Starlink của Elon Musk gặp thách thức từ Trung Quốc và Jeff Bezos để duy trì vị trí thống trị internet vệ tinh
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 16:11, 24/02/2025
Starlink của Elon Musk gặp thách thức từ Trung Quốc và Jeff Bezos để duy trì vị trí thống trị internet vệ tinh
Mạng lưới liên lạc Starlink của Elon Musk đang đối mặt với những thách thức ngày càng gay gắt trong việc duy trì vị trí thống trị internet vệ tinh tốc độ cao trước một đối thủ do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn và dịch vụ khác được tài trợ bởi Jeff Bezos - người sáng lập Amazon.
SpaceSail (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc) vào tháng 11.2024 đã ký một thỏa thuận để tiến vào Brazil và thông báo rằng đang đàm phán với hơn 30 quốc gia. Hai tháng sau, SpaceSail bắt đầu hoạt động tại Kazakhstan, theo Đại sứ quán Kazakhstan tại Bắc Kinh.
Chính phủ Brazil cũng đang đàm phán với dịch vụ internet Project Kuiper của Jeff Bezos và công ty Telesat (Canada), theo một quan chức tham gia vào các cuộc thương lượng. Đây là lần đầu tiên thông tin về các cuộc thảo luận này được công bố.
Kể từ năm 2020, Starlink đã phóng nhiều vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO), độ cao dưới 2.000 km, hơn tất cả đối thủ cộng lại. Các vệ tinh hoạt động ở độ cao như vậy truyền dữ liệu cực kỳ hiệu quả, cung cấp internet tốc độ cao cho những cộng đồng vùng sâu vùng xa, tàu thuyền trên biển và lực lượng quân sự trong chiến tranh.
Trung Quốc coi sự thống trị của Starlink trong không gian là mối đe dọa. Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào các công ty trong nước là đối thủ của Starlink và tài trợ cho những nghiên cứu quân sự về công cụ theo dõi chòm sao vệ tinh, theo các hồ sơ doanh nghiệp và nghiên cứu học thuật của nước này.
Năm 2024, Trung Quốc đã phóng kỷ lục 263 vệ tinh LEO, theo dữ liệu từ nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell do công ty tư vấn công nghệ Analysys Mason phân tích.
Sự cạnh tranh mới và phản ứng của các chính phủ
Sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh với Starlink được chính phủ Brazil hoan nghênh. Họ muốn có internet tốc độ cao cho các khu vực xa xôi nhưng từng xảy ra xung đột với Elon Musk về thương mại và chính trị.
SpaceSail từ chối bình luận về các câu hỏi từ Reuters liên quan đến kế hoạch mở rộng của họ. Một tờ báo do Cơ quan quản lý viễn thông Trung Quốc kiểm soát năm ngoái đã ca ngợi SpaceSail "có khả năng vượt qua ranh giới quốc gia, xâm nhập chủ quyền và phủ sóng toàn cầu vô điều kiện - năng lực chiến lược mà đất nước phải nắm vững".
Kuiper, Telesat, Starlink và Bộ Truyền thông Brazil đã không trả lời khi Reuters đề nghị bình luận.
Không nhiều đối thủ quốc tế của Elon Musk có tham vọng lớn như SpaceSail, công ty được chính quyền thành phố Thượng Hải kiểm soát. SpaceSail đã công bố kế hoạch triển khai 648 vệ tinh LEO trong năm 2025 và có thể đạt tới 15.000 vệ tinh vào 2030. Starlink hiện có khoảng 7.000 vệ tinh LEO và đặt mục tiêu vận hành 42.000 vệ tinh vào cuối thập kỷ này.
Các vụ phóng của SpaceSail sẽ tạo thành chòm sao Qianfan (Ngàn Cánh Buồm), đánh dấu bước tiến quốc tế đầu tiên của Trung Quốc vào lĩnh vực băng thông rộng vệ tinh. Ba chòm sao vệ tinh khác của Trung Quốc cũng đang được phát triển, với kế hoạch là phóng 43.000 vệ tinh LEO trong những thập kỷ tới và đầu tư vào các tên lửa có khả năng mang nhiều vệ tinh cùng lúc.
"Trung Quốc theo đuổi mục tiêu cuối cùng là chiếm càng nhiều vị trí quỹ đạo càng tốt", Chaitanya Giri, chuyên gia công nghệ vũ trụ tại Observer Research Foundation, nhận xét.
Observer Research Foundation là một tổ chức nghiên cứu (think tank) có trụ sở tại Ấn Độ, chuyên phân tích và đưa ra các khuyến nghị về chính sách đối ngoại, an ninh quốc gia, kinh tế, công nghệ và các vấn đề toàn cầu.
Observer Research Foundation được thành lập vào năm 1990 và hiện là một trong những tổ chức nghiên cứu có ảnh hưởng nhất ở Ấn Độ cũng như trên thế giới. Tổ chức này thường hợp tác với các chính phủ, học giả, chuyên gia và doanh nghiệp để nghiên cứu các xu hướng địa chính trị, công nghệ vũ trụ, an ninh mạng, năng lượng, biến đổi khí hậu và các vấn đề quốc tế khác.
