Cựu nhân viên kiện Meta vì có 'mô hình độc hại để bịt miệng phụ nữ', bị sếp cũ tấn công tình dục
Thế giới số - Ngày đăng : 16:37, 05/02/2025
Cựu nhân viên kiện Meta vì có 'mô hình độc hại để bịt miệng phụ nữ', bị sếp cũ tấn công tình dục
Một cựu nhân viên vừa đệ đơn kiện Meta Platforms với cáo buộc rằng gã khổng lồ công nghệ Mỹ có "mô hình độc hại trong việc bịt miệng phụ nữ khi họ lên tiếng về các vấn đề".
Kelly Stonelake, cựu giám đốc tiếp thị sản phẩm của Reality Labs (đơn vị thuộc Meta Platforms), đã đệ đơn kiện tại bang Washington (Mỹ). Đơn kiện cáo buộc Meta Platforms có hành vi phân biệt giới tính và cho rằng Kelly Stonelake bị trả đũa vì "phản đối các hoạt động bất hợp pháp và vi phạm chính sách công của Meta".
Meta Platforms (công ty mẹ Facebook và Instagram) từ chối bình luận về vụ kiện.
Reality Labs là bộ phận nghiên cứu và phát triển của Meta Platforms, chuyên tập trung vào công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Đây là đơn vụ đứng sau các sản phẩm như:
Meta Quest – dòng kính VR phổ biến.
Horizon Worlds – nền tảng thế giới ảo (metaverse) của Meta Platforms.
Ray Ban Meta Smart Glasses – kính thông minh kết hợp AI.
Project Aria – dự án phát triển kính AR trong tương lai.
Reality Labs đóng vai trò quan trọng trong tầm nhìn metaverse của Mark Zuckerberg, hướng tới xây dựng không gian kỹ thuật số nơi mọi người có thể tương tác và làm việc trong môi trường thực tế ảo.
Kelly Stonelake gia nhập công ty vào năm 2009, khi Meta Platforms vẫn còn mang tên Facebook. Nội dung đơn kiện cho biết cô đã bị sa thải vào tháng 1.2024 sau một kỳ nghỉ phép vì lý do sức khỏe.
Trong đơn kiện, Kelly Stonelake nói rằng cô từng bị quấy rối tình dục tại công ty và cáo buộc bị một sếp cũ ở Facebook tấn công tình dục.
Đơn kiện cũng cáo buộc Meta Platforms về những vấn đề rộng hơn. Theo đơn kiện, trong tổ chức Horizon Worlds, các nữ nhân viên "cảm thấy tiếng nói của mình ít được coi trọng hơn và sự đối xử phân biệt giới tính được công khai cho phép".
Khiếu nại của Kelly Stonelake nêu rõ rằng vào năm 2022, các nhân viên nữ lên tiếng về những lo ngại cụ thể liên quan đến an toàn, nhưng bị ban lãnh đạo sản phẩm toàn nam của Horizon Worlds phớt lờ.
Cụ thể hơn, đơn kiện cho biết một đồng nghiệp nữ của Kelly Stonelake đã kêu gọi "tạm dừng để cải thiện chất lượng" trước khi mở rộng Horizon Worlds cho thanh thiếu niên. Cô bày tỏ lo ngại rằng sản phẩm chưa có các biện pháp kiểm soát an toàn và kiểm soát của phụ huynh đầy đủ, đồng thời chưa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. Horizon Worlds là game thực tế ảo được chơi bằng kính Meta Quest.
Kelly Stonelake đã báo cáo những lo ngại này lên ban lãnh đạo của Horizon Worlds nhưng sau đó bị loại khỏi các cuộc họp lãnh đạo hàng tuần, theo đơn kiện.
"Tôi là tiếng nói duy nhất trong một căn phòng toàn nam giới, đấu tranh để thay đổi", Kelly Stonelake thổ lộ với trang Insider trong một cuộc phỏng vấn.
Kelly Stonelake chia sẻ với Insider rằng cô đệ đơn kiện không chỉ để bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn nhằm buộc Meta Platforms phải vận hành hoạt động kinh doanh có trách nhiệm hơn và bền vững hơn trong dài hạn.
"Phân biệt đối xử trong lĩnh vực công nghệ không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn là hành vi phản sáng tạo, vô trách nhiệm và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng", Kelly Stonelake tuyên bố.
Cô đang yêu cầu bồi thường tiền lương bị mất, cũng như các khoản bồi thường thiệt hại về tổn thương tinh thần và phí luật sư.
"Vụ kiện này đã được chuẩn bị từ lâu. Khi càng rời xa Meta, tôi càng nhận ra rõ rằng để buộc họ chịu trách nhiệm, tôi cần phải đệ đơn kiện", Kelly Stonelake nhấn mạnh.
Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh Meta Platforms vừa công bố những thay đổi lớn về chính sách kiểm duyệt nội dung và môi trường làm việc.
