Vì sao chuột ngày càng hoành hành tại đô thị?

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 10:19, 10/02/2025

Có câu nói là ở một thành phố lớn, bạn không bao giờ cách xa một con chuột quá 1 mét. Đây là một kiểu giai thoại đô thị được mô tả thậm xưng, nhưng các nhà khoa học đang cảnh báo rằng các thành phố trên toàn cầu đang trở nên nhiều chuột hơn, và sự bùng nổ này chủ yếu do một yếu tố: biến đổi khí hậu.
Kiến thức - Học thuật

Vì sao chuột ngày càng hoành hành tại đô thị?

Anh Tú {Ngày xuất bản}

Có câu nói là ở một thành phố lớn, bạn không bao giờ cách xa một con chuột quá 1 mét. Đây là một kiểu giai thoại đô thị được mô tả thậm xưng, nhưng các nhà khoa học đang cảnh báo rằng các thành phố trên toàn cầu đang trở nên nhiều chuột hơn, và sự bùng nổ này chủ yếu do một yếu tố: biến đổi khí hậu.

chuot.jpeg
Trái đất càng ấm, chuột càng xuất hiện nhiều

Giáo sư sinh học Jonathan Richardson từ Đại học Richmond, đã quyết định nghiên cứu xu hướng chuột đô thị sau khi xem các báo cáo trên truyền thông về việc chuột xâm chiếm các thành phố. Theo Giáo sư Richardson, những báo cáo này có xu hướng tập trung vào các địa điểm riêng lẻ và "thường không có nhiều dữ liệu cụ thể”.

Chuột tăng mạnh ở khắp các đô thị lớn trên thế giới

Nhóm của Giáo sư Richardson đã quyết định thay đổi điều đó. Họ đã yêu cầu số liệu thống kê về chuột từ 200 thành phố đông dân nhất nước Mỹ, nhưng chỉ thấy 13 thành phố có dữ liệu đủ dày và chi tiết mà họ cần. Để có phạm vi địa lý rộng hơn, các nhà nghiên cứu cũng đã đưa vào ba thành phố quốc tế: Toronto, Tokyo và Amsterdam. Dữ liệu được thu thập có độ dài trung bình 12 năm và gồm cả các báo cáo về việc nhìn thấy chuột, bẫy và kiểm tra chuột.

Theo công trình của họ, được công bố vào thứ sáu trên tạp chí Science Advances, nghiên cứu này cho thấy "xu hướng gia tăng đáng kể" về số lượng chuột ở 11 trong số 16 thành phố. Washington DC, San Francisco, Toronto, New York và Amsterdam có mức tăng trưởng lớn nhất. Chỉ có ba thành phố chứng kiến ​​chuột suy giảm: New Orleans, Louisville và Tokyo.

Nghiên cứu liên kết sự gia tăng của chuột với một số yếu tố, chẳng hạn như mật độ dân số cao và lượng thảm thực vật đô thị thấp, nhưng tác động chủ yếu là nhiệt độ trung bình ấm hơn.

Giáo sư Richardson cho biết chuột là loài động vật có vú nhỏ và bị hạn chế bởi cái lạnh. Nhiệt độ ấm hơn, đặc biệt là vào mùa đông, giúp chúng có thời gian kiếm ăn bên ngoài lâu hơn và quan trọng là có thời gian sinh sản nhiều hơn trong năm.

Michael Parsons, một nhà sinh thái học thực địa đô thị và chuyên gia về chuột hoang dã nhưng không tham gia vào nghiên cứu. Parsons cho biết khí hậu ấm hơn cũng có thể kéo dài mùa sinh trưởng, cung cấp cho chuột nhiều thức ăn hơn cũng như thảm thực vật để ẩn náu. Ông khẳng định: "Ngay cả mùi thức ăn và rác cũng có thể bay xa trong thời tiết ấm hơn".

Số lượng chuột đang gia tăng là một vấn đề lớn đối với các thành phố. Chuột đục khoét cơ sở hạ tầng, phá hoại thực phẩm và có thể gây hỏa hoạn bằng cách gặm dây điện. Theo báo cáo, chúng gây ra thiệt hại ước tính 27 tỉ USD mỗi năm tại nước Mỹ.

Chúng cũng là mối nguy hại cho sức khỏe. Chuyên gia về dịch hại tại Đại học Cornell, Matt Frye cho biết: "Chuột liên quan đến hơn 50 tác nhân gây bệnh ảnh hưởng đến con người", chúng truyền vi rút qua nước tiểu, phân, nước bọt, ổ, vật liệu và ký sinh trùng. Một số trong số này có thể nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh leptospirosis, còn gọi là bệnh Weil, có thể gây tổn thương thận và gan, thậm chí tử vong nếu không được điều trị.

