Chính phủ yêu cầu tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 20:00, 15/01/2025

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025, trong đó nhấn mạnh việc tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp.
Thị trường và chính sách

Chính phủ yêu cầu tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Lam Thanh 15/01/2025 20:00

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025, trong đó nhấn mạnh việc tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp.

Nghị quyết yêu cầu bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp theo quy định của Hiến pháp 2013; kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp để khơi thông nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư tư nhân và thúc đẩy hợp tác công tư; khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới, phù hợp và thích ứng linh hoạt với xu thế phát triển.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật; trong đó tập trung vào tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; thực hiện nghiêm yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", xoá bỏ cơ chế "xin - cho". Quy trình lấy ý kiến cần thực chất; tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu tác động; và tổ chức đối thoại công khai…

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; thiết lập cơ chế rõ ràng về bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh trong trường hợp có sự không thống nhất, khác biệt về quy định giữa các văn bản pháp luật.

Nghị quyết nêu rõ tập trung hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Cụ thể là: Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc - UN) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 1 bậc; phát triển Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 2 bậc (trong kỳ xếp hạng tới); quyền tài sản (IPRI) của Liên minh quyền tài sản tăng ít nhất 3 bậc; hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng thế giới (WB) tăng ít nhất 4 bậc; năng lực phát triển du lịch tăng ít nhất 4 bậc (trong kỳ xếp hạng tới); an toàn thông tin mạng duy trì trong nhóm các quốc gia bậc 1.

at5.jpg
Chính phủ yêu cầu tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Song song với đó, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2025 tăng ít nhất 10% so với năm 2024; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2025 tăng dưới 10% so với năm 2024.

Để đạt các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật.

Các bộ, cơ quan Trung ương chủ động nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Trường hợp cần thiết đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải có báo cáo đánh giá tác động toàn diện.

Chính phủ cũng yêu cầu kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản để phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong đó, chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm: Thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao công nghệ; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các quốc gia tiên tiến, nhất là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, bán dẫn và năng lượng tái tạo; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý và triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...

Tiếp theo, đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả cổng thông tin một cửa quốc gia; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành sau khi hàng hóa được thông quan và lưu thông trên thị trường…

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính; nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ từ trung ương tới địa phương phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến...

Các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính...

Đa dạng hóa và phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng chung, hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Chính phủ cũng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát kế hoạch thanh tra và điều chỉnh trong trường hợp thấy cần thiết để bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước; không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Lam Thanh