Bến Tre: Mượn tách hộ để làm hồ sơ phân lô bán nền đất nông nghiệp
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 16:38, 08/12/2018
Sai phạm hơn 10 năm, chưa một lần xử phạt!
Trước đó, ngày 7.12, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Bến Tre khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu Lê Thị Nghĩa Nhân, đơn vị H.Châu Thành, đã chất vấn và tranh luận gay gắt với lãnh đạo 2 sở Xây dựng và TN&MT về thực trạng có rất nhiều tổ chức, cá nhân đã mượn danh nghĩa chủ đất có nhu cầu tách thửa do tách hộ, nhưng thực chất để phân lô bán nền đất nông nghiệp.
Điều này gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự địa phương, cũng như định hướng quy hoạch có hiệu quả trong thời gian tới. Do đó, đại biểu Nghĩa Nhân yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cho biết việc áp dụng pháp luật ra sao đối với các tổ chức, cá nhân khi họ đã bán “buông tay” các lô, nền không đúng quy định về sử dụng đất…
Nếu phạt người mua đất thì cũng phải phạt doanh nghiệp, cá nhân chủ động phân lô, bán nền không đúng quy định pháp luật - Ảnh: Thanh Bắc
Ông Đoàn Công Dũng - Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận việc phân lô bán nền đất nông nghiệp trong thời gian qua đã gây ra những hệ lụy xã hội ngày càng nghiêm trọng hơn. Cụ thể, tại nhiều địa phương đã phát sinh rất nhiều bức xúc khiếu nại, thậm chí khởi kiện do ô nhiễm cục bộ do quá trình san lấp không đồng bộ, rác thải, nước thải sinh hoạt; hạ tầng điện, nước không đảm bảo; tranh chấp lối đi.
Tại một số lô đã xảy ra hiện tượng ngập úng do cốt san nền gây ra; hàng loạt nhà ở xây dựng không pháp gây khó khăn trong quản lý nhà nước về quy hoạch đối với các địa phương.
Đến nay, Sở Xây dựng đã phát hiện tại TP.Bến Tre và H.Châu Thành có trên 6.755 thửa với tổng diện tích trên 990.700 m2 (990,7 ha), là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm đã bị các doanh nghiệp, cá nhân tự ý phân lô, bán nền, xây nhà không phép để kinh doanh nhà ở… và hiện được tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê…
Theo ông Dũng, hình thức phổ biến mà các tổ chức, cá nhân sử dụng để vi phạm là mua lại đất từ các cá nhân có nhu cầu bán rồi yêu cầu các đơn vị đo đạc tách thửa theo ý mình để kinh doanh bất động sản (chủ yếu bán nền hoặc xây nhà để bán). Trường hợp nếu chính quyền địa phương quản lý nghiêm thì “cò đất” nhờ chủ đất làm hồ sơ tách thửa do phải tách hộ cho con, cháu…
Ông Nguyễn Văn Chinh - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết, theo quy định Quyết định 38 của UBND tỉnh ban hành vào tháng 9.2018 về “Quy định diện tích tối thiểu tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Bến Tre” thì đối với đất ở tại xã có diện tích tối thiểu phải là 50 m2, thị trấn là 40 m2 và phường là 36 m2.
Tương tự, đất nông nghiệp phải đảm đủ diện tích tối thiểu 500 m2 tại khu vực xã, 300 m2 tại khu vực thị trấn và phường. Ngoài ra, đối với diện tích đất ở sau khi tách phải có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất tối thiếu phải đủ 4 m.
“Các diện tích đã tách thửa như thống kê trên không những vi phạm về quy định sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013 và các quy phạm pháp luật hiện hành khác mà hầu hết các thửa sau khi tách đều vi phạm Quyết định 38 về quy định diện tích tối thiểu tách thửa của UBND tỉnh.
Nhưng đến nay vẫn chưa xử phạt trường hợp nào liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, nếu có xử lý trách nhiệm thì sẽ xử lý người mua đất do việc cố tình mua khi biết đó không phải là đất có thể xây cất nhà ở”, ông Chinh nói.
Ai chịu trách nhiệm?
Vẫn theo ông Chinh, để xảy ra việc tách thửa tràn lan không đúng mục đích sử dụng như trên thì trách nhiệm này trước hết thuộc về UBND các cấp. Còn hậu quả của việc này trước hết là làm thất thu ngân sách nhà nước lớn, còn về lâu dài sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc quy hoạch sử dụng đất.
“Theo tôi nên nghiên cứu thêm xem có thể “hồi tố” trách nhiệm đối với những doanh nghiệp, cá nhân chủ động phân lô bán nền đất nông nghiệp để trục lợi vì người mua họ vẫn thấy chính quyền địa phương - cụ thể là Văn phòng Đăng ký đất đai, đã cho tách thửa, cấp giấy chứng chứng quyền sử dụng đất cho họ kia mà?”, đại biểu Lê Thị Nghĩa Nhân nêu quan điểm.
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp tự làm đường, phân lô để bán đất - Ảnh: Thanh Bắc
Ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nêu thêm một vướng mắc gây khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp và đó là việc giải tỏa đền bù các dự án đã quy hoạch thường dùng cách lấy giá đất do nhà nước quy định nhân với hệ số K. Nhưng giá trị đất tính bằng cách này thường cao hơn giá mà các cá nhân, tổ chức tự phân lô bán nền nên người mua không sợ lỗ.
Ông Võ Thành Hạo - Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, cho rằng: “Đây là vấn đề lớn chứ không phải nhỏ và theo tôi được biết thì UBND tỉnh cũng đã chú ý đến vấn đề này rồi mới ra quyết định ngăn chặn những có nhiều nội dung chưa giải quyết được căn bản vấn đề”.
Theo ông Hạo thì thời gian tới, UBND tỉnh cần tập trung 2 giải pháp để ngăn chặn là vừa tuyên truyền giáo dục pháp luật về đất đai cho người dân vừa nâng cao trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre đề nghị thời gian tới Sở Xây dựng, Sở TN&MT nên thường xuyên mở các đợt thanh tra chuyên ngành về quy hoạch xây dựng, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thường xuyên để các chủ đầu tư, hộ dân bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch.
Thanh Bắc