Vàng tăng dựng đứng lên 56 triệu đồng mỗi lượng, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:51, 24/07/2020

Vừa vượt mốc 54 triệu đồng/lượng chốt phiên hôm qua, mở phiên giao dịch 24.7, giá vàng miếng SJC lại vượt mốc 55 triệu đồng/lượng và chưa đầy hai tiếng sau, vàng lại vọt lên mức trên 56 triệu đồng/lượng.
Các giao dịch mua bán vàng vẫn diễn ra bình thường, không tăng đột biến - Ảnh: Phan Diệu

Giá vàng trong nước tăng từng phút

Vào lúc 9 giờ ngày 24.7, giá vàng SJC tại TP.HCM được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 53,9 triệu đồng/lượng (mua vào) - 55,07 triệu đồng/lượng (bán ra). Đến 9 giờ 30, giá vàng tại đây tăng tiếp lên mức 54,17 triệu đồng/lượng - 55,35 triệu đồng lượng, tức tăng tới 550.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.

Vào lúc 10 giờ, giá vàng miếng SJC tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh. Giá vàng SJC được Công ty SJC niêm yết giao dịch ở mức 54,6 – 56,1 triệu/lượng, tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,3 triệu đồng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước. Cùng thời điểm trên, giá vàng SJC tại DOJI giao dịch ở mức 54,3 – 55,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Tuy nhiên, đến thời điểm 10 giờ 20, giá vàng SJC lại được điều chỉnh lên mức 54,7 – 56,4 triệu/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào 300.000 đồng/lượng ở chiều bán so với 20 phút trước.

Đáng chú ý, giá vàng tăng quá nóng khiến lượng truy cập website các công ty vàng, trong đó có Công ty SJC thường trong tình trạng quá tải. Giá vàng càng lên cao cũng khiến khoảng cách giữa giá mua - bán càng giãn rộng. Hiện tại, khoảng cách giữa giá mua - bán lên đến 1 triệu đồng/lượng.

Như vậy, tính từ đầu tháng 7 đến nay, giá vàng SJC đã tăng hơn 6 triệu đồng mỗi lượng. Sáng 1.7, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 49,15 triệu đồng/lượng (mua vào) - 49,62 triệu đồng/lượng (bán ra) thì nay được điều chỉnh lên mốc trên 56 triệu đồng/lượng.

Trước tình trạng vàng tăng giá như vũ bão, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết giá vàng trong nước đang tăng theo đà của vàng thế giới.

Trong những ngày gần đây, giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, từ mức 1.807 USD/ounce vào ngày 20.7 thì đã lên mức cao nhất 1.888 USD/ounce trong phiên giao dịch chiều ngày 23.7, mức cao kỷ lục trong vòng 9 năm qua. Chỉ riêng trong ngày 23.7, giá vàng quốc tế đã tăng 39 USD/ounce, tương đương mức tăng 2,1% trong ngày.

Nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế tăng cao là do số ca nhiễm COVID-19 không ngừng gia tăng ở nhiều nước, giới đầu tư kỳ vọng các nước đang chịu ảnh hưởng của dịch có thể áp dụng thêm các gói kích thích kinh tế, đặc biệt sau khi EU thông qua gói cứu trợ “lịch sử” trị giá 750 tỉ Euro. Đồng đô la Mỹ cũng đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua. Ngoài ra, trong ngày 23.7, những diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến giá vàng tiếp tục đà tăng mạnh.

Ông Minh nói rằng giá vàng trong nước diễn biến tăng phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế. Giao dịch mua, bán trên thị trường ở mức bình thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng mà còn có hiện tượng một số người dân có xu hướng bán vàng ra khi giá vàng cao.

Trong thời gian tới, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận giá vàng thế giới còn diễn biến phức tạp, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới cũng như diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Do vậy, giá vàng trong nước có thể biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, giá vàng trong thời gian này còn nhiều yếu tố rủi ro.

Giá vàng tăng nhanh hơn dự báo

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 29,7 USD lên 1.871,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 9 trên sàn Comex New York giảm 0,7 USD xuống 1.869,2 USD/ounce. Vào lúc 10 giờ 25, giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 1.888 USD/ounce, vẫn tiếp tục tăng không ngừng nghỉ.

Theo nhiều chuyên gia, giá vàng đang có xu hướng tăng nhanh hơn dự báo của các nhà phân tích. Vàng vẫn đang nhận được hỗ trợ bởi những thông tin cơ bản khi hàng nghìn tỉ USD từ các gói kích thích đang chảy vào nền kinh tế từ nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu, khiến đồng tiền mất giá. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng đã bắt đầu “ngó lơ” làn sóng COVID-19 mới để bắt đầu tiếp tục chạy đua trên các mặt trận khác nhau của thị trường.

Thêm vào đó, các thông tin tích cực khác như lãi suất vẫn tiếp tục giữ mức gần bằng 0 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tỷ lệ lãi suất thực tế thấp, dòng tiền kỷ lục vào các quỹ giao dịch ETF được hỗ trợ bằng vàng và việc gia tăng các khoản đầu tư vào kim loại quý cũng hỗ trợ giá vàng đi lên.

Ngoài ra, địa chính trị cũng đang ảnh hưởng lớn đến giá vàng. Trong đó, đáng chú ý nhất là căng thẳng leo thang lên một cấp độ mới giữa Mỹ và Trung Quốc, khi mới đây Mỹ đã ra lệnh đóng của lãnh sự của Trung Quốc tại Houston.

Hầu hết các chuyên gia, nhà phân tích hay các ngân hàng lớn đều đang có cùng quan điểm vàng sớm muộn cũng sẽ đạt 2.000 USD/ounce và vấn đề chỉ còn là thời gian. Tuy nhiên, vẫn có những dự đoán cho rằng vàng sẽ khó vượt qua mức giá trên.

“Cơn sốt vàng sẽ không có chướng ngại trong đà tăng, nhưng vẫn có khả năng sẽ tụt giảm. Làn sóng tăng giá của vàng sẽ không gặp trở ngại nào trên đường đến mục tiêu 1.920 USD/ounce. Tuy nhiên, việc mua vào quá nhiều sẽ có thể đẩy giá vàng chỉ đạt đến mức 1.920 USD/ounce và không thể tăng cao hơn nữa”, Slobodan Drvenica, người đứng đầu phân tích toàn cầu tại công ty môi giới Windsor nhận định.

Ở quan điểm khác, Sunit Kumar Dixit, một nhà phân tích độc lập về kim loại quý cũng đồng ý về việc giá vàng tiếp tục tăng, nhưng làn sóng vàng tăng giá có thể sẽ không kéo dài. “Không loại trừ việc mua vào quá nhiều có thể đẩy vàng về lại vùng hỗ trợ 1.830 USD/ounce, 1.815 USD/ounce và 1.805 USD/ounce. Nếu không giữ được mức hỗ trợ tiếp theo ở 1.800 USD/ounce, kim loại màu vàng vẫn có khả năng rơi xuống dưới 1.791 USD/ounce và các nhà đầu tư vàng có thể kích hoạt một đợt bán tháo khi giá giảm xuống 1.770 – 1.750 USD/ounce”, ông nói.

Phan Diệu