Các công ty tài chính nên hỗ trợ người vay bị COVID-19 ‘ăn mòn’ thu nhập

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:42, 09/07/2020

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, thời gian qua, dịch bệnh đã khiến nhiều người mất hoặc giảm mạnh thu nhập, dẫn đến khả năng trả nợ vay thêm khó khăn. Các công ty tài chính nên có các biện pháp hỗ trợ như gia hạn thời gian trả nợ, giảm lãi suất, khoanh nợ… cho người vay.
Nhiều người mất thu nhập vì đại dịch, dẫn đến khó khăn trong trả nợ vay - Ảnh minh họa

Thị trường màu mỡ, tiềm năng

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam đều được đánh giá là một mảnh đất màu mỡ. Theo đó, các công ty tài chính có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng cho nhiều tầng lớp dân cư khi họ không tìm đến kênh ngân hàng.

Do đó, ở nhiều quốc gia, hình thức này phát triển khá mạnh. Ở Việt Nam, thị trường này cũng mới phát triển tầm 10 năm trở lại đây và đang ngày càng nở rộ do nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng tăng lên, thu nhập của người dân trong xã hội cũng tăng cao.

Theo ông Thịnh, trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ phát triển hệ thống này vì ngân hàng không đi sâu đi sát được đến từng người dân như các công ty tài chính. “Để những người gặp khó khăn, hộ gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ… tiếp cận được nguồn vốn, thì họ thông qua các công ty tài chính này nhiều hơn”.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Đồng quan điểm, chia sẻ với Một Thế Giới, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cũng cho rằng hiện nay rất nhiều người làm kinh doanh tự do, không thể chứng minh tài sản đảm bảo để vay tín chấp với ngân hàng, ví dụ như bảng lương, giấy tờ đứng tên đồng hồ điện nước. Tuy nhiên, họ chỉ cần những khoản để mua những hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu trước mắt. Đó có thể là chiếc xe máy để đi lại hoặc cái ti vi, tủ lạnh hoặc nhu cầu chữa bệnh...

“Những người này đều không có khả năng thanh toán trọn gói cho những món hàng mà mình muốn mua, cũng không có đủ tài sản để đáp ứng thủ tục vay của ngân hàng. Chính sự xuất hiện của các công ty tài chính như là cứu tinh đối với họ với thủ tục nhanh, gọn… Do đó, chúng ta cũng không thể phủ nhận mặt tích cực của những công ty này”, ông Bình nói.

Lãi suất cao quá thì thành… tín dụng đen

Liên quan đến vấn đề lãi suất, ông Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, việc xem xét, đòi hỏi tài sản thế chấp cũng như khả năng thu hồi nợ của các công ty tài chính này thông thoáng hơn ngân hàng, nên rủi ro sẽ cao hơn.

“Chính vì rủi ro cao hơn sẽ đi đôi với việc lãi suất cao hơn. Đây cũng là tính 2 mặt của công ty tài chính. Tuy nhiên, thực tế, các quy định của ngân hàng nhà nước vẫn được áp dụng với tất cả các tổ chức tín dụng. Còn mức lãi suất bao nhiêu còn phải theo quy định của Chính phủ. Nếu mức lãi suất của các công ty này cao quá mức quy định thì sẽ bị thanh tra, kiểm tra và xử lý”, ông Thịnh nói.

Theo chuyên gia này, ở nhiều quốc gia, họ không quan trọng vấn đề này vì đó là thỏa thuận. Người vay đọc hợp đồng, nếu đồng ý thì ký vào vay. Ở Việt Nam thì có quy định về lãi suất, nếu lãi suất quá cao thì đó là tín dụng đen.

Cũng nói với Một Thế Giới, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng cần tăng tính cạnh tranh trên thị trường tài chính tiêu dùng bằng cách cấp phép thêm cho các công ty đủ năng lực hoạt động.

Theo đó, lãi suất trên thị trường sẽ có tính cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng, góp phần làm lành mạnh thị trường cho vay tiêu dùng; xử phạt nghiêm các công ty hoạt động vi phạm pháp luật, xử lý hình sự các dối tượng đe dọa tính mạng, sức khỏe, hủy hoại tài sản, bảo đảm tính răn đe.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Về vấn đề này, ông Đinh Trọng Thịnh cho biết trước đây Việt Nam cũng cho thành lập công ty tài chính tương đối dễ, sau nhận thấy nhiều công ty không có điều kiện hoạt động vì tín dụng tiêu dùng thời đó cũng chưa phát triển lắm.

“Việc quản lý cũng lơi lỏng vì các công ty tài chính này lỗ, rồi họ nhắm mắt làm ngơ cho một số hiện tượng này kia, gây ra ung nhọt, nên sau này siết chặt lại việc thành lập các công ty tài chính”, ông Thịnh nói và cho rằng nếu không phát triển các công ty tài chính thì sẽ có những công ty tài chính chui, tín dụng đen, lãi suất vô tội vạ, làm rối loạn thị trường tài chính tiền tệ.

