Nhiều hoạt động vui xuân đón tết cho người dân Thủ đô

Văn hóa - Ngày đăng : 10:54, 15/01/2025

Để người dân Hà Nội, du khách cùng hòa mình vào không khí tết cổ truyền dân tộc đang đến gần, TP.Hà Nội sẽ tổ chức các chuỗi hoạt động đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.
Văn hóa

Nhiều hoạt động vui xuân đón tết cho người dân Thủ đô

Tuyết Nhung 15/01/2025 10:54

Để người dân Hà Nội, du khách cùng hòa mình vào không khí tết cổ truyền dân tộc đang đến gần, TP.Hà Nội sẽ tổ chức các chuỗi hoạt động đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.

Theo Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, để người dân Hà Nội, du khách cùng hòa mình vào không khí tết cổ truyền dân tộc đang đến gần, Ban sẽ tổ chức chương trình "Tết Việt - Tết phố 2025" với những chuỗi hoạt động đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.

anh-141-51-1736867642702153525986.jpg
Tết làng Việt chào xuân Ất Tỵ 2025 quảng bá giá trị tết truyền thống

Những hoạt động đặc sắc và ý nghĩa này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời mà còn góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng một không gian tết đậm đà hương vị quê hương.

Cụ thể, chương trình khai mạc sáng 19.1 (tức 20 tháng Chạp), tại đình Kim Ngân (số 42-44, phố Hàng Bạc, Hà Nội). Lễ khai mạc sẽ ghi dấu với đoàn rước từ Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ) ra đình Kim Ngân. Năm nay, đoàn rước dự kiến hơn 400 thành viên mặc trang phục truyền thống. Đoàn sẽ đi qua nhiều tuyến phố như: Hàng Buồm - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay - Lê Thái Tổ và dừng lại ở đình Kim Ngân tổ chức dâng lễ vật. Lễ vật là những vật phẩm truyền thống ở Hà Nội như mứt tết, trà sen, bánh chưng, bánh cốm, hoa đào…

Đoàn thực hiện các nghi thức quan trọng như: Lễ Cáo yết Thành hoàng, cúng Tổ nghề, dựng cây nêu tại đình. Cuối cùng, các nghệ nhân sẽ trình diễn thư pháp và các tiết mục âm nhạc dân gian.

Trong suốt thời gian từ ngày 10.1 đến 16.2 (ngày 11 tháng Chạp đến hết ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội sẽ trưng bày, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật với chủ đề "Sắc Xuân Ất Tỵ 2025" và bộ sưu tập con giáp, tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2, Lê Thái Tổ).

Ngoài ra, các không gian văn hóa khác trong khu phố cổ cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống. Cụ thể, từ ngày 14 đến 28.1 (ngày 15 tháng Chạp đến hết ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại Không gian bích họa phố Phùng Hưng sẽ tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề truyền thống, các dòng tranh dân gian... với sự tham gia của nhiều nghệ nhân dân gian. Hoạt động giới thiệu nghệ thuật gọt, tỉa và chơi hoa thủy tiên tại đình Kim Ngân (từ ngày 20 đến 24.1); tổ chức gói bánh chưng tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (ngày 25.1).

anh-141-11-17368676998731667539808.jpg
Du khách quốc tế trải nghiệm tết cổ truyền Việt Nam tại Làng cổ Đường Lâm

Đặc biệt, không gian tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây) và Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) sẽ được trang trí và sắp đặt thành không gian Tết cổ truyền, giúp du khách có thể trải nghiệm không khí Tết Hà Nội xưa. Bên cạnh đó, những triển lãm hội họa, thư pháp Việt, tranh lụa, sơn mài... sẽ giúp các nghệ sĩ và người dân có cơ hội giao lưu, tìm hiểu và yêu mến văn hóa truyền thống.

Một điểm nhấn không thể bỏ qua trong dịp Tết Ất Tỵ là các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống được tổ chức tại nhiều địa điểm trong khu vực phố cổ Hà Nội. Vào tối ngày 28.1, chương trình ca nhạc đêm giao thừa chào Xuân mới Ất Tỵ sẽ được tổ chức tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm mang đến những tiết mục biểu diễn đặc sắc, tạo nên không khí đón tết đầm ấm và hào hứng.

Từ ngày 30.1 đến 2.2 (tức mùng 2 đến mùng 5 tết), các nghệ sĩ của CLB Âm nhạc truyền thống Thăng Long sẽ biểu diễn các chương trình âm nhạc truyền thống tại các địa điểm như đình Kim Ngân, đình Đồng Lạc và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật, đưa không khí âm nhạc tết cổ truyền đến gần hơn với cộng đồng.

Từ ngày 18.1 đến ngày 16.2.2025 (tức từ ngày 19 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây cũng sẽ diễn ra chương trình "Tết làng Việt".

Đây là năm thứ 4, chương trình Tết làng Việt được thị xã Sơn Tây tổ chức, nhằm quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa của Sơn Tây - xứ Đoài nói riêng và truyền thống dân tộc Việt Nam nói chung.

Đại diện xã Đường Lâm cho biết, nhằm phát huy các giá trị di tích, di sản trên địa bàn và kích cầu du lịch, vào mỗi dịp đón tết cổ truyền của dân tộc, thị xã Sơn Tây và địa phương lại tổ chức chương trình Tết làng Việt. Đây cũng là hoạt động nhằm giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau và quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc tới bạn bè quốc tế.

Thông qua chương trình tết làng Việt, góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giới thiệu du lịch Làng cổ Đường Lâm, các đặc sản địa phương, điểm đến du lịch tới người dân và du khách, nhất là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Chương trình có nhiều nội dung hấp dẫn, như: Không gian chợ tết truyền thống tại sân đình Mông Phụ, xã Đường Lâm, với những gian hàng giới thiệu về các đặc sản, sản phẩm thủ công, làng nghề của địa phương; không gian trải nghiệm văn hóa tết cổ truyền với các màn biểu diễn nghệ thuật, nhạc cụ dân tộc, trình diễn áo dài, viết thư pháp...

Du khách cũng sẽ được trải nghiệm làm sản phẩm thủ công, như: Làm diều sáo, nặn tò he, hoa thủy tiên, các sản phẩm lưu niệm... và trải nghiệm làng nghề của địa phương thông qua việc tự làm bánh chưng, bánh tẻ, các loại kẹo lạc, kẹo dồi... Ngoài ra, du khách sẽ được giới thiệu, biết đến các phong tục truyền thống trong dịp tết, thăm nhà cổ, thưởng thức các món ăn truyền thống trong dịp tết của người dân Đường Lâm, như bánh chưng, gà mía, thịt quay đòn, chè kho...

Tại khu vực đình làng và cổng làng Mông Phụ có giới thiệu các trò chơi dân gian (chọi gà, bịt mắt đập niêu, ô ăn quan, diều sáo, bắt chạch trong chum, đấu vật, đá cầu, cờ người...); trình diễn không gian hát văn, hát xẩm, hát chèo, trống hội...

Tuyết Nhung