Xung đột giữa người và động vật hoang dã (2): Nuôi ong để đối phó tình trạng bùng nổ số lượng voi

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 07:25, 22/01/2025

Theo số liệu của Cơ quan Động vật hoang dã Uganda UWA, quần thể voi chỉ riêng ở công viên quốc gia Queen Elizabeth đã tăng từ 400 con vào năm 1989 lên 4.000 con vào năm 2018 (con số hiện tại có thể lên đến gần 5.000 con)
Kiến thức - Học thuật

Xung đột giữa người và động vật hoang dã (2): Nuôi ong để đối phó tình trạng bùng nổ số lượng voi

Anh Tú22/01/2025 07:25

Theo số liệu của Cơ quan Động vật hoang dã Uganda UWA, quần thể voi chỉ riêng ở công viên quốc gia Queen Elizabeth đã tăng từ 400 con vào năm 1989 lên 4.000 con vào năm 2018 (con số hiện tại có thể lên đến gần 5.000 con)

Kỳ 1 xung đột giữa người và động vật hoang dã: Voi vẫy xe, hà mã vào thị trấn

voi2.jpg
Số lượng voi tại một số công viên đã tăng gấp 10 sau 30 năm

Ý tưởng rằng có thể bùng nổ quá nhiều voi ở châu Phi khiến hầu hết mọi người phải nhíu mày vì hầu hết đã quen với thông tin rằng quần thể động vật hoang dã này đang suy giảm và cuộc khủng hoảng săn trộm ngà voi. Nhưng ở một số vùng của châu Phi, đó chính xác là thách thức mà chính quyền địa phương đang phải đối mặt.

Vì sao đàn voi châu Phi đã tăng trở lại?

Nhìn chung, số lượng voi trên lục địa đã giảm tới 90% trong khoảng thời gian từ năm 1964 đến năm 2016. Nhưng ở một số quốc gia, đã có sự thay đổi trong thập niên qua. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN hiện vẫn liệt kê voi thảo nguyên là loài có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng sự kết hợp của giá ngà voi giảm, thực thi pháp luật hiệu quả hơn và các đợt ra quân trấn áp nạn buôn bán ngà voi ở Đông Á đang giúp số lượng của chúng phục hồi. Trong khi đó, ở một số nơi, voi đang va chạm với những người sống gần môi trường sống của chúng.

Tại Kenya vào năm 2024, 50 con voi đã được chuyển từ Khu bảo tồn quốc gia Mwea đến Công viên quốc gia Aberdare sau khi tình trạng dư thừa voi khiến một số con voi đi phá phách các ngôi làng lân cận. Vào tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Botswana Mokgweetsi Masisi đã đe dọa sẽ gửi 20.000 con voi đến Đức vì lời kêu gọi hạn chế nhập khẩu sản phẩm từ săn bắn voi (có giấy phép) ở nước này.

Trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo Đức, Tổng thống Masisi cho biết người châu Âu nên "sống chung với động vật, theo cách mà các bạn đang cố bảo chúng tôi làm. Đây không phải là chuyện đùa".

Ở góc độ nào đó, những xung đột giữa người và động vật hoang dã cũng là một vấn đề đáng 'ăn mừng'. Tại Công viên quốc gia Queen Elizabeth, chúng là một chỉ báo cho thấy động vật hoang dã của nơi này đang phát triển tương đối tốt nên số lượng đủ lớn để mở rộng lãnh địa và va chạm với con người.

Theo số liệu của Cơ quan Động vật hoang dã Uganda UWA, quần thể voi của công viên quốc gia Queen Elizabeth đã tăng từ 400 con vào năm 1989 lên 4.000 con vào năm 2018 (con số hiện tại có thể lên đến gần 5.000 con). Số lượng trâu rừng tăng vọt từ 5.000 lên 20.000 con trong cùng kỳ.