Thu hồi nợ kiểu “khủng bố, đe dọa” tràn lan

Theo ông Trần Minh Hùng, thực tế vừa qua tình trạng nhắc nợ, đòi nợ mang tính “khủng bố”, đe dọa sức khỏe, tính mạng khách hàng và người thân khách hàng diễn ra tràn lan. Ví dụ: gọi điện thoại lúc 1 - 2 giờ sáng hay đăng lên Facebook, đòi nợ người thân hay bạn bè của người đi vay, đe dọa sẽ “xử lý” nếu không thanh toán nợ...

“Đây là các hình thức vi phạm đến quyền riêng tư, cũng như không đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng, đe dọa xâm phạm tính mạng người khác, ảnh hưởng tâm lý cuộc sống, công việc của những người bị đe dọa”, ông Hùng nói.

Theo luật sư này, Nghị định số 96 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã quy định: “cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện đòi nợ không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng các phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng”.

Tuy nhiên, các chủ nợ thường nghĩ đến và hướng tới là dùng hành vi bạo lực hoặc đe dọa dùng bạo lực để đòi tiền hoặc thậm chí chỉ để “dằn mặt” khách hàng dẫn đến các hành vi liều lĩnh, vi phạm pháp luật.

Ông Hùng cho biết, theo quy định của pháp luật dân sự, chủ nợ có quyền mua bán quyền đòi nợ hoặc chuyển giao quyền đòi nợ cho chủ thể khác. Trong đó, đối với trường hợp chuyển giao quyền đòi nợ thì chủ nợ buộc phải thông báo cho người nợ theo quy định tại Điều 365 Bộ luật dân sự 2015.

Về nguyên tắc, việc công ty tài chính ủy quyền cho công ty đòi nợ, thu hồi nợ thực hiện dịch vụ này trong phạm vi quyền được pháp luật công nhận là đúng quy định.

Nếu công ty tài chính thuê công ty đòi nợ và dẫn đến hậu quả đáng tiếc thì công ty tài chính không tránh được trách nhiệm. Tuy nhiên, trách nhiệm như thế nào vẫn còn phụ thuộc vào hợp đồng giữa công ty tài chính và công ty đòi nợ và cần điều tra làm rõ vai trò, chức năng của các bên trong việc thu hồi nợ này. Liệu có vai trò giúp sức, chủ mưu hay có tổ chức của các bên trong vụ việc này không.

Người vay tiêu dùng có thể góp ý, phản ánh với công ty về những hành vi trên của nhân viên công ty, trình báo, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật khi thấy tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm kèm theo chứng cứ đến các cơ quan Công an có thẩm quyền.

Bên cạnh việc kiểm soát thu hồi nợ của các cơ quan chức năng còn yếu kém, ông Hùng còn cho rằng các quy phạm pháp luật quy định về xử lý các trường hợp này chưa thật sự đủ để răn đe.

Các công ty tài chính nên hỗ trợ người vay

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, trong quá trình hoạt động, việc thu hồi nợ cũng là một khâu quan trọng của các công ty tài chính. Ngay khâu xét duyệt phải biết người đó như thế nào, khả năng tài chính ra sao, đã vay ở đâu rồi… trên cổng thông tin tín dụng quốc gia. Nếu họ đã vay nhiều nơi, có nhiều nợ xấu thì không nên cho vay tiếp, vì cứ cho vay thì họ rất khó trả được nợ.

Cũng theo ông Thịnh, khi ký hợp đồng vay cần phải nêu rõ phương thức thu hồi nợ như thuê công ty thu hồi nợ hay bán nợ cho một đơn vị thứ 3, để người vay được biết. Nếu làm đúng như thông tư 43 năm 2016 và thông tư 15 năm 2019 thì đã rõ những vấn đề này.

“Việc đòi nợ thuê đã bị cấm nhưng họ vẫn có thể lách bằng cách bán nợ cho bên thứ 3. Các quy định pháp luật về vấn đề này đều có, quan trọng là phải kiểm tra để tuân thủ”, ông Thịnh nêu.

Luật sư Trần Minh Hùng cũng cho rằng, thời gian qua, dịch bệnh đã khiến nhiều người mất hoặc giảm mạnh thu nhập. Do đó, khả năng trả nợ vay tiêu dùng của nhiều người rất mong manh.

“Các công ty tài chính nên có các biện pháp hỗ trợ người vay tiêu dùng như: gia hạn thời gian trả nợ (ví dụ: giảm các khoản tiền trả hàng tháng từ đó kéo dài thời gian trả nợ), Giảm lãi suất của hợp đồng vay đã ký, kéo dài thời hạn trả nợ, khoanh vùng nợ, không tính lãi suất…cho các đối tượng khó khăn, thất nghiệp…vì dịch bệnh”, ông Hùng nói.

Sơn Lam