Vào tháng 1, Meta Platforms đã cập nhật các hướng dẫn về hành vi thù ghét để cho phép tồn tại một số nội dung trước đây bị cấm. Công ty mẹ Facebook, Instagram cắt giảm các sáng kiến về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI), loại bỏ mạng lưới kiểm chứng thông tin của bên thứ ba.
DEI là một khái niệm và chiến lược thường được áp dụng trong các tổ chức và doanh nghiệp để tạo ra một môi trường làm việc đầy đủ sự đa dạng, công bằng trong cơ hội và bao gồm tất cả mọi người.
Các yếu tố trong DEI:
Diversity (đa dạng): Đề cập đến sự đa dạng về chủng tộc, giới tính, tuổi tác, tôn giáo, nền văn hóa, khả năng và các yếu tố khác trong cộng đồng hay môi trường làm việc.
Equity (công bằng): Đảm bảo rằng tất cả mọi người có cơ hội công bằng để phát triển, không phân biệt hoàn cảnh xuất phát và sự công nhận với những người có nhu cầu đặc biệt.
Inclusion (hòa nhập): Tạo ra một môi trường nơi mọi người cảm thấy được chào đón, tôn trọng và có cơ hội tham gia vào các quyết định, hoạt động mà không bị loại trừ.
Các chiến lược DEI được thiết kế để giúp các tổ chức không chỉ tuyển dụng mà còn duy trì một môi trường làm việc tích cực, công bằng và hòa nhập hơn.
Ngay sau khi triển khai những thay đổi này, Giám đốc điều hành Meta Platforms - Mark Zuckerberg đã tham gia podcast của Joe Rogan, nơi ông ủng hộ việc đưa "năng lượng nam tính" (sự quyết đoán, sức mạnh và tính cạnh tranh) vào văn hóa doanh nghiệp.
Joe Rogan là diễn viên hài, người dẫn chương trình podcast, bình luận viên UFC và cựu diễn viên người Mỹ.
"Tôi nghĩ rằng một nền văn hóa tôn vinh sự hiếu chiến một chút cũng có những ưu điểm riêng thực sự tích cực", Mark Zuckerberg nói trên podcast.
Tỷ phú 40 tuổi người Mỹ thừa nhận rằng phụ nữ phải đối mặt với những rào cản mang tính hệ thống trong các hãng công nghệ. Mark Zuckerberg cho rằng các hãng công nghệ đã phản ứng thái quá với vấn đề bất bình đẳng giới, khiến cho "năng lượng nam tính" bị coi là tiêu cực thay vì tìm ra giải pháp cân bằng hơn.
Những thay đổi chính sách này của Meta Platforms diễn ra trong bối cảnh có áp lực và biến động chính trị rộng lớn hơn.
Tờ New York Times đưa tin Mark Zuckerberg đã gặp Stephen Miller (cố vấn của ông Trump) tại Mar-a-Lago cuối năm ngoái. Stephen Miller đã cảnh báo rằng ông Trump sẽ nhắm vào văn hóa DEI tại các công ty như Meta Platforms. New York Times cho biết Mark Zuckerberg đã đổ lỗi cho Sheryl Sandberg, cựu giám đốc vận hành Meta Platforms, về các sáng kiến hòa nhập của công ty.
Mar-a-Lago (ở Palm Beach, bang Florida, Mỹ) là khu nghỉ dưỡng và câu lạc bộ tư nhân được xây dựng vào những năm 1920 bởi nữ doanh nhân giàu có Marjorie Merriweather Post. Ông Trump mua lại Mar-a-Lago năm 1985. Đây hiện vừa là nơi ở cá nhân của ông Trump vừa là câu lạc bộ thành viên dành cho giới thượng lưu, đồng thời tổ chức các sự kiện lớn và cuộc gặp gỡ quan trọng.
Mark Zuckerberg phủ nhận thông tin của của tờ New York Times trên nền tảng Threads, ca ngợi Sheryl Sandberg là "huyền thoại trong ngành". Sau đó, Sheryl Sandberg đã cảm ơn Mark Zuckerberg vì tình bạn của họ.
Một số nữ lãnh đạo cấp cao tại Meta Platforms, gồm cả Naomi Gleit (giám đốc sản phẩm) và Iska Saric (trưởng bộ phận truyền thông của Mark Zuckerberg), lên tiếng bảo vệ ông chủ của mình trên Threads. Trong đó, Naomi Gleit gọi Mark Zuckerberg là "người ủng hộ phụ nữ".
"Tôi từng nghĩ rằng khoảng cách giữa những tuyên bố công khai của Meta Platforms và trải nghiệm thực tế khi làm việc tại đây là một lỗi hoặc sự hiểu lầm cần giải quyết. Bây giờ, tôi tin rằng đó là một chiến lược có chủ đích của Meta Platforms để giữ chân những người giỏi tập trung vào những công việc mà về bản chất có thể gây hại", Kelly Stonelake bình luận.