Bộ Y tế: Nhiều đơn vị đưa mỹ phẩm ra thị trường với địa chỉ, số điện thoại 'ma'
Thông tin Y học - Ngày đăng : 20:25, 14/01/2025
Bộ Y tế: Nhiều đơn vị đưa mỹ phẩm ra thị trường với địa chỉ, số điện thoại 'ma'
Một số doanh nghiệp đưa mỹ phẩm ra thị trường Việt Nam nhưng cơ quan chức năng không thể liên lạc được, vì doanh nghiệp cung cấp số điện thoại, địa chỉ “ma”, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Ngày 14.1, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho hay vừa có công văn yêu cầu các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất mỹ phẩm thực hiện nghiêm quy định về quản lý mỹ phẩm để kê khai các thông tin công bố tại phiếu công bố bảo đảm tính chính xác và trung thực, lưu giữ đầy đủ hồ sơ thông tin sản phẩm mỹ phẩm (Product Information File - PIF) tại địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và xuất trình cho cơ quan kiểm tra, thanh tra khi được yêu cầu.
Theo Cục Quản lý dược, qua quá trình rà soát công tác hậu mại của các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất mỹ phẩm trong nước, cục nhận thấy có một số doanh nghiệp không liên hệ được thông qua số điện thoại đã kê khai trên phiếu công bố hoặc số điện thoại được đăng tải trên website của doanh nghiệp. Bên cạnh đó có một số công ty kê khai thông tin số điện thoại không tồn tại, hoặc đã ngừng hoạt động, hoặc số điện thoại không phải của người đại diện theo pháp luật của công ty nêu trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, nhiều địa chỉ cơ sở kê khai trên phiếu công bố không đúng hoặc cơ sở đã chuyển địa chỉ, địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo, cập nhật tới cơ quan có thẩm quyền do một số văn bản, quyết định thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố... được Cục Quản lý dược gửi đến các cơ sở này bị đơn vị chuyển phát nhanh, bưu chính công ích hoàn trả lại Cục Quản lý dược.
Ngoài ra, khi Cục Quản lý dược, các Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện kiểm tra hậu kiểm về kinh doanh mỹ phẩm tại các cơ sở thì một số cơ sở đã chuyển địa điểm kinh doanh, thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty, thay đổi số điện thoại liên hệ nhưng không công bố với cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn khi tìm kiếm trụ sở để làm việc với công ty.
Các đoàn kiểm tra đã phải đề nghị các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn hỗ trợ trong việc xác định, tìm kiếm địa điểm kinh doanh của cơ sở, số điện thoại của người đại diện theo pháp luật của công ty.
Một số tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường chưa thực hiện việc lưu giữ đầy đủ hồ sơ thông tin sản phẩm mỹ phẩm (Product Information File - PIF) tại địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, và xuất trình cho cơ quan kiểm tra, thanh tra khi được yêu cầu.
Trước tình hình trên, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn. Tập trung kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thông báo thu hồi mỹ phẩm theo quy định, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng tại địa chỉ đã công bố, doanh nghiệp thay đổi địa chỉ kinh doanh mà không báo cáo với cơ quan quản lý.
Thường xuyên và chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 địa phương, Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường. Trong đó, tập trung kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội Tiktok, Zalo, Facebook, YouTube... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm lưu thông chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá tính năng và bản chất vốn có của sản phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm đã công bố.
Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm theo quy định hiện hành. Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng.
Đặc biệt, Cục Quản lý dược yêu cầu các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất mỹ phẩm nghiêm túc nghiên cứu quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25.1.2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm để kê khai các thông tin công bố tại phiếu công bố bảo đảm tính chính xác và trung thực, lưu giữ đầy đủ hồ sơ thông tin sản phẩm mỹ phẩm (Product Information File - PIF) tại địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và xuất trình cho cơ quan kiểm tra, thanh tra khi được yêu cầu.
Các tổ chức, các nhân chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.