Sắp xét xử vụ hàng chục người dân kiện Tập đoàn Sao Mai

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 13:25, 28/05/2019

Liên quan đến bài viết hàng chục hộ dân khởi kiện Công ty CP Tập đoàn Sao Mai mà báo điện tử Một Thế giới đã đăng tải, ngày 31.5 tới đây TAND huyện Tịnh Biên quyết định đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm.
Một phần của dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời ở xã An Hảo, H.Tịnh Biên - Ảnh: Thanh Nguyên

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, 8 người dân ở xã An Hảo là nguyên đơn sẽ cùng bị đơn là người đại diện cho phía Sao Mai, xét xử chung trong vụ án dân sự về việc “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

8 nguyên đơn gồm: bà Nèang Sóc Nan (SN 1988); Nèang Sa Ri (SN 1963); bà Nèang Lônh (SN 1955); ông Chau Sóc Anh (SN 1950), ông Chau Sô Va Na (SN 1950); ông Chau Siêng (SN 1956); ông Chau Phia (SN 1962); ông Chau Ky (SN 1966) - đều ngụ ấp An Thạnh, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên.

Người được ủy quyền dự tòa của Công ty CP Tập đoàn Sao Mai là ông Lê Thành Được (SN 1970) giữ chức vụ Phó ban Giải phóng mặt bằng.

Trước đó, TAND huyện Tịnh Biên cũng đã có quyết định nhập hồ sơ vụ án với lý do trong 8 trường hợp khởi kiện trên cùng khởi kiện đối với 1 bị đơn là Công ty CP Tập đoàn Sao Mai nên tòa quyết định nhập các hồ sơ vụ án trên để giải quyết trong cùng 1 vụ án.

Như báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin trước đó, 1 năm trước, Sao Mai khởi động dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời và mua lại đất của người dân ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên ở khu vực chân núi Cấm. Dự án này có vốn đầu tư trên 5.600 tỉ đồng, dự kiến triển khai trên 275ha, đóng điện vào tháng 6.2019.

Ông Chau So Va Na bức xúc sau khi bán đất giá rẻ cho Sao Mai. Ông là 1 trong những nguyên đơn có mặt vào phiên tòa 31.5 tới đây - Ảnh: Thanh Nguyên

Tuy nhiên, trong quá trình thu mua đất của người dân, phía người của Sao Mai bị người dân tố “lật kèo” vì mua đất với giá tiền không thống nhất. Cụ thể, thời điểm ban đầu Sao Mai mua đất với giá 55 triệu đồng/công và cam kết với người bán đất (một số bằng miệng, một số bằng giấy tờ), rằng nếu giá đất có tăng thì Sao Mai sẽ trả thêm tiền.

Tuy nhiên, sau khi người dân phản ứng vì giá đất đã tăng, một số hộ khác bán được giá cao hơn, Sao Mai chỉ đồng ý hỗ trợ thêm 25 triệu đồng/công để đền bù thêm phần thiệt hại hoa màu, lúa. Người dân không đồng tình nên cùng khởi kiện Sao Mai ra tòa.

Người dân có đất bị ảnh hường ở khu vực dự án hầu hết là người dân tộc Khơ-me, cuộc sống chỉ biết trông chờ vào mảnh đất để trồng lúa, hoa màu. Các hộ dân phản ánh hiện họ không có việc làm ổn định, cuộc sống từ khi bán đất càng khó khăn chồng chất.

Giữa tháng 5.2019, trong lúc thi công dự án, Sao Mai cần kéo đường dây điện đi ngang đất của các hộ dân. Người dân có đất bị ảnh hưởng không đồng tình vì sự việc vẫn chưa giải quyết. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh An Giang đã có quyết định thành lập Tổ công tác vận động các hộ dân để thi công dự án.

Tổ trưởng Tổ công tác là ông Lê Văn Nưng - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Nhiệm vụ của Tổ công tác này là phối hợp với Tập đoàn Sao Mai tổ chức vận động các hộ dân có đất trong khu vực của dự án chấp nhận hỗ trợ của chủ đầu tư.

Thanh Nguyên