Kịch bản nào về khả năng Mỹ áp thuế đối với Việt Nam?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:09, 24/02/2025
Kịch bản nào về khả năng Mỹ áp thuế đối với Việt Nam?
Theo TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, với quan điểm thương mại quốc tế phải cân bằng và công bằng hơn và quan sát một số quyết sách gần đây của Tổng thống Donald Trump, khả năng Việt Nam bị áp thuế có thể phải tính đến.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng hóa thứ 8 của Mỹ (tổng kim ngạch hai chiều năm 2024 là 149,7 tỉ USD - chiếm 2,8% tổng giá trị thương mại hàng hóa của Mỹ); đứng thứ 6 về xuất khẩu sang Mỹ (136,6 tỉ USD, chiếm 4,2% tổng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ), đứng thứ 3 về xuất siêu sang Mỹ (123,5 tỉ USD) năm 2024.
Theo TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu BIDV, với quan điểm thương mại quốc tế phải cân bằng và công bằng hơn và quan sát một số quyết sách gần đây của Tổng thống D. Trump, khả năng Việt Nam bị áp thuế có thể phải tính đến.
Nhóm nghiên cứu đánh giá khả năng Việt Nam có thể bị áp thuế theo 3 kịch bản:
Kịch bản 1 (kịch bản cơ sở, xác suất 50%): Mỹ có thể áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam bằng với mức mà Việt Nam đang áp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ (theo chính sách thuế "đối ứng/có đi có lại").
Theo đó, Mỹ có thể tăng thuế bình quân đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam từ mức 2,2% (theo phương pháp tính thuế bình quân gia quyền) lên mức 5,1% (là mức mà Việt Nam đang áp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ), theo WTO.
Khi đó, số tiền thuế tăng thêm ước tính sẽ khoảng 4 tỉ USD, là một con số không nhỏ, trừ khi Việt Nam chủ động giảm thuế đối ứng cho hàng nhập khẩu từ Mỹ (khi đó, số tiền thuế giảm ước tính sẽ là 0,53 tỉ USD, với giả định nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam năm 2025 tăng khoảng 20%).
Thời điểm áp thuế đối ứng thế này (nếu có) sẽ khó có thể diễn ra ngay vì Mỹ cần tính toán với hơn 200 đối tác toàn cầu và rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, thời gian có thể sớm hơn đối với các nước đang áp mức thuế đối ứng cao hơn nhiều so với Mỹ (như Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil…).

Kịch bản 2 (tiêu cực, xác suất 25%): Mỹ có thể áp mức thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (thay vì mức 3,3% bình quân giản đơn hay 2,2% bình quân gia quyền như hiện nay), tương tự như nhiều quốc gia khác như Tổng thống Trump đã từng tuyên bố.
Khi đó, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ có thể giảm khoảng 3 - 5% năm 2025 xuống mức tăng 15 - 17% (từ mức tăng khoảng 20% hiện tại sang thị trường Mỹ), các thị trường xuất khẩu khác chưa kịp chuyển hướng được ngay, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm khoảng 1,5 - 2 điểm % và tăng trưởng GDP có thể giảm khoảng 0,2 - 0,3 điểm % năm 2025 (năm sau có thể giảm nhiều hơn do thời gian dài hơn, đủ 12 tháng thay vì 9 tháng như năm nay với kịch bản mức thuế 10% này bị tính từ đầu quý 2/2025).
Kịch bản 3 (tích cực, xác suất 25%): Mỹ không áp thêm thuế hoặc chỉ áp thuế cao hơn đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam (như thép, nhôm…) với mức tương tự như các quốc gia khác. Khi đó, Việt Nam sẽ cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa cùng loại của các nước; có thể tận dụng được một số cơ hội như nêu trên để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu đã đề ra.
Nhóm nghiên cứu cho rằng Việt Nam cần chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, tăng cường các kênh đối ngoại. Ngoài ra, cần kiên định đa dạng hóa thị trường, đối tác, sản phẩm; tận dụng tốt hơn 17 FTA đã ký kết.
Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội gia tăng thị phần (dù ít ỏi), đặc biệt là những ngành Việt Nam có thế mạnh như điện tử, dệt may, da giày, thủy sản, gỗ... với điều kiện tăng khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định. Các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc, minh bạch hóa trong việc sử dụng các nguyên liệu bán thành phẩm và thành phẩm từ Trung Quốc cũng như các quốc gia đang bị Mỹ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để hạn chế nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, phòng vệ thương mại...; tăng cường quản lý, lưu trữ chứng từ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, sản phẩm để minh bạch thông tin về nguồn gốc xuất xứ; đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng…