Dragon Riverside City: Bao giờ cá chép hóa rồng?

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 15:33, 13/02/2019

Sau mấy năm, dự án Dragon Riverside City nằm ở vị trí đắc địa bên rạch Bến Nghé vẫn còn là... cá chép chứ chưa thể hoá rồng như lời giới thiệu là một "kiệt tác rồng" của nhà phát triển.

Dự án Dragon Riverside City tọa lạc tại số 628-630 Võ Văn Kiệt (P.1, Q.5, TP.HCM), chủ đầu tư là Sài Gòn Vina (Land Saigon), tiền thân là Công ty CP Bất động sản Điện lực Sài Gòn Vina - EVN Land Saigon. Dự án này từng được đưa tin ồ ạt rằng dự kiến khởi công vào năm 2011.

Thế nhưng, mãi đến tháng 11.2015, UBND TP.HCM mới duyệt quy hoạch 1/500 khu đất 628-630 Võ Văn Kiệt với diện tích 3,1 ha. Đây là dự án với quy mô lớn, số tiền đầu tư lên đến ngàn tỉ mà doanh nghiệp cần lấy ý kiến cổ đông. Đại hội cổ đông thường niên sau đó của Land Saigon thông qua mức đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bản thân Land Saigon thời điểm đó mới chỉ có quy mô kinh doanh hơn 50 tỉ đồng. Để huy động được số tiền gần 750 tỉ đồng phát triển dự án trong năm 2016 đối với doanh nghiệp này là rất khó. Đến thời điển gần đây, bản thân doanh nghiệp này trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ lãi sau thuế hơn 110 triệu đồng, giảm 96% so với cùng kỳ năm trước gần 3 tỉ đồng (theo báo báo tài chính).

Trở lại với dự án Dragon Riverside, tháng 1.2016, Land Saigon ký hợp tác đầu tư để phát triển dự án này với Công ty CP Địa ốc Phú Long (gọi tắt là Địa ốc Phú Long, thành viên của Sovico Holdings).

Dragon Riverside City tọa lạc tại vị trí đắc địa trên đường Võ Văn Kiệt - Ảnh từ Google map.

Cụ thể, hai doanh nghiệp trên ký kết phát triển dự án tại hợp đồng số 36/2016/PL-LSG vào ngày 13.1.2016. Từ đây, Địa ốc Phú Long trở thành đơn vị chính phát triển Dragon Riverside City với diện tích thương mại hơn 14.000 m2. Trong đó có tháp Dragon Tower cao 53 tầng, Dragon Residence cao 40 tầng với khoảng 1.060 phòng và 6 tầng thương mại tại khu Dragon Mall cùng nhiều tiện ích khác mà chủ đầu tư quảng cáo.

Năm năm kể từ khi Land Saigon thông báo dự kiến khởi công (2011), dự án hầu như không có chuyển biến gì. Tiếp 2 năm kể từ ngày Địa ốc Phú Long vào cuộc, dự án cũng không có mấy chuyển biến. Nhiều tờ báo còn đưa tin rầm rộ Dragon Riverside City chính thức khởi công vào giữa năm 2017. Và đến nay (sau hơn 1,5 năm), công nhân ở công trường dự án vẫn... tích cực thi công và đang trong giai đoạn làm móng công trình.

Nhưng hiện tại phía kinh doanh dự án đã nhận 50 triệu đồng "quyền ưu tiên mua 1" (cụm từ trong hợp giấy tờ giữa chủ đầu tư, nhà phát triển dự án ký với khách hàng để nhận tiền). Nhân viên kinh doanh dự án này còn khẳng định, hiện gần 100% "quyền ưu tiên mua 1" đã có khách hàng "xuống tiền".

