Bóng đá Đông Nam Á và Việt Nam nên học Uzbekistan

Góc bình luận - Ngày đăng : 13:30, 16/01/2025

Bóng đá Uzbekistan không cầu thủ nhập tịch, không rầm rộ mua sắm ngoại binh, nhưng họ vẫn thành công và đang tiến rất gần đến chiếc vé tham dự vòng chung kết World Cup 2026
Góc bình luận

Bóng đá Đông Nam Á và Việt Nam nên học Uzbekistan

Đặng Hoàng 16/01/2025 13:30

Bóng đá Uzbekistan không cầu thủ nhập tịch, không rầm rộ mua sắm ngoại binh, nhưng họ vẫn thành công và đang tiến rất gần đến chiếc vé tham dự vòng chung kết World Cup 2026

Nhập tịch đã trở thành xu hướng, là giải pháp gia tăng sức mạnh đáng kể để các đội tuyển quốc gia Đông Nam Á đạt thành tích cao. Nổi bật nhất là Indonesia không chỉ nhập tịch ào ạt mà còn xác định nguồn ngoại lực này sinh ra ở Hà Lan, sau đó LĐBĐ Indonesia (PSSI) thuê HLV đội tuyển quốc gia cũng là người Hà Lan - Patrick Kluivert.

uz.jpg
Bóng đá Uzbekistan thẳng tiến từ sau thành công tại Thường Châu 2018 vn.jpg
Còn BĐVN đã phải làm lại sau thành công ASEAN Cup 2024 dù cũng thành công tại U.23 châu Á 2018 như Uzbekistan

Chưa dừng lại, PSSI còn công bố sẵn sàng chi gấp đôi số tiền đã trả cho HLV Kluivert để mời HLV danh tiếng người Hà Lan Louis Van Gaal làm Giám đốc kỹ thuật cho PSSI.

Tất cả những gì PSSI đã và đang làm trong những năm qua, đặc biệt là từ đầu năm 2024 đến nay không nằm ngoài đích ngắm: giành vé tham dự VCK World Cup 2026.

Giấc mơ Indonesia có thành hiện thực?

Theo quy định, hai đội đứng đầu bảng vòng loại thứ 3 khu vực châu Á sẽ có vé chính thức dự VCK World Cup 2026. Ở bảng C, đúng là Indonesia đang xếp thứ 3, chỉ kém đội nhì bảng Úc có 1 điểm, hy vọng có mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh 2026 là hoàn toàn có cơ sở. Thế nhưng, Indonesia chỉ xếp trên Ả Rập Saudi, Bahrain và Trung Quốc nhờ hơn hiệu số bàn thắng bại hoặc đối đầu trực tiếp do cả 4 đội cùng 6 điểm. 4 trận còn lại của vòng loại thứ 3, liệu Indonesia có thể biến giấc mơ thành hiện thực?

Câu trả lời còn ở phía trước và PSSI đang chơi canh bạc tất tay để Indonesia trở thành đội tuyển bóng đá nam đầu tiên của ĐNA dự VCK World Cup.

Trái ngược với Indonesia, Uzbekistan là một nền bóng đá thuần bản địa và đang lao nhanh về đích.

Hiện nay, Uzbekistan đang xếp nhì bảng A, kém đội đầu bảng Iran 3 điểm nhưng hơn đội UAE, Qatar xếp thứ 3, thứ 4 đến 3 và 6 điểm. Cần nhớ rằng, Qatar là một nền bóng đá ưa chuộng ngoại binh, nhập tịch, thế mà Qatar đang chìm sâu ở vị trí thứ 4.

Thuần bản địa vẫn đi đến thành công

Để có được thành công như hôm nay, bóng đá Uzbekistan cũng từng có những bước đi không hoàn chỉnh và chông chênh như những gì mà những nền bóng đá ĐNA đang trải qua.

20 năm trước, vào nửa cuối thập niên 2000 và đầu 2010, CLB Bunyodkor của Uzbekistan đã là thế lực của bóng đá châu Á khi không tiếc tiền bạc để chiêu mộ những ngôi sao nước ngoài mà nổi bật hơn hết là danh thủ Brazil Rivaldo, còn trên băng ghế HLV cũng là hai tên tuổi nổi tiếng: Zico rồi sau đó là Felipe Scolari - HLV từng dắt đội tuyển Brzazil vô địch World Cup 2002.

Nhưng con đường màu xanh này kéo dài không bao lâu. Khi kinh tế khó khăn, vị thế chính trị của lãnh đạo CLB Bunyudkor không còn, đồng thời đội tuyển Uzbekistan thua Jordan ở trận tranh vé play-off liên lục địa tới World Cup 2014, những nhà hoạt động bóng đá Uzbekistan mới thay đổi chiến lược.