Trong bối cảnh cạnh tranh về internet vệ tinh, Observer Research Foundation đã phân tích chiến lược của Trung Quốc và các cường quốc khác về mở rộng các chòm sao vệ tinh LEO, cũng như tác động của chúng với an ninh không gian và chính sách toàn cầu.
Việc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện trên LEO đã làm dấy lên lo ngại trong giới hoạch định chính sách phương Tây. Họ lo sợ rằng điều này có thể giúp Trung Quốc mở rộng sự kiểm soát với internet toàn cầu. Các nhà nghiên cứu tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ viết trong một báo cáo vào tháng 2 rằng nước này nên tăng cường hợp tác với các quốc gia Nam bán cầu nếu muốn "nghiêm túc đối phó với sự xâm nhập ngày càng lớn của Trung Quốc vào không gian số".
Báo cáo cũng mô tả Qianfan là một phần quan trọng trong chiến lược không gian của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỉ USD này là chính sách trọng điểm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng bị các nhà phê bình xem là công cụ mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của nước này.
Bộ Thương mại và Cơ quan quản lý viễn thông Trung Quốc không trả lời câu hỏi từ Reuters. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói không nắm được thông tin cụ thể về việc SpaceSail và vệ tinh LEO của Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài, nhưng nước này theo đuổi hợp tác không gian vì lợi ích chung.
SpaceSail tuyên bố hướng đến việc cung cấp internet đáng tin cậy hơn cho người dùng, đặc biệt là ở những khu vực xa xôi và trong các tình huống khẩn cấp hoặc thiên tai.

"Miền Tây hoang dã" của không gian
Việc Starlink mở rộng nhanh chóng và được sử dụng trong cuộc chiến Ukraine - Nga đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc, dẫn đến nguồn tài trợ lớn từ nhà nước cho các mạng lưới vệ tinh là đối thủ của công ty do Elon Musk điều hành.
Công ty Hongqing Technology, được thành lập năm 2017 và đang phát triển một chòm sao 10.000 vệ tinh, đã huy động được 340 triệu nhân dân tệ trong tháng 2 từ các nhà đầu tư chủ yếu thuộc nhà nước. Năm ngoái, SpaceSail đã nhận được 6,7 tỉ nhân dân tệ (930 triệu USD) từ một quỹ đầu tư thuộc nhà nước nhằm nâng cấp năng lực sản xuất của Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc, gồm cả nhiều người có liên hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), cũng đang tập trung vào lĩnh vực này. Năm 2023, Trung Quốc đã công bố kỷ lục 2.449 bằng sáng chế liên quan đến công nghệ vệ tinh LEO, tăng vọt từ con số 162 vào năm 2019, theo cơ sở dữ liệu AcclaimIP của hãng Anaqua.
Nhiều bằng sáng chế tập trung vào việc xây dựng mạng lưới vệ tinh hiệu quả với chi phí thấp và hệ thống liên lạc có độ trễ thấp, theo một đánh giá của Reuters, cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc thu hẹp khoảng cách về công nghệ so với Mỹ.
"Thế giới không gian đang phát triển nhanh chóng và bận rộn thử nghiệm nhiều mô hình. Những người tiên phong đang tận dụng sự tự do này để giành lấy các vị trí quan trọng trước khi quy tắc trở nên chặt chẽ hơn, giống như thời kỳ miền Tây hoang dã", Antoine Grenier, Giám đốc không gian toàn cầu tại công ty tư vấn Analysys Mason, nhận xét.
Một số nghiên cứu Trung Quốc dường như nhắm thẳng vào Starlink của SpaceX. Một đơn xin cấp bằng sáng chế của Quân đội Giải phóng Nhân dân mô tả hệ thống của Starlink là yếu tố quan trọng với trinh sát và liên lạc quân sự, đồng thời gây ra "mối đe dọa với an ninh mạng, dữ liệu và quân sự".
Trung Quốc cũng đang phát triển các công cụ để theo dõi và giám sát chòm sao vệ tinh của Starlink. Các nhà nghiên cứu từ hai viện liên kết với Quân đội Giải phóng Nhân dân cho biết trong một nghiên cứu vào tháng 1 rằng họ đã thiết kế một hệ thống và thuật toán để theo dõi các chòm sao lớn như Starlink, được lấy cảm hứng từ cách cá voi lưng gù bẫy con mồi bằng cách bơi theo vòng tròn xung quanh chúng và tạo ra các bong bóng xoắn ốc.
"Với xu hướng quân sự hóa không gian ngày càng gia tăng, việc phát triển các công cụ giám sát và theo dõi những chòm sao vệ tinh khổng lồ này là cực kỳ quan trọng", các nhà nghiên cứu viết.