Apple lên tiếng khi xóa TikTok, CapCut và Lemon8 khỏi App Store ở Mỹ, lượng tìm kiếm VPN tăng vọt

Thế giới số - Ngày đăng : 22:27, 19/01/2025

TikTok đã ngừng hoạt động tại Mỹ vào đêm 18.1 và biến mất khỏi cửa hàng ứng dụng của Apple, Google trước khi luật có hiệu lực hôm 19.1 yêu cầu đóng cửa nền tảng được hơn 170 triệu người Mỹ sử dụng.
Thế giới số

Apple lên tiếng khi xóa TikTok, CapCut và Lemon8 khỏi App Store ở Mỹ, lượng tìm kiếm VPN tăng vọt

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

TikTok đã ngừng hoạt động tại Mỹ vào đêm 18.1 và biến mất khỏi cửa hàng ứng dụng của Apple, Google trước khi luật có hiệu lực hôm 19.1 yêu cầu đóng cửa nền tảng được hơn 170 triệu người Mỹ sử dụng.

Khi mở ứng dụng TikTok, người ở Mỹ sẽ thấy thông báo: "Một đạo luật cấm TikTok đã được ban hành tại Mỹ. Thật không may, điều đó có nghĩa là bạn không thể sử dụng TikTok ngay bây giờ. Chúng tôi thật may mắn khi Tổng thống Trump cho biết sẽ làm việc với chúng tôi để tìm ra giải pháp khôi phục TikTok sau khi ông nhậm chức. Vui lòng theo dõi".

tiktok-hien-thong-bao-tam-ngung-hoat-dong-o-my-nhac-den-ong-trump-van-kha-dung-tai-viet-nam.jpg
Thông báo xuất hiện khi người dùng ở Mỹ mở TikTok

Những người ở Mỹ truy cập TikTok thông qua trình duyệt web cũng nhận được thông báo nền tảng này hiện không còn hoạt động nữa.

Việc TikTok ngừng hoạt động, dù chỉ là tạm thời, sẽ có tác động sâu rộng đến quan hệ Mỹ-Trung, chính trị nội địa Mỹ, thị trường truyền thông xã hội và hàng triệu người Mỹ phụ thuộc vào ứng dụng này về mặt kinh tế lẫn văn hóa.

Mỹ chưa từng cấm một nền tảng truyền thông xã hội lớn, trước TikTok. Luật được Quốc hội thông qua với số phiếu áp đảo trao cho chính quyền Trump sắp tới quyền hạn rộng rãi để cấm hoặc buộc các công ty Trung Quốc khác bán ứng dụng hoạt động ở Mỹ.

Các ứng dụng khác thuộc sở hữu của ByteDance, gồm cả CapCut (chỉnh sửa video) và Lemon8 (mạng xã hội về phong cách sống), cũng đã ngoại tuyến và không có sẵn trên cửa hàng ứng dụng của Mỹ như Apple Store, Google Play Store tính đến cuối ngày 19.1.

Về chuyện này, Apple đã đăng thông báo trên trang web của mình như sau:

TikTok và các ứng dụng khác của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) hiện không còn khả dụng tại Mỹ. Du khách đến Mỹ có thể gặp hạn chế về quyền truy cập một số tính năng.

Apple có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp tại các khu vực pháp lý mà công ty hoạt động. Theo Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát, các ứng dụng do ByteDance và các công ty con của hãng này phát triển, gồm cả TikTok, CapCut, Lemon8, sẽ không còn khả dụng để tải xuống hoặc cập nhật trên App Store cho người dùng tại Mỹ kể từ ngày 19.1.2025.

