Lễ hội chùa Tây Phương là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Văn hóa - Ngày đăng : 13:34, 22/02/2025
Lễ hội chùa Tây Phương là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã quyết định đưa "Lễ hội truyền thống hội chùa Tây Phương" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký Quyết định số 324 ngày 19.2.2025 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội truyền thống hội chùa Tây Phương tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Theo sử sách ghi lại Tây Phương cổ tự là ngôi chùa cổ thứ 2 ở Việt Nam sau chùa Dâu Bắc Ninh. Năm 1632, dưới đời vua Lê Thần Tông, chùa xây dựng thượng điện 3 gian và hậu cung cùng hành lang 20 gian. Khoảng năm 1657 - 1682, Tây Đô Vương Trịnh Lạc cho phá đi chùa cũ, xây lại chùa mới và tam quan. Năm 1794, dưới thời nhà Tây Sơn, chùa được trùng tu hoàn toàn và có tên gọi mới là “Tây Phương cổ tự”. Hình dáng bên ngoài và kiến trúc của chùa được giữ lại hoàn toàn như ngày nay.

Trước đó, năm 2014, Chính phủ đã công nhận chùa Tây Phương là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Lễ hội chùa Tây Phương diễn ra vào ngày chính hội là 6.3 Âm lịch hằng năm.
Lễ hội gồm phần lễ và phần hội với các nghi thức dâng lễ, cúng Phật; rước kiệu và diễu hành của phường rối nước; dâng lễ vật của lãnh đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện…
Phần hội có các trò chơi dân gian như: ném còn, đi cà kheo, cây đu; biểu diễn Múa Rối nước, biểu diễn văn nghệ, diễn xướng cồng chiêng; giao lưu vật dân tộc… Bên cạnh đó, còn diễn ra khu vực trưng bày, bán các sản phẩm đặc sản của huyện Thạch Thất.