Xung đột giữa người và động vật hoang dã (6): Người dân thích sống chung với hà mã
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 09:57, 26/01/2025
Xung đột giữa người và động vật hoang dã (6): Người dân thích sống chung với hà mã
Xung đột giữa con người và động vật hoang dã ở công viên quốc gia Queen Elizabeth là có thật, nhưng cũng có mối liên hệ văn hóa sâu sắc giữa hai bên.
Kỳ 1: Xung đột giữa người và động vật hoang dã: Voi vẫy xe, hà mã vào thị trấn
Kỳ 2: Xung đột giữa người và động vật hoang dã: Nuôi ong để đối phó tình trạng bùng nổ số lượng voi
Kỳ 3: Xung đột giữa người và động vật hoang dã: Voi biết dùng ngà để phá hàng rào điện
Kỳ 4: Xung đột giữa người và động vật hoang dã : Loài sư tử biết leo cây đang bị đánh bả
Kỳ 5: Xung đột giữa người và động vật hoang dã: Nỗi khổ khi gia súc bị sư tử vồ
Mối liên hệ bắt nguồn từ các truyền thống có từ trước khi thực dân Anh thành lập công viên này. Ở khu vực này, người dân mỗi bộ lạc Uganda thường có "vật tổ" - động vật đại diện cho gia tộc và tổ tiên của họ. Theo phong tục cũ, họ bị cấm làm hại những con vật đó.
Hướng dẫn viên du lịch Nicholas Kakongo cho biết: "Con người đã đến đây, từ khoảng năm 1300 và hình thành mối quan hệ tương tác với động vật. Hầu hết các gia tộc và bộ lạc dân tộc xung quanh đó đều có mối liên hệ trực tiếp với động vật hoang dã. Một số người trong chúng tôi thậm chí coi chúng như vật tổ của mình. Ví dụ, vật tổ của tôi là một con khỉ vervet”.
Vị thế mặc định của nhiều công viên quốc gia như Queen Elizabeth ở Châu Phi là tạo ra ranh giới cứng giữa thiên nhiên và con người. Người dân bản địa cũng tranh cãi về mô hình này nhưng đa phần cho rằng cần phải tách biệt thiên nhiên và khu vực của con người để bảo vệ một số ít môi trường sống nguyên vẹn mà động vật hoang dã còn sót lại.
Ở những thị trấn như Kikorongo, nơi hàng rào là biểu tượng của sự an toàn và bảo tồn, cách tiếp cận này được những người sống ngoài khu vực ủng hộ. Nhưng những người sống trong thị trấn biệt lập lọt thỏm như ốc đảo giữa công viên quốc gia Queen Elizabeth lại phản đối. Họ cho rằng không cần thiết phải tách biệt môi trường sống giữa con người và động vật hoang dã.
Chẳng hạn ở Katwe, một thị trấn biệt lập gần biên giới CHDC Congo và Công viên quốc gia Virunga nổi tiếng. Ở đây, động vật hoang dã thường xuyên đi vào và ra khỏi thị trấn. Trên bờ hồ Edward, các chú hà mã tắm nắng chỉ cách người dân đang rửa xe vài mét. Chúng có thể là loài động vật nguy hiểm, có tính chiếm hữu lãnh thổ, nhưng người dân ở Katwe cho biết lũ hà mã tự ý thức mình không có gì phải sợ từ cư dân thị trấn, vì vậy phần lớn chúng không hề bị kích động trước sự gần gũi này.
Đây là cảnh tượng đáng ngạc nhiên đối với người ngoài. Nhưng ở Katwe, đây chỉ là một phần của cuộc sống. Nhưng không phải mọi thứ ở đây đều tươi đẹp. Bắt đầu từ những năm 1990, cá sấu đã xuất hiện một cách bí ẩn ở khu vực này của Uganda và kể từ đó chúng trở thành mối đe dọa nguy hiểm, thường xuyên tấn công và giết người ở Katwe, Hamakungu và các thị trấn khác.
Đỉnh điểm cho sự ngờ vực sâu sắc giữa các nhà quản lý công viên và các thị trấn nằm trong vùng đất này là tồn tại một thuyết âm mưu cho rằng rằng ai đó đã cố tình thả cá sấu để xua đuổi người dân phải dọn đi.
Cơ quan Động vật hoang dã Uganda (UWA) không hề che giấu sự thật rằng họ muốn người dân ở Katwe và các vùng đất nằm trong công viên quốc gia rời đi. Nhưng Kakongo cho biết các thị trấn là bằng chứng cho thấy công tác bảo tồn không nhất thiết phải khiến động vật hoang dã và con người phải đối đầu nhau. Bất chấp những thách thức, hai bên vẫn có thể cùng tồn tại.
Kakongo phân tích: “Bạn thấy những loài động vật này ở trong hồ. Vào ban đêm, hà mã gặm cỏ trong khu dân cư. Voi đến đây. Linh cẩu cũng đến đây. Chúng tôi đã học được cách sống chung trong một cộng đồng mà không làm hại lẫn nhau”.
Đạt được sự cân bằng hài hòa ở và ở các khu vực hoang dã khác, là một trong những thách thức lớn đối với công tác bảo tồn ở châu Phi. Đối với một số người, câu trả lời có thể giống như một hàng rào điện. Đối với những người khác, đó là cùng ngồi chung để bàn ra giải pháp đảm bảo tất cả cùng hài lòng, từ người dân bản địa đến các nhà hoạch định chính sách.
(hết)