Sau đây là một số ứng dụng do ByteDance và các công ty con của hãng này phát triển bị ảnh hưởng:

TikTok

TikTok Studio

TikTok Shop Seller Center

CapCut

Lemon8

Hypic

Lark - Team Collaboration

Lark - Rooms Display

Lark Rooms Controller

Gauth: AI Study Companion

MARVEL SNAP

Nếu bạn sống tại Mỹ

Nếu bạn đã cài đặt các ứng dụng này trên thiết bị của mình, chúng sẽ vẫn ở trên thiết bị của bạn. Thế nhưng không thể tải lại chúng nếu đã xóa hoặc khôi phục nếu bạn chuyển sang thiết bị mới. Các giao dịch mua trong ứng dụng và đăng ký mới sẽ không còn khả dụng.

Người dùng tại Mỹ sẽ không nhận được bản cập nhật cho các ứng dụng nêu trên, điều này có khả năng ảnh hưởng đến hiệu suất, bảo mật và khả năng tương thích với các phiên bản iOS và iPadOS trong tương lai. Một số chức năng của các ứng dụng này có thể bị hạn chế hoặc ngừng hoạt động do chúng không thể nhận các bản cập nhật.

Nếu bạn là khách du lịch đến Mỹ

Các ứng dụng của ByteDance vẫn có sẵn để tải xuống tại tất cả quốc gia và khu vực khác mà chúng khả dụng.

Người dùng đến từ bên ngoài Mỹ với tài khoản Apple được đặt tại một quốc gia hoặc khu vực không phải Mỹ sẽ không thể tải xuống, cập nhật, hoặc thực hiện giao dịch mua và đăng ký mới trong các ứng dụng của ByteDance khi đang ở trong lãnh thổ hoặc vùng biển của Mỹ.

Sau khi rời khỏi Mỹ, bạn sẽ có quyền truy cập đầy đủ tất cả tính năng đó.

Theo luật, Apple App Store và Google Play Store, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ internet như Oracle, có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 5.000 USD/mỗi người dùng nếu họ tiếp tục cung cấp TikTok sau khi thời hạn thoái vốn hết hạn.

Vào tháng 4.2024, Tổng thống Joe Biden ký thành luật yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ trước ngày 19.1 hoặc ứng dụng này sẽ bị cấm.

Ông Biden chọn không thực thi lệnh cấm TikTok, để chính quyền mới của ông Donald Trump giải quyết vấn đề này. Hôm 17.1, Nhà Trắng tuyên bố rằng không còn đủ thời gian trong chính quyền của ông Biden để đảm bảo việc thực thi và giám sát tuân thủ luật.

Tuy nhiên, TikTok đã chỉ trích chính quyền Biden vì không cung cấp "sự rõ ràng và đảm bảo cần thiết cho các nhà cung cấp dịch vụ, vốn là một phần không thể thiếu để duy trì tính khả dụng của TikTok cho hơn 170 triệu người Mỹ".

apple-len-tieng-khi-xoa-tiktok-capcut-va-lemon8-khoi-app-store-o-my-luong-tim-kiem-vpn-tang-vot.jpg
TikTok tạm thời bị xóa khỏi Apple Store và Google Play Store ở Mỹ - Ảnh: Internet

Ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ hôm 20.1 và tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề này thông qua các biện pháp chính trị trong nỗ lực "cứu" TikTok. Ngày 18.1, ông Trump cho biết “rất có thể" sẽ gia hạn thêm 90 ngày cho TikTok để tránh lệnh cấm tiềm năng ở Mỹ, sau khi ông nhậm chức.

"Việc gia hạn 90 ngày là điều rất có khả năng xảy ra, vì nó phù hợp. Nếu quyết định làm điều đó, có lẽ tôi sẽ công bố vào thứ hai (20.1)", ông Trump nói với kênh NBC.

Kể từ khi ra mắt tại thị trường Mỹ vào năm 2016, TikTok đã nhanh chóng trở thành nền tảng hàng đầu dành cho những người Mỹ trẻ tuổi tìm kiếm các cơ hội giải trí, tin tức, cộng đồng và kinh doanh, thách thức các đối thủ cạnh tranh như Instagram và YouTube.

