Từ vụ sản phụ tố bác sĩ tắc trách: Những điều cần lưu ý để bảo vệ thai kỳ
Thông tin Y học - Ngày đăng : 09:15, 23/02/2025
Từ vụ sản phụ tố bác sĩ tắc trách: Những điều cần lưu ý để bảo vệ thai kỳ
Rỉ ối và ối vỡ non không phải là tình trạng hiếm gặp nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng.
Những ngày qua, dư luận xôn xao thông tin gia đình sản phụ Q.A (28 tuổi, quê Bắc Giang) mang thai con đầu lòng, bị dọa sinh non, được chuyển lên Bệnh viện Phụ sản trung ương vào cuối tháng 1 nhưng sau đó phải chuyển viện sau 8 ngày điều trị. Sau đó, em bé chào đời ở tuần thai thứ 26 và mất sau đó 14 ngày.
GS-TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương cho biết, với trường hợp thai phụ này, đây là một ca khó, sản phụ có rỉ ối cùng với dọa sinh non. Đây là vấn đề khó nhất trong sản khoa, không còn gì khó hơn.
Rỉ ối và ối vỡ non là những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, có thể đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Việc nhận biết sớm dấu hiệu, hiểu đúng về nguy cơ và xử lý kịp thời là chìa khóa để bảo vệ thai nhi khỏi những biến chứng không mong muốn.

Nguyên nhân dọa sinh non và rỉ ối
- Ngắn cổ tử cung: Khi cổ tử cung quá ngắn, áp lực từ thai nhi có thể khiến cổ tử cung mở sớm, dẫn đến nguy cơ sinh non. Đây là lý do nhiều sản phụ cần thực hiện khâu vùng cổ tử cung.
- Nhiễm trùng ối: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào túi ối, gây viêm nhiễm, dẫn đến rỉ ối hoặc vỡ ối sớm.
- Đa ối hoặc thiểu ối: Lượng nước ối quá nhiều hoặc quá ít đều có thể gây áp lực lên tử cung và túi ối, làm tăng nguy cơ sinh non.
- Co bóp tử cung quá sớm: Những cơn gò tử cung mạnh có thể dẫn đến sinh non nếu không được kiểm soát tốt.
- Bệnh lý nền của mẹ: Cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, bệnh lý tuyến giáp hoặc các vấn đề về nhau thai cũng có thể dọa sinh non.
Vì sao rỉ ối lại đặc biệt nguy hiểm?
Túi ối là môi trường sống thiết yếu của thai nhi trong suốt thai kỳ. Không chỉ giúp bé hấp thụ dinh dưỡng, nước ối còn đóng vai trò như một lớp "áo giáp" bảo vệ khỏi các tác động bên ngoài và nguy cơ vi khuẩn xâm nhập. Nhưng khi lớp màng ối này bị rách, mọi nguy cơ đều tăng lên đáng kể.
Theo Bệnh viện Từ Dũ, khi túi ối bị vỡ trước 37 tuần thai, tình trạng này được gọi là ối vỡ non. Đây là một trong những vấn đề thường gặp trong sản khoa và là nguyên nhân hàng đầu gây sinh non, nhiễm trùng và tăng tỷ lệ tử vong chu sinh.
Đặc biệt, khi ối vỡ non xảy ra ở tuổi thai càng nhỏ, hậu quả càng nặng nề, từ nhiễm khuẩn, thiếu oxy cho đến các dị tật bẩm sinh.
Khác với ối vỡ ồ ạt, rỉ ối là hiện tượng nước ối rò rỉ ra ngoài âm đạo từng ít một, đôi khi khiến thai phụ nhầm lẫn với dịch âm đạo hoặc nước tiểu. Tuy nhiên, dù là rỉ ối hay ối vỡ non, tất cả đều tiềm ẩn nguy cơ cao cho mẹ và bé nếu không được xử lý đúng cách
Cách phân biệt rỉ nước ối và dịch âm đạo
Trong thời kỳ mang thai, bà bầu có thể cảm thấy mọi thứ đều như đang rò rỉ. Như bàng quang nhanh đầy hơn, bà bầu có thể bị són một ít nước tiểu. Ngoài ra, vào những tháng cuối của thai kỳ, các lớp mô âm đạo cũng sẽ dần sản xuất ra nhiều dịch hơn nhằm hỗ trợ giúp em bé được sinh ra dễ dàng và thuận lợi. Chính vì vậy để xác định dịch chảy ra từ âm đạo là dịch âm đạo hay rỉ nước ối thực sự là điều khó khăn đối với nhiều bà bầu.
Một số đặc điểm nhận biết rò nước ối:
- Dịch chảy ra có màu trắng trong hoặc có chất nhầy hay máu.
- Nước ối không có mùi.
- Rỉ nước ối thường sẽ thấm ướt quần lót.
Dịch âm đạo sẽ có những đặc điểm nhận biết sau đây:
- Dịch âm đạo thường có màu trắng đục hoặc vàng hay xanh.
- Có thể có mùi như mùi tanh.
- Dịch âm đạo chảy ra cũng có thể thấm ướt quần lót.
Khi bị rỉ ối phải làm sao?
Nếu ối bị rỉ lượng nhỏ trong một thời gian ngắn thì đó là hiện tượng sinh lý tự nhiên, nhưng bị rỉ ối trong một thời gian dài cần phải đến bác sĩ thăm khám. Vì vậy cách phòng tránh tốt nhất là:
- Nếu phát hiện có hiện tượng rỉ ối, bà mẹ cần đến khám kịp thời ở các cơ sở y tế bởi khi ối bị rỉ, màng ối sẽ trở nên mỏng hơn và có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Trong trường hợp thai còn nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định uống kháng sinh nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng ối, tiến hành truyền dịch và thuốc để chống những cơ co của tử cung.
- Khi đi khám thai định kỳ cần kết hợp với khám phụ khoa để phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh của phần phụ tránh gây ảnh hưởng đến em bé. Đối với những bà mẹ đã có tiền sử bị viêm phần phụ hay vỡ ối sớm thì cần điều trị dứt điểm bệnh mới được mang thai trở lại.
- Khi đã mắc hiện tượng này, mẹ bầu cần giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ để phòng tránh viêm nhiễm. Không nên quan hệ tình dục, ngâm mình trong bồn tắm quá lâu hay thụt rửa âm đạo.
- Không nên dùng băng vệ sinh thường xuyên vì sẽ gây viêm nhiễm nặng hơn.
- Trong trường hợp chất lỏng có màu xanh lục và tiết ra với lượng nhiều là dấu hiệu cảnh báo em bé đã đi đại tiện phân su trong dạ con. Cần đưa tới cơ sở y tế kịp thời để tránh gặp phải biến chứng về đường hô hấp của em bé.