Nhưng những người nông dân sống gần công viên quốc gia Queen Elizabeth có cảm xúc lẫn lộn về thành tựu này. Theo Quỹ Động vật hoang dã Thế giới, vào năm 2013, đã có 16 trường hợp xung đột giữa người và động vật hoang dã gần công viên quốc gia Queen Elizabeth được báo cáo. Đến năm 2020, số vụ va chạm giữa người và động vật hoan dã đã lên đến 862 vụ – phổ biến nhất là phá hoại ruộng vườn, tiếp theo là săn bắt gia súc, rồi đến gây thương tích cho người.

Edwin Mumbere, một nhà hoạt động vì môi trường có trụ sở tại Kasese cho biết: “Chúng tôi đã phải đối mặt với những thách thức từ động vật xâm nhập vào cộng đồng dân cư. Chúng thậm chí đã tấn công khiến con người thiệt mạng. Đặc biệt là voi, chúng là vấn đề lớn nhất”.

Voi làm ảnh hưởng tổ ấm gia đình

Thiệt hại vật chất hay bị tổn thương không phải là rủi ro duy nhất. Hóa ra, voi có thể phá hoại tổ ấm gia đình theo một cách khác. Justus Tsuubira, một nhân viên bảo vệ động vật trong chương trình Space for Giants (Không gian cho động vật lớn) kể: “Vì những ông chồng thường đi canh vườn vào ban đêm và để vợ ở nhà một mình, nên các bà vợ nghĩ rằng chồng họ nói dối mượn việc canh voi để ngoại tình. Còn các ông chồng khi đi canh voi luôn ám ảnh rằng vợ đưa nhân tình về nhà”.

Mô hình bảo tồn của công viên quốc gia Queen Elizabeth rất nghiêm ngặt và UWA phải thực thi luật công viên. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là cơ quan này phải chịu trách nhiệm khi động vật hoang dã vượt qua ranh giới của họ hoặc gây thiệt hại cho tài sản của người dân. Vì lý do này và các lý do khác liên quan đến trách nhiệm tuần tra, UWA không được mọi người trong khu vực có thiện cảm. Để xây dựng mối quan hệ tốt hơn với các cộng đồng xung quanh công viên, UWA có các kiểm lâm "bảo tồn cộng đồng" có nhiệm vụ ứng phó với xung đột giữa con người và động vật hoang dã. Nhưng chỉ có bảy người trong số họ - quá ít đối với một khu vực rộng lớn như thế này.

Để ngăn voi ra vào trang trại của người dân, UWA và các đối tác bảo tồn đã thử nghiệm một số chiến lược, gồm cả xây dựng các rãnh hào và tài trợ cho các dự án nuôi ong. Dự án nuôi ông có vẻ lợi cả đôi đường. Ngoài số tiền mà mọi người có thể kiếm được từ việc bán mật ong, họ còn nhờ ong để bảo vệ một số khu vực vì voi còn có ám ảnh đáng ngạc nhiên với ong. Ngay cả dùng loa phát ra âm thanh của bầy on đôi khi cũng có thể khiến chúng sợ hãi.

Nhưng các hào rãnh bị xói lở trong những trận mưa lớn trong khi các tổ ong không phải lúc nào cũng ngăn nổi những chú voi liều lĩnh. Do vậy, các giải pháp này chỉ mang tính chất đối phó ngắn hạn. Vài năm trước, chương trình Space for Giants đã đề xuất hàng rào điện như một giải pháp tốt hơn, lâu dài hơn.

Tsuubira cho biết: “Khi chúng tôi thực hiện khảo sát cơ sở vào năm 2020, chúng tôi phát hiện ra rằng 95% cộng đồng là những người nông dân nhỏ phụ thuộc phần lớn vào canh tác. Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng 81% trong số họ đang bị động vật hoang dã phá hoại mùa màng, chủ yếu là do voi”.

(còn nữa)

Anh Tú