'Bị' siết tín dụng, doanh nghiệp bất động sản đua phát hành trái phiếu
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 06:30, 27/08/2019
Lãi suất gấp đôi tiền gửi ngân hàng
Trong bối cảnh Nhà nước tiếp tục siết tín dụng vào các ngành rủi ro, để tìm nguốn vốn thay thế, thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản đã ồ ạt phát hành trái phiếu để huy động vốn trên thị trường. Đặc biệt, mức lãi suất huy động trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản rất cao, hơn gần gấp đôi so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Số liệu của Công ty Chứng khoán MBS cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2019 có 61.037 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, hạ tầng phát hành 16.200 tỉ đồng trái phiếu.
Trong khi đó, theo thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong nửa đầu năm có gần 70.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành, trong đó 1/3 là từ các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho biết, sau khi Ngân hàng Nhà nước triển khai lộ trình giảm vốn trung dài hạn vào bất động sản, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn khác thay thế một phần vốn tín dụng. Do đó, một số doanh nghiệp bất động sản đã lựa chọn giải pháp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bổ sung vốn.
Đáng chú ý, bất động sản là nhóm ngành có lãi suất cao nhất, phổ biến trên 10%/năm. Thậm chí có doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao lên đến 12-14,5%/năm, gần gấp đôi lãi suất tiết kiệm.
“Thời gian qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM luôn khuyến nghị các doanh nghiệp chú trọng đến phương thức phát hành trái phiếu, vì phương thức này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nhờ lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn”, ông Châu cho biết.
Chủ tịch HoREA cũng lưu ý doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có uy tín thương hiệu, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi mới thu hút được nhà đầu tư. Do vậy, để phát hành trái phiếu thành công, doanh nghiệp phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích nguồn vốn huy động từ trái phiếu, thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh và dự án đầu tư để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và nhà đầu tư trái phiếu.
Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia hoặc hội đủ điều kiện để thực hiện phát hành trái phiếu còn quá ít. Hiện cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản nhưng mới chỉ có khoảng 65 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.
Lo rủi ro, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt
Trước việc doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích vào chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Theo NHNN, qua công tác quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng trong các tháng đầu năm 2019 cho thấy hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của nhiều ngân hàng thương mại còn tiềm ẩn rủi ro. Một số ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh. Đồng thời, số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Một số ngân hàng đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát. Chưa kể, một số ngân hàng tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.
Do vậy, Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời, ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành theo đúng quy định tại Thông tư 15/2018. Các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.
Ngoài ra, các ngân hàng phải tăng cường kiểm tra, giám sát sau cho vay, trong đó đặc biệt là giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích; thường xuyên theo dõi, đánh giá để xác định sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng.
Song song đó tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu đối với các doanh nghiệp có số dư lớn, nhất là các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác…
Phan Diệu