Panama rút khỏi sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 13:03, 04/02/2025

Ngày 3.2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio lên tiếng hoan nghênh quyết định không gia hạn thỏa thuận tham gia sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc vừa được Tổng thống Panama Jose Raul Mulino công bố.
Quốc tế

Panama rút khỏi sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc

Cẩm Bình 04/02/2025 13:03

Ngày 3.2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio lên tiếng hoan nghênh quyết định không gia hạn thỏa thuận tham gia sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc vừa được Tổng thống Panama Jose Raul Mulino công bố.

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Rubio vừa thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên với điểm đến là Panama. Ông chuyển thông điệp từ Tổng thống Donald Trump rằng sự hiện diện mà Trung Quốc thiết lập với kênh đào do quốc gia Mỹ Latinh này quản lý là mối đe dọa và vi phạm Hiệp ước Mỹ - Panama. Tình trạng hiện tại không thể chấp nhận được và nếu không có thay đổi thì Mỹ sẽ thực hiện biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền của mình quy định bởi hiệp ước.

Ngoại trưởng Rubio không nói rõ Panama phải làm gì hay biện pháp mà Mỹ có thể thực hiện. Tuy nhiên, sau cuộc gặp, Tổng thống Mulino thông báo thỏa thuận tham gia BRI không được gia hạn và có thể kết thúc sớm. Thỏa thuận dự kiến hết hạn trong 2 - 3 năm nữa.

2025-02-04-113957.png
Tổng thống Mulino thông báo thỏa thuận tham gia BRI không được gia hạn - Ảnh: X

Trước quyết định trên, Ngoại trưởng Rubio viết trên mạng xã hội X: “Thông báo của Tổng thống Mulino về việc để thỏa thuận tham gia BRI hết hạn là bước tiến lớn cho quan hệ Mỹ - Panama, cho kênh đào Panama tự do và cũng là minh chứng khác cho sự lãnh đạo của ngài Tổng thống Mỹ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia lẫn thịnh vượng của người dân Mỹ”.

Panama là quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên chính thức ủng hộ BRI, không lâu sau khi cắt đứt quan hệ với Đài Loan năm 2017. Kể từ đó ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây không ngừng lớn mạnh.

BRI thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng ở khắp nơi trên thế giới nhưng cũng vướng phải nhiều tranh cãi. Mỹ cáo buộc đây là “ngoại giao bẫy nợ” do Trung Quốc giăng ra. Không ít quốc gia than vãn chi phí quá cao và phải vất vả trả nợ.

Mỹ hoàn tất xây dựng kênh đào dài 82km ngang qua eo đất Trung Mỹ vào năm 1914, đến năm 1999 thì hoàn toàn trao lại con kênh cho Panama theo một hiệp ước mà Tổng thống Jimmy Carter ký kết năm 1977. Tổng thống Trump gọi việc ký kết hiệp ước là “ngớ ngẩn”.

Tuyến vận tải này tạo điều kiện cho 14.000 tàu qua lại mỗi năm, chiếm 2,5% thương mại đường biển toàn cầu và rất quan trọng với hoạt động xuất nhập khẩu của Mỹ. Tổng thống Trump nhiều lần tỏ ý đòi lại kênh đào Panama, thậm chí đầu tháng trước còn nêu khả năng sử dụng sức mạnh quân sự.

Theo Reuters, Trung Quốc không kiểm soát hoặc quản lý kênh đào nhưng hai cảng nằm ở lối vào trên Caribbean cùng Thái Bình Dương do công ty con của tập đoàn CK Hutchison Holdings trụ sở Hồng Kông quản lý. Sức ép từ Tổng thống Trump cũng khiến Tổng thống Mulino phải xét lại hợp đồng trao quyền cho CK Hutchison Holdings vận hành cảng.

Cẩm Bình