Kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine có khả thi?

Góc nhìn - Ngày đăng : 19:04, 23/02/2025

Khi Mỹ và Nga thúc đẩy các cuộc đàm phán (cho đến nay vẫn chưa yêu cầu sự tham gia của Ukraine), các nhà lãnh đạo châu Âu đang phát triển một kế hoạch nhằm đảm bảo rằng Moscow không tiến hành một cuộc tấn công mới vào Ukraine.
Góc nhìn

Kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine có khả thi?

Hoàng Vũ 23/02/2025 19:04

Khi Mỹ và Nga thúc đẩy các cuộc đàm phán (cho đến nay vẫn chưa yêu cầu sự tham gia của Ukraine), các nhà lãnh đạo châu Âu đang phát triển một kế hoạch nhằm đảm bảo rằng Moscow không tiến hành một cuộc tấn công mới vào Ukraine.

Sau nhiều tháng thảo luận hậu trường, ý tưởng này ngày càng được đưa ra công khai và có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm Washington trong tuần tới để hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Yahoo News, ông Starmer, người sẽ gặp Tổng thống Trump vào hôm 27.2 tới, đã nhấn mạnh rằng kế hoạch này sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ. Tuy nhiên, việc thuyết phục ông Trump tham gia có thể là một thách thức lớn.

quan-chau-au.png
Quân nhân Đức tham gia cuộc tập trận quân sự Quadriga 2024 tại Lithuania - Ảnh: Reuters

Chi tiết kế hoạch

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mong muốn sự đảm bảo an ninh tốt nhất là tư cách thành viên NATO, nhưng điều này dường như không còn nằm trên bàn đàm phán. Mỹ có vẻ đã loại bỏ triển vọng này, cũng như khả năng giúp Ukraine giành lại 20% lãnh thổ đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Trong bối cảnh không có tư cách thành viên NATO, ông Zelensky đã đề xuất triển khai hơn 100.000 quân châu Âu tại Ukraine để ngăn chặn xung đột tái diễn. Tuy nhiên, theo các quan chức phương Tây, kế hoạch hiện đang được thảo luận không phải là một đội quân gìn giữ hòa bình hoạt động dọc theo tuyến đầu dài 1.000km, mà là một “lực lượng trấn an”.

Theo đề xuất do Anh và Pháp ủng hộ, lực lượng này sẽ có dưới 30.000 binh sĩ châu Âu được triển khai tại Ukraine, không ở gần chiến tuyến mà tập trung tại các cơ sở hạ tầng quan trọng, như nhà máy điện hạt nhân. Lực lượng này sẽ được hỗ trợ bởi không quân và hải quân phương Tây đóng bên ngoài Ukraine, có thể là tại Ba Lan hoặc Romania.

Tuyến đầu sẽ chủ yếu được giám sát từ xa bằng máy bay không người lái và các công nghệ giám sát hiện đại. Các lực lượng không quân, bao gồm cả lực lượng của Mỹ, có thể được triển khai trong trường hợp xảy ra vi phạm lệnh ngừng bắn.

“Sự hỗ trợ của Mỹ là yếu tố quan trọng để đảm bảo Nga không tấn công Ukraine lần nữa”, ông Starmer phát biểu hồi đầu tuần này.

Quan điểm của Mỹ, Nga và châu Âu

Tổng thống Donald Trump từ lâu đã chỉ trích rằng các đồng minh NATO của Mỹ không đóng góp đủ vào an ninh chung, và ông đã nhiều lần kêu gọi châu Âu phải làm nhiều hơn để tự bảo vệ mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã tuyên bố với các đồng minh châu Âu rằng Mỹ sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine, nhưng không loại trừ khả năng hỗ trợ vận tải hàng không hoặc hậu cần.

Tướng Keith Kellogg, đặc phái viên của chính quyền Trump về Ukraine, cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ quyết định nào về triển khai lực lượng sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán hòa bình, vốn vẫn chưa được tiến hành.

Jamie Shea, một cựu quan chức cấp cao của NATO, nhận xét: “Hiện nay, có quá nhiều tín hiệu khác nhau đến từ chính quyền Mỹ. Chúng ta không thể chắc chắn ai mới là người có tiếng nói quyết định cuối cùng”.

Trong khi Ukraine vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức về đề xuất này, Nga đã thẳng thừng bác bỏ kế hoạch. Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov tuyên bố rằng bất kỳ việc triển khai quân đội nào từ các quốc gia NATO, dù không dưới danh nghĩa của liên minh, đều không thể chấp nhận được đối với Moscow.

Về phía châu Âu, Anh, Pháp cùng một số nước Bắc Âu và Baltic có vẻ sẵn sàng tham gia, tuy nhiên, mấy quốc gia khác tỏ ra thận trọng hơn. Ý bị giới hạn bởi hiến pháp, hạn chế việc triển khai quân đội ở nước ngoài, trong khi Hà Lan và một số nước khác yêu cầu quốc hội phê duyệt trước khi triển khai binh sĩ.

Ba Lan đã từ chối gửi quân, với Thủ tướng Donald Tusk tuyên bố rằng nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ hậu cần nhưng không triển khai lực lượng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng cuộc thảo luận này vẫn còn “quá sớm” và nhấn mạnh rằng NATO, chứ không phải một lực lượng châu Âu độc lập, phải là nền tảng đảm bảo an ninh khu vực.

Kế hoạch liệu có khả thi?

Thành công của kế hoạch này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là bản chất của thỏa thuận ngừng bắn giữa Ukraine và Nga. Với 600.000 binh sĩ Nga hiện diện ở Ukraine, các nhà phân tích cảnh báo rằng nếu thỏa thuận ngừng bắn không ràng buộc được Moscow rút quân, thì nguy cơ chiến tranh tái diễn là rất cao.

Hơn nữa, châu Âu gặp khó khăn trong việc huy động đủ lực lượng khi quân đội Pháp chỉ có hơn 200.000 binh sĩ, Anh có chưa đến 150.000 quân, và các nước châu Âu sẽ phải xoay xở để triển khai một lực lượng có khả năng duy trì lâu dài, đặc biệt nếu cần luân phiên trong nhiều năm.

Michael Clarke, giáo sư nghiên cứu chiến tranh tại King's College London (Anh), lưu ý rằng lực lượng gìn giữ hòa bình ở Síp và Lebanon đã duy trì trong hàng chục năm. Ông nhận định: “Nếu lực lượng này thành công, nó sẽ tồn tại ít nhất 20 - 30 năm. Nếu không, nó có thể tan rã thành chiến tranh chỉ trong vòng hai năm”.

Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Dovile Sakaliene cho rằng châu Âu cần phải tăng cường sức mạnh quân sự ngay bây giờ nếu muốn thực sự đảm bảo an ninh.

“Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi. Hiện tại, họ có gấp ba lần nhân lực so với Ukraine và ngành công nghiệp quốc phòng của họ đang phát triển nhanh hơn châu Âu. Liệu ai đó thực sự tin rằng Nga chỉ nhắm đến Ukraine? Nếu chúng ta muốn đảm bảo an ninh, chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ”, bà Sakaliene nói.

Kế hoạch triển khai lực lượng châu Âu tại Ukraine là một bước đi quan trọng nhưng đầy thách thức. Dù có sự ủng hộ từ Anh và Pháp, việc thực hiện kế hoạch này vẫn phụ thuộc vào quan điểm của Mỹ, khả năng điều động lực lượng của châu Âu, và kết quả của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Nga.

Hoàng Vũ