Hình ảnh quảng cáo cho dự án Dragon Riverside City

Được quảng cáo là "nơi hợp lưu của 4 dòng chảy lớn", "được bao bọc bởi những cung đường lớn, thông thương thuận lợi nhất", là một "kiệt tác rồng"... nhưng có vẻ Dragon Riverside City lúc này vẫn còn là con "cá chép" bên rạch Bến Nghé. Việc dự án lúc này vẫn ở giai đoạn thi công phần nền móng, theo luật hiện hành thì như thế không được phép huy động vốn dưới bất kỳ hình thức nào vì sẽ để lại nhiều rủi ro cho khách hàng, bởi quyền lợi của họ không được bên thứ ba đảm bảo theo quy định pháp luật.

Với số tiền phát triển dự án hàng ngàn tỉ đồng, ngay từ đầu chính Land Saigon đã không thể "gánh" một mình mà phải cần đến một đối tác khác. Và Phú Long được công ty sở hữu mảnh đất đẹp trên đường Võ Văn Kiệt này chọn lựa hợp tác trên mặt pháp lý, nhưng đến nay, sự chọn lựa đó vẫn chưa đem lại hiệu quả trên thực tế, chưa thể trình làng hình hài một "kiệt tác rồng" như lời giới thiệu, chí ít là ở mặt tiến độ xây dựng.

Trong thông điệp phát đi mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM - Trần Vĩnh Tuyến khẳng định sẽ chỉ đạo các sở ban ngành xây dựng một phần mềm nhằm minh bạch thông tin pháp lý của các dự án, từ đó sẽ giúp cho khách hàng, nhà đầu tư tránh việc mua phải dự án chưa đầy đủ pháp lý, tiềm ẩn rủi ro.

Còn trong một lần phát biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Long An - Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết sẽ xử nghiêm mọi doanh nghiệp "bán lúa non" nếu phát hiện được, hoặc được báo chí/người dân phản ánh. Việc các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý những doanh nghiệp vì lợi nhuận mà không tuân thủ các quy định của pháp luật là cần thiết vì điều này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người mua.

Dự án Dragon Riverside City được tới 2 doanh nghiệp rót tiền.

Ở một diễn biến khác liên quan đến Địa ốc Phú Long, doanh nghiệp này đang "sa" vào vấn đề giải tỏa đền bù tại dự án Dragon City trên đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Theo một báo cáo phát đi hồi tháng 11.2018 của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Phú Long đã có kiến nghị gửi các cơ quan ban ngành liên quan tới 14 khu đất tại xã Phước Kiển nói trên (tổng diện tích 44,49 ha). Doanh nghiệp cho biết đây là đất họ trúng thầu từ ngày 1.12.2004, đã thanh toán đủ toàn bộ tiền đúng quy định, được UBND TP.HCM cấp "sổ đỏ" và nay hình thành trên đó khu đô thị Dragon City.

Tuy nhiên Phú Long nói khi lập thủ tục xin cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM vẫn đề nghị phải lập thủ tục chấp thuận đầu tư làm mất rất nhiều thời gian của doanh nghiệp nên đề nghị Thành phố chấp thuận không phải làm lại thủ tục này.

Phú Long còn nói tại phân khu số 15 của dự án tồn tại 1 căn nhà và đất của một số hộ dân, không những chịu di dời mà còn xây dựng, mở rộng nhà trái phép, chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường, cản trở không cho doanh nghiệp này triển khai đầu tư xây dựng dự án, thậm chí có hành vi tự ý xông vào công trường, đập phá tài sản và tháo dỡ hàng rào của Phú Long.

Gần như cùng thời gian có báo cáo trên, một tờ báo đăng bài viết cho biết 14 lô đất mà Phú Long trúng thầu năm 2004 đã được chính quyền huyện Nhà Bè giải toả và đền bù cho người dân với giá... 25.000 đồng/m2. Trong khi người dân nơi đây cho rằng, vào thời điểm đó đất khu vực này có giá cao gấp từ 20-40 lần so với giá mà chính quyền đã đền bù.

Một thời gian sau, UBND huyện Nhà Bè đã đem số đất dự trữ bán đấu giá cho các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc với giá bình quân mỗi mét vuông hàng triệu đồng, tức cao hơn 100 lần giá mà họ đền bù cho dân.

Hồ Đông