Nguyên Phó CNVP Quốc hội nói về dấu hiệu bất thường khi thu hồi đất tại KCN Bình Minh
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 10:24, 07/07/2019
Sau khi báo điện tử Một Thế Giới đăng bài Vĩnh Long, chính quyền thắng kiện và nỗi oan ức 19 năm của người dân Mỹ Hòa , PV đã có buổi trao đổi với luật sư (LS) Trần Quốc Thuận - Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan.
Triển khai dự án khu công nghiệp khi chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận
Theo LS.Trần Quốc Thuận, dự án Khu công nghiệp (KCN) Bình Minh (nay thuộc TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), có 680 hộ gia đình, tổ chức bị thu hồi hơn 1,6 triệu m2 đất, được UBND tỉnh Vinh Long tiến hành các bước triển khai khi chưa được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Trong khi đó, dự án này cũng không có giấy phép đầu tư, không xác định được chủ đầu tư, vốn đầu tư và diện tích đất được giao.
Cụ thể, sau khi nhận được công văn số 262/VP-CN ngày 15.1.2002 của Văn phòng Chính phủ về việc đồng ý chủ trương quy hoạch xây dựng KCN Bình Minh, UBND tỉnh Vinh Long đã mặc nhiên xem đây là quyết định đầu tư, giấy phép thành lập để thực hiện các bước tiếp theo.
Công văn số 262 do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Đồng ý chủ trương quy hoạch xây dựng KCN Bình Minh, tỉnh Vinh Long theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Giao UBND tỉnh Vinh Long chọn chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính và khả năng thu hút đầu tư (sau khi đã kiểm tra), trên cơ sở đó chỉ đạo lập dự án khả thi xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, trình duyệt theo quy định hiện hành.
“Chủ trương” rõ ràng như vậy, tức các cơ quan, ban ngành của tỉnh Vĩnh Long và nhà đầu tư (lúc bấy giờ là Công ty Lumeka Trading, Singapore) phải tiến hành lập hồ sơ dự án khả thi gửi các cấp có thẩm quyền thẩm định, trình duyệt. Nhưng cho đến nay vẫn không thấy tài liệu, chứng cứ nào thể hiện địa phương và nhà đầu tư thực hiện trình tự này.
LS.Trần Quốc Thuận phân tích: Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương tiến hành xin phép thành lập KCN thì phải tuân thủ trình tự thủ tục chặt chẽ được quy định tại Nghị định số 36-CP ngày 24.4.1997 của Chính phủ về ban hành quy chế khu công nghiệp.
Mặc dù tỉnh Vĩnh Long có công văn gửi Thủ tướng xin quy hoạch xây dựng KCN Bình Minh nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa đồng ý và cũng chưa giao cho Bộ KHĐT cấp giấy phép đầu tư. Ở đây cần lưu ý, công văn số 262/VP-CN ngày 15.1.2002 của Văn phòng Chính phủ chỉ thể hiện Thủ tướng Chính phủ mới chỉ đồng ý “chủ trương” xây dựng khu công nghiệp mà thôi.
Không cho dân tiếp cận đầy đủ kết luận của Thanh tra Chính phủ
Trong quá trình triển khai dự án KCN Bình Minh, UBND tỉnh Vĩnh Long và nhà đầu tư (sau khi Công ty Lumeka Trading từ chối không thực hiện dự án, UBND tỉnh Vĩnh Long tự quyết định thay đổi hình thức đầu tư, chấp thuận chọn nhà đầu tư trong nước là Công ty Hoàng Quân) đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của nhiều hộ dân dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
Liên quan đến vấn đề này, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và cuối năm 2007 đã có kết luận và báo cáo kết quả thanh tra với Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, điều không bình thường ở đây, theo LS.Trần Quốc Thuận là chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã cố tình giấu nhẹm, sau đó chỉ “cắt” ra một phần kết luận Thanh tra cho người dân được biết.
Theo bản báo cáo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ mà LS.Trần Quốc Thuận cung cấp, PV nhận thấy có nhiều điểm đáng lưu ý, nhất là về thủ tục pháp lý của dự án và trình tự, thủ tục thu hồi đất. Về thủ tục pháp lý của dự án, Thanh tra Chính phủ kết luận UBND tỉnh Vinh Long đã sai khi không lập báo cáo nghiên cứu khả thi để Bộ KHĐT thẩm tra trước khi trình Thủ tướng cho phép thành lập và cho phép đầu tư.
Trong khi dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quyết định đầu tư nhưng UBND tỉnh Vinh Long đã tự quyết định thay đổi hình thức đầu tư (từ 100% vốn nước ngoài sang 100% vốn đầu tư trong nước), chấp thuận cho Công ty Hoàng Quân đầu tư KCN Bình Minh (tháng 4.2004). Cũng tại thời điểm này, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt phương án đền bù, phương án đền bù bổ sung để xây dựng KCN Bình Minh và đã tổ chức kiểm kê, áp giá đền bù cho những hộ dân có đất bị giải tỏa.
Về trình tự, thủ tục thu hồi đất, trong khi chưa có quyết định đầu tư dự án, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định thu hồi đất là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Thanh tra Chính phủ phát hiện trong cùng 1 ngày (8.7.2007), UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành 2 quyết định: Quyết định 2016/QĐ-UB thu hồi đất và giao cho Ban Quản lý các KCN tỉnh để xây dựng KCN Bình Minh và Quyết định 2017/QĐ-UB thu hồi đất của Ban Quản lý các KCN tỉnh (được giao tại Quyết định 2016) giao lại cho Công ty Hoàng Quân xây dựng khu nhà ở chuyên gia, công nhân và thương mại - dịch vụ (bản chất đây chính là khu đô thị mới).
Thanh tra Chính phủ cho rằng việc tách 30 héc-ta từ đất KCN làm khu đô thị mới khi chưa được phép của Thủ tướng là trái với khoản 2, điều 40, Luật Đất đai năm 2003.
Đều đáng nói là sau khi được giao đất, Công ty Hoàng Quân đã công bố rộng rãi việc phân lô bán nền với giá chênh lệch cao hơn rất nhiều lần so với giá đền bù dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài của các hộ dân có đất bị thu hồi.
LS.Trần Quốc Thuận băn khoăn, sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận và báo cáo kết quả thanh tra, 1 Phó thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ đã yêu cầu tỉnh Vĩnh Long kiểm điểm, kỷ luật những cá nhân, đơn vị liên quan đến sai phạm nhưng không một ai bị kiểm điểm hoặc kỷ luật cả. “Phải chăng đã đến lúc Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra lại kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2007”, LS.Thuận đặt vấn đề.
Nhóm PV