Thực hư việc nhiều tướng lĩnh Ukraine mất nhà trị giá hàng triệu USD trong vụ cháy ở Los Angeles

Quốc tế - Ngày đăng : 22:18, 14/01/2025

Thông tin về 8 ngôi nhà của các tướng lĩnh cấp cao Ukraine bị phá hủy trong cháy rừng ở Los Angeles đã gây xôn xao dư luận những ngày gần đây.
Quốc tế

Thực hư việc nhiều tướng lĩnh Ukraine mất nhà trị giá hàng triệu USD trong vụ cháy ở Los Angeles

Hoàng Vũ {Ngày xuất bản}

Thông tin về 8 ngôi nhà của các tướng lĩnh cấp cao Ukraine bị phá hủy trong cháy rừng ở Los Angeles đã gây xôn xao dư luận những ngày gần đây.

Ranh giới giữa châm biếm và thông tin sai lệch trên mạng xã hội luôn mong manh, đặc biệt khi các bài đăng có tính chất đùa cợt có thể dễ dàng bị hiểu nhầm là sự thật. Điều này càng trở nên phức tạp hơn khi các thông tin này xuất phát từ những nguồn không rõ ràng hoặc mang tính một chiều.

Theo Forbes, cuối tuần qua, một bài đăng trên kênh Telegram Military Observer, được cho là có nguồn gốc từ Nga, đã thu hút sự chú ý khi tuyên bố rằng 8 ngôi nhà thuộc sở hữu của các tướng lĩnh cấp cao Ukraine đã bị phá hủy trong vụ cháy rừng ở Los Angeles. Bài đăng này còn khẳng định rằng tổng giá trị của các dinh thự lên tới 90 triệu USD, được mua bằng nguồn viện trợ từ phương Tây dành cho Ukraine.

chay-tai-la45.png
Một căn biệt thự bị bốc cháy tại Los Angeles - Ảnh: Reuters

Bài viết đã nêu đích danh một số nhân vật, bao gồm Valerii Zaluzhnyi, cựu tướng bốn sao, nguyên tổng tư lệnh quân đội Ukraine và hiện là đại sứ tại Anh, là một trong những người mất nhà. Ban đầu, bài đăng trên Telegram có đính kèm hashtag "trào phúng" (сатира), nhưng yếu tố này không được nhắc đến trong các bài đăng lại trên các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook và X (Twitter).

Thông tin sai lệch hay sự châm biếm?

Bài đăng ban đầu được mô tả là châm biếm, nhưng sự lan truyền nhanh chóng của câu chuyện trên các nền tảng mạng xã hội đã khiến nhiều người tin rằng đây là một bản tin có thật. Dù mang tính trào phúng, việc câu chuyện này được lan truyền mà không có ngữ cảnh đầy đủ đã khiến nó trở thành một ví dụ điển hình về cách thông tin có thể bị bóp méo và hiểu lầm.

Đây không phải lần đầu tiên những thông tin liên quan đến các quan chức Ukraine xuất hiện dưới dạng đùa cợt nhưng lại gây tranh cãi. Trước đây, các câu chuyện tương tự từng cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chi hàng triệu USD để mua các tài sản xa xỉ. Mặc dù hoàn toàn chưa được kiểm chứng, các câu chuyện này vẫn thu hút sự chú ý và gây hoang mang.

Mạng xã hội đã trở thành nền tảng lý tưởng cho sự lan truyền của các câu chuyện chưa được xác thực. Các nền tảng như Telegram, X và Facebook cho phép thông tin lan rộng nhanh chóng, tiếp cận hàng triệu người chỉ trong thời gian ngắn mà không qua bất kỳ kiểm chứng nào.

Theo nhà phân tích công nghệ Susan Schreiner từ C4 Trends: "Mạng xã hội không chỉ lan truyền thông tin nhanh chóng mà còn làm mờ ranh giới giữa sự thật và giả dối. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong các tình huống nhạy cảm như xung đột quốc tế".

