Công bố đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 14:38, 01/04/2019

Việc công bố đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng là điều kiện thuận lợi cho các tỉnh ĐBSCL nắm bắt thời cơ, đưa ra định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Ảnh minh họa từ Báo Cần Thơ

Tại hội nghị Giới thiệu đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến 2030 - tầm nhìn đến 2050 diễn ra tuần qua, Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng) đã thông qua Quyết định số 68/QĐ-TTg (ban hành ngày 15.1.2018) của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Theo đó, mục tiêu của đồ án là nhằm phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò, vị thế quan trọng đối với Quốc gia và khu vực Đông Nam Á; phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về sản xuất nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái…

Theo nội dung đồ án, tổng diện tích toàn vùng hơn 40.000 km2, gồm 13 tỉnh thành ĐBSCL hiện nay, dân số toàn vùng dự báo đến năm 2030 là khoảng 18-19 triệu người, trong đó đô thị khoảng 6,5-7,5 triệu người.

Các đô thị trọng điểm gồm: Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên, Bình Minh (Vĩnh Long), Tịnh Biên (An Giang), Ngã Bảy (Hậu Giang), Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp), Bến Tre (Bến Tre), Mỹ Tho, Cai Lậy (Tiền Giang), Tân An, Bến Lức, Đức Hòa (Long An).

Trong đó, Cần Thơ là đô thị loại I, có vai trò là trung tâm dịch vụ thương mại, y tế, nghiên cứu đào tạo, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng và tiểu vùng giữa ĐBSCL..

Với định hướng phát triển hệ thống giao thông, đường bộ sẽ hoàn thiện và xây mới các tuyến đường cao tốc: TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau; Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Các tuyến quốc lộ hiện hữu cải tạo nâng cấp gồm: quốc lộ 50, quốc lộ 60, quốc lộ 61B, Quản Lộ - Phụng Hiệp, quốc lộ 91B, Nam Sông Hậu...

Đáng chú ý còn có dự kiến xây dựng và phát triển các tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và Cần Thơ - Cà Mau.

Đến năm 2030, các cảng hàng không quốc tế như Cần Thơ, Phú Quốc đạt tiêu chuẩn cấp 4E; các cảng hàng không nội địa như Cà Mau, Rạch Giá đạt tiêu chuẩn 4C (các tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không Quốc tế - ICAO).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL này là cơ sở giúp cho các địa phương ĐBSCL ngồi lại với nhau trong thời gian tới sau khi cập nhật các kịch bản về biến đổi khí hậu, các quy hoạch trong đồ án.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh lưu ý các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc hình thành và phát triển các khu đô thị, khu kinh tế, công nghiệp, du lịch dịch vụ… đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt.

Khu vực ven biển chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn: Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản theo hướng bền vững, gắn với trồng rừng ngập mặn ven biển, khôi phục các hệ sinh thái rừng ở bán đảo Cà Mau, thúc đẩy quá trình bồi lắng và lấn biển tự nhiên. Phát triển đô thị, dân cư tập trung theo hình thái lãnh thổ (giồng cát, bãi bồi) tại vùng ven biển Đông, bán đảo Cà Mau và khu vực ven biển thuộc Tứ giác Long Xuyên.

Khu vực hải đảo: Xây dựng và phát triển đô thị bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng và quốc gia. Từng bước xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hướng tới hình thành các trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Tổ chức mạng lưới gồm 37 đô thị trọng điểm: Bên cạnh đó là việc hạn chế quy mô phát triển đô thị tương ứng với giảm dần quy mô dân số tại các tiểu vùng ngập sâu và tiểu vùng ven biển. Phát triển đô thị với quy mô vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc thù kinh tế xã hội của vùng để có các giải pháp thích ứng với các tác động biến đổi khí hậu và tác động của thượng nguồn sông Mekong.

Mạng lưới đô thị được điều chỉnh về tầng bậc để hình thành các trung tâm đô thị của các vùng sinh thái nông nghiệp, nhằm thúc đẩy chuyên môn hóa và đa dạng hóa nền kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp theo đặc trưng và lợi thế của từng vùng sinh thái nông nghiệp. Tổ chức mạng lưới gồm 37 đô thị trọng điểm có vai trò cấp vùng và tiểu vùng, trong đó 14 đô thị phân bố tại tiểu vùng giữa đồng bằng, 18 đô thị tại tiểu vùng ven biển và 5 đô thị tại tiểu vùng ngập sâu...

A.Thư