Cổ phiếu Apple rớt giá do Trung Quốc xem xét điều tra chống độc quyền với chính sách của App Store

Thế giới số - Ngày đăng : 22:50, 05/02/2025

Cổ phiếu Apple giảm 2% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa hôm 5.2 sau khi trang Bloomberg đưa tin chính phủ Trung Quốc đang xem xét khởi động cuộc điều tra chống độc quyền với các chính sách liên quan đến cửa hàng ứng dụng (App Store) và phí của công ty Mỹ.
Thế giới số

Cổ phiếu Apple rớt giá do Trung Quốc xem xét điều tra chống độc quyền với chính sách của App Store

Sơn Vân 05/02/2025 22:50

Cổ phiếu Apple giảm 2% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa hôm 5.2 sau khi trang Bloomberg đưa tin chính phủ Trung Quốc đang xem xét khởi động cuộc điều tra chống độc quyền với các chính sách liên quan đến cửa hàng ứng dụng (App Store) và phí của công ty Mỹ.

Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc sẽ đánh giá các chính sách như mức phí 30% khi mua sắm trong ứng dụng và cấm dịch vụ thanh toán, cửa hàng bên ngoài của Apple.

Các quan chức Trung Quốc đã thảo luận với lãnh đạo Apple và các nhà phát triển ứng dụng như Tencent, ByteDance về những chính sách trên từ năm 2024, theo Bloomberg. Nếu các cuộc đàm phán này thành công, cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc có thể sẽ không mở cuộc điều tra chính thức.

co-phieu-apple-rot-gia-do-trung-quoc-xem-xet-dieu-tra-chong-doc-quyen-voi-chinh-sach-cua-app-store.jpg
Cửa hàng Apple tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Thông tin trên xuất hiện sau khi cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc hôm 4.2 đã mở cuộc điều tra với Google để trả đũa việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế bổ sung 10% với hàng hóa nước này.

Cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc cho biết Google bị nghi ngờ vi phạm luật chống độc quyền của nước này và đã bắt đầu cuộc điều tra theo quy định pháp luật, tập trung vào sự thống trị của Android và ảnh hưởng của hệ điều hành này đến các nhà sản xuất smartphone trong nước như Oppo, Xiaomi.

Các sản phẩm Google bị chặn ở Trung Quốc, gồm cả công cụ tìm kiếm, và doanh thu của công ty Mỹ từ thị trường này chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh thu toàn cầu.

Năm 2017, Google công bố kế hoạch mở một trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) nhỏ tại Trung Quốc, nhưng dự án này đã bị giải tán hai năm sau đó. Hiện Google không tiến hành nghiên cứu AI tại Trung Quốc nhưng vẫn hợp tác với các đối tác nước này, gồm cả các nhà quảng cáo.

Việc Mỹ công bố áp thuế bổ sung 10% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến cả Apple. Phần lớn iPhone được lắp ráp tại Trung Quốc thông qua đối tác Foxconn, Pegatron và Luxshare Precision. Thế nhưng, Apple đã nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình bằng cách sản xuất iPhone tại Ấn Độ.

Apple đang gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc khi Huawei và các công ty địa phương đang làm mưa làm gió tại đây.

Doanh số iPhone tại Trung Quốc trong quý 4/2024 giảm 11% xuống còn 18,51 tỉ USD, so với mức 20,82 tỉ USD cùng kỳ một năm trước, và thấp hơn mức 21,33 tỉ USD mà cuộc khảo sát của Visible Alpha với 5 nhà phân tích. Visible Alpha là nền tảng cung cấp dữ liệu tài chính, phân tích dự báo và nghiên cứu về thị trường chứng khoán, giúp các nhà đầu tư và tổ chức tài chính tiếp cận thông tin chuyên sâu về hiệu suất của các công ty niêm yết.

Tuy nhiên, Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple) cho rằng khoảng 1/2 mức giảm này là do lượng hàng tồn kho thấp hơn.

Tim Cook gợi ý rằng doanh số iPhone tại Trung Quốc có thể phục hồi khi nước này chấp thuận việc triển khai Apple Intelligence (bộ tính năng AI mới). Apple đang đàm phán với các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như ByteDance và Tencent về việc tích hợp các mô hình AI của họ vào iPhone 15 Pro/Pro Max và dòng iPhone 16 được bán tại nước này.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất mà Apple đang đối mặt với sự giám sát chống độc quyền.