Dan Brahmy, CEO nền tảng Cyabra, bổ sung: "Những câu chuyện này thường được thiết kế để kích thích cảm xúc và thu hút sự chú ý. Khi chúng lan truyền trên nhiều nền tảng, chúng có thể gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng".

Câu chuyện về vụ cháy ở Los Angeles và các tướng lĩnh Ukraine là một ví dụ điển hình về cách thông tin sai lệch có thể tạo ra nhận thức sai lệch về tình hình thực tế. Những câu chuyện như vậy thường dựa trên định kiến hoặc khuôn mẫu sẵn có, chẳng hạn như các cáo buộc về tham nhũng hoặc lạm dụng nguồn viện trợ. Điều này có thể làm suy giảm niềm tin vào các nỗ lực viện trợ quốc tế cũng như gây hoang mang trong dư luận.

Chris Schmidt, một nhà phân tích về thông tin sai lệch, nhận xét: "Những câu chuyện như vậy có thể dễ dàng khơi dậy cảm xúc tiêu cực, đặc biệt là với những người đã sẵn có định kiến về tình hình tham nhũng trong quân đội tại Ukraine. Dù chỉ là một trò đùa, tác động của nó vẫn rất đáng kể".

Cuộc chiến thông tin hiện nay không chỉ xoay quanh sự thật mà còn là cách các bên như Nga và Ukraine sử dụng thông tin để định hình nhận thức công chúng để đạt được mục đích nhất định. Dù câu chuyện này có bắt nguồn từ ý định châm biếm, sự lan truyền của nó trên mạng xã hội là lời nhắc nhở rằng người dùng cần thận trọng hơn khi tiếp nhận thông tin.

Ông Zelensky đề nghị hỗ trợ cứu hỏa tại Los Angeles

Đáng chú ý, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thông báo sẵn sàng hỗ trợ lực lượng cứu hộ Mỹ trong cuộc chiến chống cháy rừng tại Los Angeles, California. Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội X, ông cho biết: "Tôi đã chỉ thị Bộ trưởng Nội vụ và các nhà ngoại giao của chúng tôi chuẩn bị cho khả năng lực lượng cứu hộ Ukraine tham gia vào công tác cứu hỏa ở California. Hiện chúng tôi đang phối hợp và đã đề nghị hỗ trợ qua các kênh liên quan. 150 lính cứu hỏa Ukraine đã sẵn sàng".

Theo CBS News, phản hồi lại đề nghị này, lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ đã bày tỏ sự cảm kích: "Đề nghị hỗ trợ của Ukraine trong các vụ cháy rừng tàn khốc này quả là phi thường. Sự lãnh đạo của Tổng thống Zelensky và sự chuẩn bị của 150 lính cứu hỏa Ukraine là minh chứng cho sức mạnh của quan hệ đối tác toàn cầu. Chúng tôi tự hào về hơn 30 năm hợp tác với Ukraine, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn".

Hiện tại, gần 1.500 thành viên lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ đã được triển khai để hỗ trợ lực lượng địa phương trong việc thực thi lệnh giới nghiêm và đối phó với nguy cơ cướp bóc. Đồng thời, hàng nghìn lính cứu hỏa tăng viện từ khắp miền tây Mỹ, bao gồm New Mexico, Nevada, Utah, Oregon, Arizona và Washington, cũng đang tham gia vào nỗ lực dập tắt ngọn lửa.

Bên cạnh đó, các đội cứu hỏa từ Mexico đã đến hỗ trợ chữa cháy vào cuối tuần, và lực lượng từ Canada cũng đang nhanh chóng di chuyển đến hiện trường để tham gia nỗ lực kiểm soát ngọn lửa. Dù đã đạt được tiến triển trong việc kiểm soát hai đám cháy lớn, tình hình vẫn rất căng thẳng do một cơn bão gió mạnh đang tiến gần, làm tăng nguy cơ ngọn lửa bùng phát trở lại hoặc các đám cháy mới xuất hiện.

Hoàng Vũ