Chưa chốt vụ nhập khẩu vào TP.HCM phải có 20 mét vuông nhà ở

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 10:32, 27/08/2019

TP.HCM tiếp tục lấy ý kiến về quy định diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức là 20m2/người.
TP.HCM chưa chốt quy định nhập khẩu phải có 20m2 nhà ở - Ảnh: Internet

UBND TP.HCM vừa giao Viện Nghiên cứu phát triển thành phố tiếp tục lấy ý kiến, đánh giá tác động của dự thảo quy định diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức so với quy định cũ (5m2 sàn/người theo Nghị định số 107/2007/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành). Việc này nhằm tuân thủ các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu bổ sung mối tương quan giữa quy định này với chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân người đến năm 2020 là 19,8m2/người theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10.

Được biết, sau 4 lần đưa ra phương án về quy định diện tích nhà ở bình quân nhập hộ khẩu vào TP.HCM, vào cuối năm 2018, đại diện các sở ngành liên quan đã thống nhất chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân người đến năm 2020 là 20m2/người.

Tất cả tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký hộ khẩu vào chỗ ở thuê, mượn, ở nhờ tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều được áp dụng tiêu chuẩn chỗ ở tối thiểu 20m2/người không phân biệt nội ngoại thành, khu vực.

Quy định này không áp dụng với trường hợp đăng ký tạm trú có thời hạn và các trường hợp vợ về ở với chồng hoặc ngược lại; con về ở với cha mẹ hoặc ngược lại; người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột; người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột...

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tiêu chuẩn 20m2 sàn nhà ở/người cũng là chỉ tiêu về nhà ở trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020. Người dân muốn đăng ký hộ khẩu thường trú vào TP.HCM phải đáp ứng được tiêu chuẩn về chỗ ở trên. Quy định này cũng không ảnh hưởng đến quyền sở hữu nhà ở hợp pháp của người dân, cũng không áp dụng với người tạm trú có thời hạn hay ở trọ. Trong tương lai, tiêu chuẩn này còn có thể điều chỉnh tăng thêm cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của TP.HCM theo từng thời kỳ.

Số liệu từ Công an TP.HCM cho thấy, từ khi Luật Cư trú có hiệu lực (năm 2006) đến nay có hơn 94.000 hộ đăng ký hộ khẩu vào nhà mượn, thuê, ở nhờ trong tổng số 1,5 triệu hộ dân thường trú trên địa bàn TP.HCM. Do đó, quy định này không ảnh hưởng nhiều đến các hộ dân, không làm xáo trộn đời sống của người lao động.

Tuy nhiên, định mức trên vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Cụ thể, tại hội nghị phản biện xã hội về Dự thảo quy định diện tích bình quân/người để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân tại TP.HCM diễn ra tháng 11.2018, nhiều ý kiến cho rằng mức bình quân tối thiểu 20m2 sàn/người là yêu cầu quá cao so với điều kiện sống của đa số người dân nhập cư.

Phan Diệu