Taxi Hồng Kông chật vật thay đổi để tồn tại

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 15:45, 01/02/2025

Chiếc taxi màu đỏ là một trong số biểu tượng của đặc khu Hồng Kông. Nhưng giờ đây cánh tài xế taxi phải chật vật thay đổi để tồn tại trong thời đại mới.
Câu chuyện văn hóa

Taxi Hồng Kông chật vật thay đổi để tồn tại

Cẩm Bình 01/02/2025 15:45

Chiếc taxi màu đỏ là một trong số biểu tượng của đặc khu Hồng Kông. Nhưng giờ đây cánh tài xế taxi phải chật vật thay đổi để tồn tại trong thời đại mới.

Khi nửa tá tài xế tụ tập tại một góc phố yên tĩnh của khu Prince Edward, không khí nồng nặc mùi thuốc lá và lời nói tục bằng tiếng Quảng Đông. Đến giờ giao ca nên tài xế ca sáng giao xe cho tài xế ca đêm, đồng thời nộp tiền mặt cho người quản lý (phụ trách thu tiền thuê xe cũng như sắp xếp lịch làm việc). Người quản lý tốt bụng nhắc nhở tài xế cai thuốc lá, tập thể dục.

Có lẽ không có nhiệm vụ nào khó khăn hơn là cố gắng thay đổi thói quen của cánh tài xế taxi Hồng Kông. Thường cáu kỉnh và vội vã, họ làm việc theo phong cách riêng suốt nhiều thập niên - điều phản ánh nhịp sống nhanh điên cuồng ở đô thị hơn 7 triệu dân này.

tai.jpg
Những chiếc taxi màu đỏ cũng là biểu tượng của đặc khu Hồng Kông - Ảnh: The New York Times

Nhưng cánh tài xế đang chịu áp lực phải bắt kịp thời đại. Hành khách sợ chạy ẩu, bị đối xử thô lỗ và nhiều trường hợp sợ phải thanh toán bằng tiền mặt. Phương thức thanh toán này ăn sâu đến mức nhân viên sân bay thường nhắc khách du lịch chuẩn bị trước tiền mặt rồi mới bắt taxi.

Nhằm giảm bớt phàn nàn, và để khôi phục du lịch, mùa hè năm ngoái chính quyền đặc khu phát động chiến dịch kêu gọi tài xế hành xử lịch sự hơn. Giới chức áp dụng hệ thống tính điểm, nếu có hành vi xấu như từ chối chở khách hay tính giá cước cao thì tài xế bị trừ điểm (có thể dẫn đến mất giấy phép hành nghề).

Đầu tháng 12.2024, chính quyền còn đề xuất đến cuối năm 2025 tất cả taxi đều lắp đặt hệ thống thanh toán bằng thẻ tín dụng lẫn thanh toán số, đến cuối năm 2026 lắp camera giám sát.

Đề xuất ấy nhận phải phản ứng mạnh mẽ từ cánh tài xế. Tài xế 75 tuổi Lau Bing-kwan phàn nàn: “Bạn có muốn bị theo dõi mọi lúc không? Chính quyền ra nhiều lệnh quá!”.

Loạt giải pháp mới nếu được áp dụng sẽ kết thúc một kỷ nguyên cũ của ngành taxi từ lâu đã là điều bất thường trong hệ thống giao thông đẳng cấp thế giới ở Hồng Kông. Mỗi ngày hàng triệu người dân di chuyển an toàn trên tàu điện ngầm bóng bẩy và xe buýt hai tầng có máy lạnh chạy đáng tin cậy.

Di chuyển bằng taxi giống như một chuyến phiêu lưu vậy. Khi ngồi vào chiếc Toyota Crown Comfort màu đỏ, bạn có thể chẳng hề được chào đón bởi một tài xế ngoài 60 tuổi. Trước ghế lái là vài chiếc điện thoại di động đôi lúc được dùng để xem định vị GPS, nhưng hầu hết thời gian là để theo dõi kết quả đua ngựa. Không hề có lời xã giao nào cả và hãy chuẩn bị tinh thần! Bạn nên nắm lấy tay cầm và cố gắng không trượt khỏi ghế hành khách màu xanh đen. Trước khi đến đích hãy lấy sẵn tiền mặt mệnh giá nhỏ để tránh làm mất thời gian tài xế.

taxi1.jpg
Di chuyển bằng taxi giống như một chuyến phiêu lưu - Ảnh: The New York Times

Tính cách thô lỗ và mất kiên nhẫn của tài xế phản ánh thực tế cuộc sống khắc nghiệt: họ vất vả mưu sinh với thu nhập ngày càng sụt giảm nên không thể lãng phí thời gian nói lời xã giao. Chẳng hạn tài xế 63 tuổi Lau Man-hung bỏ bữa ăn lẫn giờ giải lao để kiếm đủ khoảng 2.500 USD/tháng, chỉ đủ trang trải sinh hoạt tối thiểu tại một trong số đô thị đắt đỏ nhất thế giới.

“Một số khách rất phiền. Họ thích yêu cầu đi tuyến đường theo ý họ và phải chạy nhanh”, ông Lau chia sẻ.

Lái taxi từng có thu nhập khá, nhưng giờ đây công việc này dần trở nên khó khăn hơn do kinh tế Trung Quốc đại lục suy thoái và Hồng Kông mất dần sức hút với du khách. Nhiều hộp đêm từng rất đông đúc nay lại vắng người. Ngay cả trước suy thoái, cánh tài xế cũng đã gặp khó. Giấy phép hành nghề bị chính quyền hạn chế, lại bị mua bán một cách lỏng lẻo. Nhiều đơn vị taxi chịu tổn thất lớn lúc “bong bóng” đầu cơ đẩy giá giấy phép lên gần 1 triệu USD vỡ tung. Hiện giá chỉ còn khoảng 2/3, đơn vị taxi cùng tài xế tập trung bù đắp tổn thất hơn là cải thiện dịch vụ.

Chris Chan - chủ đời thứ ba của công ty Tin Shing Motors - phải gánh nợ khi mua giấy phép hành nghề giá cao. Để trả nợ, ông cần cho thuê taxi càng nhiều càng tốt, nhưng tìm tài xế chẳng hề dễ dàng. Nhiều tài xế già đi trong khi người trẻ tuổi ngại cực khổ nên không muốn làm. Biên lợi nhuận giảm đi đặc biệt khi phí bảo hiểm vài năm gần đây tăng gần gấp đôi, cộng thêm nền tảng xe công nghệ Uber cướp đi lượng lớn khách.

Mắc xích dưới cùng của ngành chính là tài xế. Khoảng một nửa đều từ 60 tuổi trở lên, nhiều trường hợp chẳng dám nghỉ hưu mà phải cố gắng kiếm 14 USD/giờ mới hòa vốn sau khi trả tiền xăng cùng tiền thuê xe. Đối với họ, tiền mặt trong tay tốt hơn thanh toán điện tử chờ nhiều ngày.

Một số tài xế trẻ chấp nhận thay đổi. Chẳng hạn tài xế 45 tuổi Joe Fong tăng thu nhập bằng cách chia thời gian giữa lái xe cho Uber với chạy taxi cho một đội xe tên Alliance. Ông đồng ý thanh toán điện tử cũng như để Alliance lắp camera giám sát trong xe.

“Tôi không giống tài xế già. Thế giới đã thay đổi, bạn phải chấp nhận”, Fong chia sẻ. Tài xế này dùng một chiếc taxi Toyota chạy cả xăng lẫn điện.

Cẩm Bình