Chưa có ứng dụng mạng xã hội nào khác có thể sao chép được thành công dựa trên thuật toán như TikTok tại Mỹ.

Những người sáng tạo nội dung xây dựng sự nghiệp của mình trên TikTok đã đăng những thông điệp trước khi lệnh cấm có hiệu lực, hy vọng ứng dụng này sẽ hoạt động trở lại hôm 20.1 khi ông Trump nhậm chức. Tuy nhiên, một số người vẫn tự hỏi nền tảng này sẽ hoạt động như thế nào dưới quyền sở hữu mới.

"Tôi không muốn nói trước điều gì, nhưng thật sự có ý rằng 'hẹn gặp bạn tuần sau'. Tôi thực sự nghĩ rằng mình sẽ phải thực hiện một lời tạm biệt cảm động, nhưng thật lòng mà nói, tôi không nghĩ chúng ta sẽ biến mất quá hai ngày", nhà sáng tạo Ethan on Everything, có hơn 400.000 người theo dõi, chia sẻ tối 18.1.

Vì lệnh cấm TikTok ở Mỹ, hàng ngàn người dùng đang đổ xô đến RedNote, ứng dụng khác do Trung Quốc sở hữu. Tuy nhiên, RedNote phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là tái tạo mức độ tương tác của TikTok tại Mỹ, vì ứng dụng này phải tuân theo các quy tắc kiểm duyệt nội dung của Trung Quốc.

"Đây là ngôi nhà mới của tôi", một người dùng viết trên RedNote, kèm hashtag tiktokrefugee (người tị nạn TikTok)sad (buồn).

Chỉ vài phút sau khi TikTok ngừng hoạt động tại Mỹ, nhiều người đã chuyển sang X. "Tôi thực sự không nghĩ họ sẽ cắt đứt TikTok. Bây giờ tôi buồn và nhớ những người bạn mà tôi đã kết nối tại đó. Hy vọng mọi thứ sẽ trở lại chỉ trong vài ngày", tài khoản RavenclawJedi viết trên X.

"Thời khắc hoảng loạn"

NordVPN, dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) phổ biến cho phép người dùng truy cập internet từ các máy chủ trên toàn thế giới, cho biết đang "gặp phải một số khó khăn kỹ thuật tạm thời".

Theo Google Trends, số lượt tìm kiếm từ khóa VPN đã tăng đột biến chỉ vài phút sau khi người dùng tại Mỹ mất quyền truy cập TikTok.

Người dùng trên Instagram lo lắng liệu họ có nhận được hàng đã mua qua TikTok Shop, đơn vị thương mại điện tử của nền tảng video này, hay không.

Các công ty tiếp thị phụ thuộc vào TikTok đã gấp rút chuẩn bị kế hoạch dự phòng trong tuần này trong khoảnh khắc mà một giám đốc mô tả là "thời khắc hoảng loạn" sau nhiều tháng cho rằng có giải pháp để duy trì hoạt động của ứng dụng.

MrBeast và các tỷ phú muốn mua lại TikTok

Reuters đưa tin Perplexity (công ty khởi nghiệp công cụ tìm kiếm trí tuệ nhân tạo của Mỹ) hôm 18.1 đã đưa ra đề nghị cho ByteDance để sáp nhập với TikTok ở Mỹ và tạo nên một thực thể mới bằng cách kết hợp công ty sáp nhập với công ty đầu tư tư nhân New Capital Partners (Mỹ). Theo các báo cáo, việc sáp nhập có thể cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ.

Ra mắt vào năm 2024 với định giá ban đầu là 500 triệu USD, Perplexity đang phải đối mặt với các vụ kiện từ hai tổ chức tin tức về hành vi vi phạm bản quyền. Bất chấp những thách thức pháp lý này, công ty khởi nghiệp này đã kết thúc năm 2024 với định giá khoảng 9 tỉ USD.

