đang nhận được sự chú ý của nhiều độc giả.
Câu chuyện sách giả, sách lậu đã được nêu ra trong rất nhiều diễn đàn xuất bản tại Việt Nam.
Các đơn vị làm sách cũng thường xuyên lên tiếng về vấn nạn này, thậm chí đưa ra lời kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn nữa với sách giả, sách lậu qua mỗi năm nhưng vẫn chưa có hiệu quả.
Shopee không có lỗi, lỗi ở người bán sách giả?
Trong bài Công ty sách First News chuẩn bị kiện Shopee vì sách giả, sách lậu do Tuổi Trẻ Online đăng tải, nhiều độc giả đặt câu hỏi liệu sàn thương mại điện tử Shopee có bao nhiêu phần trăm trách nhiệm khi để sách giả, sách lậu tràn lan trên nền tảng?
Bạn pvd***@gmail.com nhận định Shopee cần phải có trách nhiệm vì là đơn vị trung gian giữa người mua và người bán.
Còn độc giả Khanh cho rằng: "Phải kiện người bán chứ sao kiện sàn, như vậy nếu cứ có ai ở chợ truyền thống bán hàng giả thì đi kiện cả cái chợ ấy à?".
Trao đổi trên Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc điều hành kiêm sáng lập Công ty cổ phần văn hóa Chi (Chibooks), nói nếu độc giả mua phải sách giả, sách lậu thì có thể phản hồi trực tiếp đến sàn thương mại điện tử kèm bằng chứng rõ ràng:
"Theo luật, các đơn vị bán hàng trên sàn thương mại điện tử phải có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh và mã số thuế. Điều này giúp xác định rõ ràng danh tính, từ đó người tiêu dùng có thể dễ dàng khởi kiện nếu phát hiện hàng giả.
Nếu phát hiện sách giả thì bản thân các sàn cũng có chế tài xử lý với cá nhân, đơn vị kinh doanh vi phạm như việc khóa tính năng bán hàng vĩnh viễn".
Thiếu chế tài ràng buộc, sách giả - thật cạnh tranh trực tiếp
Ông Trịnh Minh Tuấn - người sáng lập Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Ehomebooks - cho biết trong 5 năm gần đây, hàng trăm ấn phẩm tại đơn vị này bị xâm phạm quyền tác giả trên môi trường Internet và các sàn thương mại điện tử:
"Đơn cử trong tháng 6-2024, chúng tôi phát hiện 30 shop bán sách lậu trên Shopee và lập tức tổng hợp đầy đủ tên, hình ảnh của các đơn vị này để lập vi bằng, lưu giữ chứng cứ.
Sau đó cũng có các biện pháp tự cứu mình như: thông tin tới Shopee, gửi đơn lên cơ quan có thẩm quyền, liên hệ với các chủ shop bán sách giả...".
Theo ông Tuấn, hiện nay các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop dễ dàng trở thành phương tiện để các cá nhân, tổ chức lợi dụng bán sách giả, sách lậu vì còn thiếu các điều kiện, chế tài ràng buộc hoặc thiếu cơ chế bảo vệ người tiêu dùng:
"Sau khi bị khiếu kiện và khóa tính năng mua bán thì họ lại mở các shop khác trên chính nền tảng đó. Một số người bán sách lậu còn bỏ tiền làm nội dung 'bẩn', chạy quảng cáo để tăng độ hiển thị, cạnh tranh trực tiếp với sách thật".
Tương tự trường hợp Quảng Văn, đại diện Công ty Omega+ nói với Tuổi Trẻ Online rằng dù đơn vị phát hiện khá nhiều trang bán sách lậu, sách giả khoảng vài năm trở lại đây và thường xuyên thông báo cho Shopee để rà soát chặt chẽ nhưng cũng chưa thể kiểm soát được:
"Người làm sách lậu có nhiều chiêu thức làm giả giấy tờ chứng nhận. Các trang thường xuyên bán phá giá, giảm giá quá mức, bán sai giá bìa…
Trên các kênh truyền thông chính thức của mình, chúng tôi phải hướng dẫn độc giả cách phân biệt sách giả - thật và kêu gọi họ không mua sách giả, đồng thời báo cáo những trang bán sách vi phạm với nền tảng mà chúng hoạt động".
Ngày 7.1, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, cho biết đang lập vi bằng và khẳng định chuẩn bị khởi kiện sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện First News cho rằng Shopee đã để những cá nhân, đơn vị phát hành hợp pháp các sách in giả, in lậu, trái với pháp luật Việt Nam.