Mặt trăng của sao Thiên vương là nơi dễ phát hiện đại dương ngoài Trái đất
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 17:45, 12/02/2025
Mặt trăng của sao Thiên vương là nơi dễ phát hiện đại dương ngoài Trái đất
Các khe rãnh trên bề mặt Ariel rất hấp dẫn giới thiên văn. Một số lớp của chúng được chia thành các rãnh song song, đây là một trong những đặc điểm địa chất mới nhất được biết đến có thể nhìn thấy trên mặt trăng của sao Thiên vương.
![ariel.jpeg](https://mtg.1cdn.vn/2025/02/12/ariel.jpeg)
Trong Hệ Mặt trời của chúng ta, không chỉ mỗi Trái đất độc quyền có đại dương. Sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương đều có các vệ tinh mà giới thiên văn cho rằng có thể tồn tại các đại dương lỏng phía dưới các lớp vỏ băng dày.
Những lớp vỏ đó là một vấn đề lớn đối với các nhà khoa học trên Trái đất. Dù con người vô cùng muốn khám phá đại dương lỏng mà họ tin là tồn tại trên các mặt trăng, nhưng lớp băng dày và khoảng cách xa là thử thách chưa thể vượt qua. Tuy nhiên, một mặt trăng có thể tồn tại đại dương đang sẵn sàng ‘mở lòng’. cho chúng ta. Bề mặt của Ariel - mặt trăng của sao Thiên Vương - có nhiều vực sâu và chúng có thể chứa các trầm tích phun ra từ bên dưới.
Trầm tích đó gồm băng carbon dioxide và các trầm tích chứa carbon khác có thể là kết quả của các quá trình hóa học diễn ra bên trong mặt trăng nhỏ này. Nếu đúng như vậy, những khe rãnh đó có thể là một cách để nghiên cứu đại dương bên trong hành tinh này mà không cần phải thực hiện các nỗ lực nghiên cứu phức tạp hơn.
Nhà địa chất hành tinh Chloe Beddingfield thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins cho biết: "Nếu chúng ta giả định đúng, những rãnh này có lẽ là ứng cử viên tốt nhất để tìm ra các trầm tích carbon oxit và khám phá thêm nhiều chi tiết về bên trong mặt trăng. Không có đặc điểm bề mặt nào khác thể hiện bằng chứng tạo điều kiện cho vật liệu di chuyển từ bên trong Ariel. Đó đó khiến phát hiện này trở nên đặc biệt thú vị".
Các khe rãnh trên bề mặt Ariel rất hấp dẫn giới thiên văn. Một số lớp của chúng được chia thành các rãnh song song, đây là một trong những đặc điểm địa chất mới nhất được biết đến có thể nhìn thấy trên mặt trăng của sao Thiên vương. Không rõ chúng xuất hiện ở đó như thế nào, nhưng phần lớn phụ thuộc vào những gì đang diễn ra bên dưới bề mặt của mặt trăng Ariel.
Các nghiên cứu trước đây cho rằng chúng có thể là kết quả của sự tương tác giữa hoạt động kiến tạo và hoạt động núi lửa, nhưng rất khó để xác định cụ thể. Beddingfield và các đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu quan sát và chạy phần mềm mô phỏng hình thành để xem liệu họ có thể phát hiện ra điều gì còn thiếu sót hay không.
Họ đã có thể chứng minh rằng một quá trình cũng diễn ra trên Trái đất có thể là nguồn cơn tạo các dấu vết mà chúng ta thấy trên Ariel. Quá trình đó diễn ra trên các rặng núi lửa trên Trái đất, nơi các phần đáy biển và vật liệu nổi lên từ bên dưới để tạo thành một phần mới của lớp vỏ.
Trên Ariel, quá trình như vậy có thể xảy ra khi vật liệu ấm hơn dâng lên từ bên dưới, chia tách lớp vỏ của mặt trăng trước khi lấp đầy vết nứt mà nó tạo ra. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi họ nối hai cạnh của các vực thẳm của Ariel như thể kéo chúng lại, thì hai mép khớp hoàn hảo. Ngoài ra, các rãnh song song nhìn thấy ở đáy của một số vực thẳm phù hợp với các vật liệu được lắng đọng theo thời gian.
Có một số lý do khiến điều này trở nên thú vị. Trước đây, các mặt trăng của sao Thiên Vương đã bị khóa quỹ đạo vào với nhau, trong đó các chu kỳ quỹ đạo của chúng hình thành các tỷ lệ chính xác được gọi là cộng hưởng. Cộng hưởng quỹ đạo dẫn đến lực đẩy-kéo hấp dẫn tạo ra nhiệt bên trong, tan chảy và đóng băng lại.
Các chu kỳ cộng hưởng như vậy có thể là nguyên nhân thúc đẩy những thay đổi trên bề mặt của Ariel; nhưng chúng cũng có thể tạo ra các đại dương ẩn do ma sát bên trong các mặt trăng sinh nhiệt đủ ấm để duy trì nước mặn dạng lỏng. Các quan sát gần đây từ JWST gợi ý đầy thuyết phục rằng một đại dương như vậy hiện diện trên Ariel.
Nếu đúng như vậy, đại dương có thể chịu trách nhiệm cho băng carbon dioxide nhìn thấy trên bề mặt mặt trăng và trong các vực thẳm của nó. Chỉ có điều,cho đến nay chúng ta có quá ít thông tin để tìm hiểu.
Beddingfield nói:"Kích thước của đại dương có thể tồn tại trên Ariel và độ sâu bên dưới bề mặt của nó chỉ có thể được ước tính. Có rất nhiều điều chúng ta không biết. Và mặc dù băng carbon oxide hiện diện trên bề mặt Ariel, vẫn chưa rõ liệu chúng có liên quan đến các rãnh hay không vì Voyager 2 không có thiết bị có thể lập bản đồ phân bố của băng".
Chúng ta luôn muốn gửi một tàu thám hiểm đến sao Thiên Vương và sao Hải Vương để khám phá 2 hành tinh băng ngoài rìa Thái dương hệ. Hãy thêm các rãnh bí ẩn của Ariel vào danh sách những điều cần xem xét khi điều đó cuối cùng xảy ra.