Giáo sư Richardson cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chuột có "tác động rất lớn đến sức khỏe tâm thần" đối với những người sống xung quanh chúng.

Con người rất khó đối phó chuột

Trong số những thành phố có nhiều chuột nhất được xác định trong nghiên cứu, thủ đô Washington DC vẫn nổi bật hơn cả. Nơi đây có tốc độ tăng trưởng quần thể chuột cao gấp 1,5 lần so với New York. Dấu hiệu phát đi tín hiệu đáng ngại về vấn đề về chuột ở DC là một lỗ thủng do thùng rác bằng nhựa cứng bị nhai. Gerard Brown, người điều hành chương trình kiểm soát loài gặm nhấm của DC, cho biết: "Cách duy nhất để bạn có thể chống chuột trong thùng rác là không cho thức ăn vào đó".

Năm ngoái là năm nóng nhất trong lịch sử của DC và đó là tin xấu cho những nỗ lực kiểm soát chuột. Brown hy vọng đợt lạnh vào tháng 12 và tháng 1 sẽ giúp tiêu diệt số lượng chuột. Ông cho biết: "Lạnh đóng vai trò như một kẻ diệt côn trùng tự nhiên".

Brown và các quan chức thành phố khác đã thử nghiệm một dự án thí điểm kiểm soát sinh sản của chuột cách đây vài năm là cho chúng uống thuốc tránh thai. Thế nhưng, họ đã phải từ bỏ sau khi không có kết quả rõ ràng. Họ nhận ra rằng lũ chuột phải uống thuốc tránh thai dạng lỏng hàng ngày thì mới hiệu quả và đó rõ ràng một nhiệm vụ bất khả thi.

Brown cho biết số lượng chuột ở DC có thể cao như vậy là do thành phố khuyến khích người dân gọi điện báo mỗi khi nhìn thấy chuột. Nhà sinh thái học thực địa Parsons cho biết các báo cáo công khai về chuột rất hữu ích nhưng có thể bị sai sót. Ông cho biết mọi người thường chỉ gọi điện báo khi họ nhìn thấy điều gì đó "bất thường" chứ không phải khi dự kiến ​​có chuột ở bất kỳ khu vực nào.

Parsons cho biết thêm rằng rất khó để xác định chính xác số lượng chuột ở thành thị. Lý do là: "Chuột nhỏ, khó nhận biết và thường hoạt động về đêm".

Còn Giáo sư Richardson cho biết số lượng chuột cao ở một số thành phố không phải vì lỗi của chính quyền trong việc giải quyết vấn đề này, nhưng các nỗ lực giảm thiểu chuột thường không được tài trợ đầy đủ.

Ông cho biết có thể rút ra bài học từ ba thành phố trong nghiên cứu đã giảm số lượng chuột. Ông cho rằng thành công của họ là nhờ các chiến dịch thông báo cho người dân cách tránh thu hút chuột và sử dụng các nguồn lực của thành phố để hỗ trợ.

Giáo sư Richardson cũng cảnh báo chính quyền các thành phố tránh xa biện pháp kiểm soát kiểu tiêu diệt, "vì biện pháp này chỉ phản ứng với các ổ dịch đã có sẵn". Thay vào đó, ông khuyến khích suy nghĩ nhiều hơn về cách ngăn chuột tiếp xúc với nguồn thực phẩm mà chúng dựa vào để sinh tồn, chẳng hạn như không vứt đồ ăn thử, ngăn chúng tiếp cận khu rác thải...

Richardson cho biết những phát hiện này là lời cảnh tỉnh về thách thức mà loài chuột có thể gây ra trong một thế giới ấm hơn. "Nếu bạn không kiểm soát được điều này, tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Bạn không muốn giống như Sisyphus đẩy tảng đá lên đồi". (Trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphus là vị vua của Ephyra. Ông đã bị trừng phạt vì sự xảo quyệt và gian dối của bản thân bằng cách buộc phải lăn một tảng đá khổng lồ lên đồi. Tảng đá này sẽ tự lăn xuống mỗi khi nó gần đến đỉnh, bắt Sisyphus phải lặp lại việc lăn đá cho đến muôn đời. Qua ảnh hưởng cổ điển về văn hóa hiện đại, công việc mà vừa mất thời gian vừa vô ích do đó được mô tả như Sisyphus)

Tại DC, Brown cho biết ông lạc quan về cuộc chiến của thành phố trong việc kiểm soát chuột. Brown kết luận: "Không ai trên thế giới nghĩ rằng chúng ta sẽ hoàn toàn loại bỏ được chuột, nhưng chúng ta có thể giảm chúng xuống mức có thể kiểm soát được. Mục tiêu là kiểm soát và giảm thiểu".

Anh Tú