Năm 2015, Liên đoàn Bóng đá Uzbekistan (UFO) đưa ra tầm nhìn phát triển của thế hệ trẻ để hướng đến World Cup. Nếu như biệt danh của đội tuyển Uzbekistan là “Bầy sói trắng”, thì khẩu hiệu đào tạo bóng đá trẻ Uzbekistan là huấn luyện những tài năng trẻ trở thành những con sói mạnh mẽ.

10 năm để hái quả ngọt

Năm 2018, chương trình phát triển bóng đá trẻ của UFO được chính phủ phê duyệt, đặc biệt được Tổng thống Shavkat Mirziyoyev ủng hộ tuyệt đối. 14 học viện được thành lập, đồng thời mỗi khu vực dân cư đều có một sân bóng. Các cầu thủ trẻ không chỉ được đào tạo về chuyên môn mà còn được rèn bản lĩnh, khát khao chiến thắng và trên hết là các cầu thủ không phải âu lo thất nghiệp. Tại sao?

Vì rằng tầm nhìn bóng đá trẻ của UFO nhận được sự ủng hộ tối đa của các câu lạc bộ tham gia thi đấu giải vô địch quốc gia (Super League). Ngay cả đội bóng danh tiếng một thời khi chi rất nhiều tiền để chiêu mộ ngoại binh nay trở thành CLB tiên phong đào tạo bóng đá trẻ với chủ trương sử dụng cây nhà lá vườn. Đó là lý do tuổi bình quân của CLB Bunydokor là 24, nhưng đây chưa là con số thấp nhất. Vì rằng Super League còn có CLB Olympic FK, tuổi bình quân chỉ là 20, trong đó có 6 cầu thủ đang khoác áo U.23 Uzbekistan.

Sự khác biệt của Olympic FK so với phần còn lại đó là CLB được ra đời vào năm 2021 từ ý tưởng của UFO và Ủy ban Olympic quốc gia nhằm tập trung các tài năng trẻ nổi bật từ các học viện trên khắp thủ đô Tashkent. Được thi đấu ở Super League có nghĩa các tài năng trẻ Uzbekistan được tạo điều kiện cọ xát, thi đấu, trui rèn ở môi trường đỉnh cao.

Với chiến lược này, hàng loạt ngôi sao trẻ của Uzbekistan chiếu sáng lung linh mà nổi bật hơn tất cả là trung vệ Abdukodir Khusanov vừa được Manchester City ký hợp đồng chuyển nhượng từ CLB Lens (Pháp) trị giá 40 triệu euro.

Khusanov sinh năm 2004, cao 1m86, trưởng thành từ lò đào tạo Bunyodkor, anh thi đấu cho đội trẻ của câu lạc bộ đến năm 18 tuổi. Năm 2022, Khusanov ra nước ngoài thi đấu cho Energetik-BGU (Belarus). Hè 2023, Khusanov chuyển qua Lens (Pháp) rồi nhảy vọt đến Manchester City.

Khusanov nay đã và đang là trụ cột của các đội trẻ Uzbekistan vô địch U.20 châu Á 2023, á quân U.23 châu Á 2024, và tất nhiên anh cũng là thành viên trụ cột của đội tuyển Uzbekistan.

Thành công vượt bậc của Khusanov đã cho thấy hướng đi đúng từ tầm nhìn phát triển bóng đá trẻ của UFO. Giờ đây, riêng cấp độ bóng đá trẻ, Uzbekistan đã là thế lực ở châu Á: đội U.17 vào tứ kết U.17 World Cup; đội U.20 vô địch U.20 châu Á 2023, vào vòng 1/8 U.20 World Cup cùng năm; trong khi đó U.23 giành Huy chương đồng ASIAD 2023 và bây giờ, lần thứ 3 vào chung kết U.23 châu Á.

***

Uzbekistan chưa từng dự World Cup, cũng chưa một lần vô địch châu Á, nhưng với những gì mà họ đã thực hiện trong cuộc hành trình xuyên suốt 10 năm qua, giờ đây đã đến lúc họ hái quả.

Họ đã vô địch U.23 châu Á 2018 khi thắng Việt Nam trong trận chung kết. Nếu như BĐVN phải làm lại từ thành công ASEAN Cup 2024 thì Uzbeksitan vẫn tiếp tục thẳng tiến và tiến xa kể từ Thường Châu 2018.

Chưa bao giờ bóng đá Uzbekistan tiến gần đến tấm vé dự VCK World Cup lần đầu tiên trong lịch sử như lúc này.

Còn BĐVN? Còn bóng đá ĐNA?

Đặng Hoàng