Vào tháng 3.2024, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện chống độc quyền quy mô lớn chống lại Apple, khiến cổ phiếu công ty giảm 4% trong ngày hôm đó. Cổ phiếu Apple tiếp tục lao dốc vào năm ngoái sau khi Liên minh châu Âu (EU) phạt công ty 2 tỉ USD vì bị cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh tại khu vực này.

Những người ủng hộ ngành công nghệ hy vọng rằng sự giám sát chống độc quyền tại Mỹ sẽ giảm bớt dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, những động thái gần đây của chính quyền Trump cho thấy các công ty Mỹ có thể không được dễ dàng thực hiện các vụ sáp nhập và mua lại lớn.

Đòn trả đũa ông Trump của Trung Quốc

Hôm 4.2, Trung Quốc đã công bố hàng loạt biện pháp nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ, chỉ vài phút sau khi Mỹ chính thức áp thuế bổ sung 10% lên hàng hóa quốc gia châu Á này.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã đưa PVH Corp (công ty mẹ của thương hiệu Calvin Klein và Tommy Hilfiger) cùng hãng công nghệ sinh học Illumina (Mỹ) vào "danh sách thực thể không đáng tin cậy".

Bộ này tuyên bố PVH Corp và Illumina đã thực hiện "các biện pháp phân biệt đối xử với doanh nghiệp Trung Quốc, gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc".

Những công ty bị đưa vào danh sách đen này có thể phải chịu các khoản phạt và hàng loạt biện pháp trừng phạt khác, gồm cả đóng băng giao dịch thương mại và thu hồi giấy phép lao động của nhân viên nước ngoài.

Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo áp thuế 10% với thiết bị nông nghiệp của Mỹ, có thể ảnh hưởng đến các công ty như Caterpilla, Deere & Co và AGCO, cũng như một số loại xe tải và sedan động cơ lớn nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc.

Điều này có thể áp dụng với cả Cybertruck, mẫu xe bán tải điện mà Tesla (do Elon Musk điều hành) đang quảng bá tại Trung Quốc trong khi chờ phê duyệt quy định để bắt đầu bán hàng.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc phân loại Cybertruck là "xe chở khách" trong một thông báo hồi tháng 12.2024, nhưng thông tin này sau đó đã bị xóa ngay lập tức.

Nếu Cybertruck bị phân loại là xe tải điện, Tesla sẽ phải chịu mức thuế 10% với bất kỳ sản phẩm nhập khẩu nào từ nhà máy của họ tại bang Texas (Mỹ).

Chưa hết, Trung Quốc còn áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu với các khoáng sản quan trọng như vonfram và rutheni, được sử dụng để chế tạo vũ khí và chất bán dẫn.

Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, mức thuế mới với hàng hóa Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 10.2.

Những thông báo trên đánh dấu sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn trước đó chủ yếu giới hạn trong lĩnh vực công nghệ dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, khi ông tìm cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận các loại chip bán dẫn cao cấp.

Vào tháng 12.2024, Trung Quốc tuyên bố mở cuộc điều tra Nvidia về nghi vấn vi phạm luật chống độc quyền của nước này. Đây là động thái được xem như sự trả đũa với các biện pháp hạn chế mới nhất của Mỹ với ngành công nghiệp chip Trung Quốc.

Các sản phẩm Intel tại Trung Quốc cũng bị yêu cầu xem xét an ninh cuối năm ngoái bởi một hiệp hội công nghiệp có ảnh hưởng của nước này. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Intel với doanh thu 15,5 tỉ USD vào năm 2024, chiếm 29% doanh thu toàn cầu.

Tòa án Trung Quốc từng ra phán quyết có lợi cho Apple trong vụ kiện liên quan đến phí App Store

Cuối tháng 5.2024, một tòa án ở thành phố Thượng Hải đã bác bỏ cáo buộc của người tiêu dùng Trung Quốc rằng Apple đang lạm dụng sự thống trị thị trường của mình với mức phí cao trên App Store.

Theo phán quyết hôm 30.5.2024 của Tòa án Sở hữu trí tuệ Thượng Hải, dù Apple có vị trí thống lĩnh thị trường về phân phối ứng dụng iOS ở Trung Quốc nhưng hãng này không lạm dụng quyền lực đó và không tính phí hoa hồng cao một cách bất công.

Vụ kiện được thụ lý vào năm 2021 bởi cá nhân tên Jin Xin. Người này tuyên bố rằng một số phí thành viên ứng dụng trên iPhone cao hơn trên smartphone Android vì khoản hoa hồng 30% mà Apple tính cho các nhà phát triển ứng dụng.

