Phó chủ tịch TP.HCM: Không thể để cò đất, đầu nậu tự tung tự tác
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 18:57, 13/07/2019
Ngày 13.7, kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Tại phiên chất vấn, tình trạng quản lý trật tự xây dựng, xây dựng không phép, sai phép là vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.
Theo đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, báo cáo của UBND TP.HCM 6 tháng đầu năm cho thấy TP.HCM đã ban hành 4.729 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với xây dựng không phép, sai phép. Trong đó, có 1.136 trường hợp tại các địa bàn ở các đô thị có tốc độ đô thị hóa như quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức… Vậy nguyên nhân do đâu? Có phải đang có vấn đề về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, vấn đề thủ tục cấp phép xây dựng cũng như thủ tục hoàn công cho người dân?
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết, tình trạng xây dựng không phép, sai phép phần lớn xảy ra ở các quận, huyện đang đô thị hóa là do quy hoạch, lực lượng phối hợp thanh, kiểm tra chưa tốt.
“Thủ tục cấp phép đầu tư còn khó khăn, rườm rà chưa đem lại sự tiện lợi cũng dẫn đến việc người dân đủ điều kiện nhưng lại chưa đi xin phép xây dựng. Do đó, cần có giải pháp kéo giảm thủ tục hành chính để người dân tiện lợi hơn trong cấp phép xây dựng. Còn những trường hợp xây dựng trên đất không được phép xây dựng thì phải xử lý nghiêm. Đây là vi phạm pháp luật chứ không phải vi phạm xây dựng”, ông Bình nói.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình tại phiên trả lời chất vấn - Ảnh: P.D
Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, đại bộ phận người dân chấp hành tốt quy định về xây dựng. Tuy nhiên, chỉ có 2 nhóm trong quá trình mua bán, sang nhượng đất đai cố tình vi phạm trật tự xây dựng, đó là “cò đất” và môi giới đất. Môi giới thực chất là cò nhưng có tổ chức hơn. Họ tìm mua các miếng đất nằm trong quy hoạch và triển khai ngay các bước mà không cần xin phép để mua bán, xây dựng sang tay.
“Tôi thấy chúng ta thường ghép chung sai phạm về xây dựng không phép, trái phép của người dân mà không thấy bản chất của trường hợp này là cố ý vi phạm về pháp luật quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng, tạo ra tình trạng lôi kéo làm mất an ninh trật tự ở địa phương.
Ta cứ nói người dân mua những miếng đất đó, đúng là họ tham gia góp phần nhưng họ cũng là nạn nhân. Còn những người đầu nậu, cò đất ta lại chưa nhận diện, chưa chỉ đích danh và xử lý được. Vì thế tạo ra điểm nóng trên địa bàn. Ta phải xử nghiêm tình trạng đó, không thể trong một địa bàn khoảng 1 ha mà ào ào xây dựng được, phải có người đứng mũi chịu sào, đứng ra phân lô, hô hào quảng cáo, đưa người dân lương thiện vào đối diện với chính quyền Nhà nước.
Với trường hợp đầu nậu đó phải xử nghiêm minh, không để tự tung tự tác. Ở phường, xã các đồng chí biết hết nhưng chưa nhận diện hết tác hại của việc này và chưa giải quyết”, ông Hoan nói thêm.
Đáng chú ý, sau phần trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng và Phó chủ tịch UBND Võ Văn Hoan, Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng cần nhận diện 2 nhóm dẫn tới sai phạm đó là nhóm đầu cơ trục lợi và cò đất, đầu nậu.
“Vì sao chúng ta nhận diện được nhưng không xử lý. Vì sao có hiện tượng người nghèo, dân nhập cư chưa có nhà ở, có nhu cầu mua nhà lại mua những nơi phân lô bán nền sai quy hoạch? Vậy xử lý các chủ dự án khống, đầu nậu, thu gom đất những nơi không đúng quy hoạch bán cho người dân nghèo thế nào? Xử lý những đối tượng này là đúng nhưng đối với người dân nghèo thì xử lý cách gì?
Tháo dỡ những nơi sai quy hoạch là đúng pháp luật nhưng những người lãnh đạo thành phố cần phải day dứt. Người dân nghèo có khi góp cả đời mới xây được nhà, dỡ rồi ở đâu? Việc quản lý cán bộ không nghiêm, việc buông lỏng của cán bộ cơ sở làm ảnh hưởng tới tài sản người dân”, bà Tâm khẳng định.
Phan Diệu