Perplexity cung cấp công cụ tìm kiếm kiểu hội thoại dựa vào chatbot AI để tóm tắt kết quả tìm kiếm, liệt kê các trích dẫn cho câu trả lời và giúp người dùng tinh chỉnh các truy vấn để nhận được phản hồi tốt nhất.

Thay vì trả kết quả tìm kiếm bằng những liên kết màu xanh da trời theo kiểu của Google, Perplexity tạo ra câu trả lời dạng tường thuật nội dung với các trích dẫn có kèm theo liên kết chứa thông tin nguồn. Sau đó, người dùng có thể đặt các câu hỏi cụ thể hơn để tìm các thông tin chi tiết.

Bằng cách nhấn mạnh vào độ chính xác, Perplexity nhanh chóng tạo ra sự khác biệt cho chatbot của công ty trong một thị trường ngày càng đông đúc. Bộ máy tìm kiếm của Perplexity đã thu hút được những người nổi tiếng. Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, từng cho biết sử dụng chatbot AI của Perplexity hầu như mỗi ngày.

Gần đây, tỷ phú Frank McCourt (chủ sở hữu CLB bóng đá Olympique Marseille và chủ cũ đội bóng chày L.A Dodgers) và Kevin O'Leary (một trong những "cá mập" của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank) bày tỏ ý muốn mua TikTok ở Mỹ. Frank McCourt tin rằng TikTok có giá khoảng 20 tỉ USD mà không bao gồm cả thuật toán của nó. Frank McCourt là doanh nhân và tỷ phú người Mỹ, nổi tiếng với các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, thể thao và công nghệ.

Nếu thành công, nhóm này cho biết sẽ xây dựng lại nền tảng theo cách ưu tiên quyền riêng tư của khoảng 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ.

“Cùng với Frank, chúng tôi hướng đến mục tiêu cung cấp một nền tảng do người Mỹ sở hữu, bảo vệ an ninh quốc gia. Tôi tin tưởng rằng tầm nhìn chung của chúng tôi, kết hợp với sự nhạy bén trong kinh doanh của Tổng thống đắc cử Trump, sẽ dẫn đến một thỏa thuận có lợi cho tất cả mọi người”, Kevin O'Leary cho biết trong một tuyên bố.

Kevin O'Leary (người Canada) từng bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác với các nhà đầu tư khác để mua TikTok ở Mỹ, khởi động một nỗ lực gây quỹ cộng đồng hiện sẽ được đưa vào People's Bid for TikTok. Dự án The People's Bid for TikTok đã đảm bảo được sự hỗ trợ từ ngân hàng đầu tư Guggenheim Securities và Kirkland & Ellis (một trong những công ty luật lớn nhất thế giới).

Trên mạng xã hội, MrBeast (YouTuber nổi tiếng nhất thế giới hơn 346 triệu người theo dõi) tuyên bố muốn mua lại TikTok ở Mỹ.

“Tôi vừa rời cuộc họp với một nhóm tỷ phú. TikTok, chúng tôi nghiêm túc đấy. Đây là luật sư của tôi. Chúng tôi có sẵn một lời đề nghị dành cho các bạn. Chúng tôi muốn mua lại nền tảng này. Nước Mỹ xứng đáng có TikTok. Hãy cho tôi một vị trí tại bàn đàm phán, để tôi cứu lấy nền tảng này”, MrBeast (tên thật là Jimmy Donaldson, 26 tuổi) nói.

Tuy là YouTuber nổi tiếng nhất, MrBeast không có mặt trong danh sách tỷ phú của Bloomberg (Bloomberg Billionaires Index). Hiện tài sản của MrBeast được cho chỉ hơn 1 tỉ USD. Thế nên, MrBeast phải huy động vốn từ các tỷ phú và nhà đầu tư khác mới đủ tiền mua lại TikTok ở Mỹ.

Sơn Vân