Tòa án Sở hữu trí tuệ Thượng Hải cho biết, sau khi so sánh phí hoa hồng trên các cửa hàng ứng dụng, họ không thấy phí của Apple cao hơn đáng kể so với trên nền tảng Android và không có bằng chứng nào cho thấy khoản phí này trực tiếp dẫn đến giá cao hơn cho người tiêu dùng.

Sau khi thua kiện, đại diện của nguyên đơn Jin Xin định nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc.

Wang Qiongfei, nhà sáng lập của hãng luật Kinding Law Firm, viết trong bài đăng trên blog rằng họ “tin tưởng chắc chắn” rằng các hoạt động của Apple đã cấu thành hành vi lạm dụng vị thế thống trị thị trường, xâm phạm quyền lựa chọn và các giao dịch công bằng của người tiêu dùng Trung Quốc.

Wang Qiongfei viết: “Các hoạt động của Apple cũng làm tăng chi phí hoạt động cho các công ty Trung Quốc và làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp internet Trung Quốc”.

Apple bị truất ngôi vương smartphone và trải qua năm tồi tệ nhất ở Trung Quốc

Apple bị truất ngôi là hãng smartphone lớn nhất Trung Quốc vào năm 2024 ở Trung Quốc sau khi doanh số hàng năm giảm 17%, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Canalys.

Đây là mức giảm doanh số iPhone hàng năm lớn nhất từ ​​trước đến nay của Apple tại Trung Quốc do sự sụt giảm cả bốn quý năm 2024. Trong quý 4/2024, doanh số iPhone của Apple ở Trung Quốc giảm đến 25%.

Trong cả năm 2024, Vivo chiếm 17% thị phần và đứng đầu tại Trung Quốc, tiếp theo là Huawei với 16% và Apple với 15%. Điều này cho thấy áp lực cạnh tranh ngày càng tăng mà Apple phải đối mặt từ các công ty nội địa tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng là một trong những thị trường smartphone lớn nhất với Apple.

Sự sụt giảm này cũng cho thấy việc thiếu Intelligence trong iPhone 15 Pro và dòng iPhone 16 ở Trung Quốc đang làm giảm sức cạnh tranh của Apple.

"Đây là kết quả kinh doanh hàng năm tệ nhất của Apple tại Trung Quốc. Vị thế trên thị trường smartphone cao cấp của Apple đang đối mặt với nhiều thách thức: Việc Huawei liên tục tung ra các dòng máy cao cấp, sự phổ biến của các dòng điện thoại gập nội địa ở phân khúc giá cao, những thương hiệu Android như Xiaomi và Vivo xây dựng lòng trung thành của người dùng thông qua đổi mới công nghệ", nhà phân tích Toby Zhu thuộc Canalys cho biết.

Trước đó, Apple đã có bốn năm tăng trưởng ổn định sau khi chính quyền Trump đưa Huawei vào danh sách thực thể năm 2019, hạn chế quyền tiếp cận công nghệ Mỹ của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.

Thế nhưng, Huawei đã có sự trở lại mạnh mẽ ở phân khúc smartphone cao cấp kể từ tháng 8.2023, khi tung ra những máy mới với chipset tiên tiến được SMIC sản xuất tại Trung Quốc. SMIC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 Trung Quốc.

Huawei đã công bố mức tăng 24% về doanh số smartphone trong quý 4/2024.

Apple đã thực hiện các đợt giảm giá hiếm hoi để kích thích doanh số iPhone. Công ty đã tung ra chương trình khuyến mãi kéo dài bốn ngày tại Trung Quốc từ ngày 4 đến ngày 7.1, giảm giá tới 500 nhân dân tệ (68,50 USD) cho các mẫu iPhone 16 thông qua các kênh chính thức của mình.

Các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc cũng làm theo với chương trình khuyến mãi riêng. Trong đó, nền tảng Tmall của Alibaba thông báo giảm giá tới 1.000 nhân dân tệ (khoảng 137 USD) cho dòng iPhone 16.

Trong 5 nhà cung cấp smartphone hàng đầu Trung Quốc, Xiaomi (chủ yếu tập trung vào phân khúc giá rẻ) đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất về doanh số là 29% ở quý 4/2024, còn Oppo và Vivo lần lượt đạt mức tăng trưởng 18% và 14%, theo dữ liệu của Canalys.

Tổng doanh số smartphone tại Trung Quốc trong năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 285 triệu chiếc.

Sơn Vân