Động lực nào cho xuất khẩu mặt hàng tỉ đô của Việt Nam năm 2025?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:05, 23/01/2025
Động lực nào cho xuất khẩu mặt hàng tỉ đô của Việt Nam năm 2025?
Thêm một năm đáng tự hào của xuất khẩu cá tra Việt Nam khi cán mốc hơn 2 tỉ USD, đóng góp 20% vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 23.1 cho biết xuất khẩu cá tra Việt Nam vượt qua năm 2024 đầy khó khăn thách thức bằng kim ngạch xuất khẩu 2 tỉ USD, cùng với đà tăng trưởng chậm mà chắc. Những thay đổi của thị hiếu người tiêu dùng, sự điều chỉnh của thị trường, sự biến động của các yếu tố địa chính trị, chiến tranh, cước vận tải, thuế,... là rào cản khó tránh khỏi trong bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết khiến một sản phẩm đứng vững trên thị trường nói chung và chiếm trọn lòng tin của người tiêu dùng nói riêng vẫn là chất lượng tốt, đi đôi với giá thành hợp lý. Chất lượng thành phẩm tốt đến từ quy trình sản xuất và chế biến tốt, phù hợp tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Để có được điều đó, trước khi vào nhà máy và bắt đầu chế biến, con cá tra thu hoạch được phải đáp ứng đủ các yêu cầu về kích cỡ, không mang bệnh. Con giống tốt, được chọn lọc kỹ càng, được nuôi trong điều kiện tốt sẽ quyết định chất lượng sản phẩm cuối cùng.
Thời gian nuôi cá tra là trung bình 10 tháng, cá sẽ đạt cỡ 0,7 - 1,5 kg/con đáp ứng tiêu chuẩn cá tra thương phẩm. Thời gian nuôi dài, đòi hỏi sự kiên trì, chăm chút, tỉ mẩn, theo dõi sát sao đàn cá, kịp thời phát hiện và tách con bệnh ra khỏi đàn, đảm bảo sản lượng cho khâu chế biến, sản xuất, xuất khẩu. Vậy để sản xuất và xuất khẩu gia tăng, người nông dân chính là một động lực quan trọng. Nông dân có lãi là động lực để mở rộng ao nuôi, hạn chế tình trạng treo ao.
Năm 2025 được coi là năm quan trọng của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam với động lực cốt lõi là người nông dân - ngư dân Việt Nam. Năm 2025 cũng hứa hẹn là năm xuất khẩu cá tra chinh phục những cột mốc mới.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vẫn là điểm đến hàng đầu của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Riêng tháng 12.2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt hơn 52 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Lũy kế xuất khẩu cá tra cả năm 2024 sang Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đạt hơn 580 triệu USD, tăng nhẹ 1,3% so với năm 2023.
Mỹ tiếp tục giữ vị trí thứ 2 sau Trung Quốc trong top các quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam. Tháng cuối năm 2024, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt gần 28 triệu USD, tăng 40% so với tháng 12.2023.
Xuất khẩu cá tra sang khối thị trường được trợ lực bởi Hiệp định CPTPP cũng ghi nhận tăng trưởng 10% trong năm 2024, với hơn 274 triệu USD. Trong đó, Mexico vẫn là quốc gia đứng đầu trong khối về nhập khẩu nhiều nhất cá tra từ Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt 76 triệu USD, tăng 4% so với năm 2023.
Xuất khẩu cá tra sang EU trong tháng cuối năm 2024 cũng đạt gần 16 triệu USD, tăng 18% so với tháng 12.2023. Hà Lan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha,... lần lượt là các quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối. Tuy nhiên, khác với các quốc gia khác, riêng xuất khẩu cá tra sang Đức giảm 2% trong năm 2024, với giá trị đạt hơn 37 triệu USD.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang một số thị trường khác cũng đón nhận kết quả tích cực và ghi nhận tăng trưởng dương như Brazil tăng 15%, Thái Lan tăng 4%, Colombia tăng 36%,...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, cần tập trung phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học. Đồng thời yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp quản lý chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng, đồng thời kiểm soát chất lượng các cơ sở sản xuất giống. Đặc biệt là kêu gọi phát triển chuỗi khép kín trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra, ứng dụng khoa học công nghệ, tối ưu hóa việc sử dụng phụ phẩm để gia tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh các thị trường truyền thống, việc tìm kiếm và phát triển các thị trường mới, trong đó có thị trường Hồi giáo với chứng nhận Halal, cũng là một chiến lược quan trọng…
Trong khi đó, theo Cục Thủy sản, ngành hàng cá tra vùng ĐBSCL đang đối diện với 3 tồn tại lớn cần có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn. Một là về con giống, tỷ lệ sống trong quá trình ương dưỡng từ cá tra bột lên cá tra giống chưa được cải thiện đáng kể. Cá bố mẹ tham gia sinh sản có nguồn gốc từ cá được chọn lọc, nâng cao chất lượng di truyền chiếm tỷ lệ chưa cao (chiếm 25%). Tỷ lệ cơ sở ương dưỡng giống cá tra được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện còn thấp (chỉ chiếm 5,3%)
Hai là chi phí sản xuất cá tra nguyên liệu ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn, nhiên liệu, chi phí cho lao động cao. Quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nước thải cho nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế sản xuất nuôi trồng thủy sản. Cơ sở nuôi nhỏ lẻ chưa tham gia vào chuỗi liên kết khó tiếp cận thông tin và thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm, nguồn vốn còn hạn chế, không tham gia liên kết chuỗi, dần dần có nguy cơ bị loại trừ và bị thay thế bởi các công ty lớn.
Ba là sản phẩm và thị trường, sản phẩm giá trị gia tăng còn chiếm tỷ trọng nhỏ, chủ yếu vẫn là sản phẩm đông lạnh. Hơn nữa, việc phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia trong khối ASEAN khiến ngành hàng cá tra có thể gặp bất lợi nếu các thị trường này có thay đổi về chính sách hoặc yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Thiếu sự phối hợp và cạnh tranh quá mức giữa các nhà chế biến, xuất khẩu Việt Nam cùng với chất lượng chưa đồng đều đã ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sản phẩm cá tra Việt Nam.