Cần quy hoạch Đà Nẵng xuyên suốt là một thành phố xanh

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 14:28, 25/08/2019

Đà Nẵng nên tập trung làm nổi bật lợi thế cạnh tranh của mình vào yếu tố chất lượng môi trường tự nhiên, môi trường sống, một thành phố xanh, thành phố môi trường, và xem đây là định hướng phát triển xuyên suốt, lâu dài.
Cầu Sông Hàn, Đà Nẵng - Ảnh: Thạch Châu

UBND thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức hội thảo đóng góp ý tưởng dự án “điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đây là hoạt động mong muốn xác lập được cấu trúc và mô hình phát triển đô thị phù hợp, theo quan điểm đã được định hướng rõ nét trong Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị: phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng.

Trên tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã đóng góp nhiều ý tưởng cho mô hình phát triển, quy hoạch hạ tầng đô thị Đà Nẵng.

Tiến sĩ Shigehisa Mastumura, chuyên gia cao cấp Hãng tư vấn thiết kế Nikken Seikkei cho rằng: đối với công tác xây dựng quy hoạch chung cho một đô thị, việc xác định khung quy hoạch phù hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo đó, tại Đà Nẵng, việc xây dựng khung quy hoạch cho 2,5 triệu người vào năm 2030 là tương đối khó khăn. Đồng thời, cần phải xem xét đến chiến lược phát triển của cả vùng, tạo được sự liên kết trong phát triển.

Với quan điểm này, Tiến sĩ Shigehisa Mastumura ủng hộ ý tưởng di dời sân bay Đà Nẵng về gần với Quảng Nam nhằm đẩy mạnh sự liên kết.

Liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Tiến sĩ Shigehisa Mastumura nhấn mạnh, so với các địa phương khác như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng nên tập trung làm nổi bật lợi thế cạnh tranh của mình vào yếu tố chất lượng môi trường tự nhiên, môi trường sống, một thành phố xanh, thành phố môi trường, và xem đây là định hướng phát triển xuyên suốt, lâu dài.

Tiến sĩ Shigehisa Mastumura lưu ý, cần làm rõ tính thực tế của quy hoạch đã được phê duyệt trước đó, phải đánh giá được hiện trạng thành phố đang ở đâu so với quy hoạch đã được phê duyệt; từ đó có sự điều chỉnh phù hợp, hạn chế việc ý tưởng quy hoạch quá xa so với thực tế có thể thực hiện được. Tiến sĩ Shigehisa Mastumura cũng cho rằng, khu vực phía nam thành phố vẫn còn nhiều tiềm năng để đô thị hóa, mở rộng thành phố về phía nam.

Nhiều chuyên gia đóng góp ý tưởng về quy hoạch Đà Nẵng

Khác với quan điểm của Tiến sĩ Shigehisa Mastumura, bà Ame Engelhart, chuyên gia Hoa Kỳ, Giám đốc Văn phòng SOM tại Hồng Kông cho rằng: Đà Nẵng không nên phát triển về phía nam trong khi khu vực trung tâm và phía bắc thành phố vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển.

Theo bà Ame Engelhart, khu vực phía nam với vùng đồi núi tự nhiên quý giá cần được gìn giữ, bảo tồn, qua đó giữ được giá trị văn hóa, bản sắc riêng, đặc trưng của địa phương, của người dân bản địa. Việc tiếp tục khai thác, mở rộng thành phố về phía bắc sẽ giúp làm giảm áp lực đô thị hóa hơn so với việc mở rộng về phía nam.

Đặc biệt, bà Ame Engelhart đề xuất ý tưởng, thay vì phát triển với định hướng mở rộng ra xung quanh, Đà Nẵng nên lấy phần lõi đô thị làm trọng tâm để phát triển, xây dựng một đô thị nén, hiện đại bằng việc khai thác tối đa tiềm năng của khu vực nội đô. Bà Ame Engelhart cũng lưu ý, cần hết sức cân nhắc, xem xét việc xây dựng đập tại các cửa sông, bởi đây là vấn đề rất nhạy cảm về mặt sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, có 8 nhóm vấn đề mà đồ án điều chỉnh quy hoạch lần này nên tập trung đi sâu làm rõ, bao gồm: nghiên cứu giải pháp kết nối giao thông vùng (đường bộ - đường sắt – đường thủy) phù hợp với vị thế đô thị trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đô thị logistics của Đà Nẵng; nghiên cứu liên kết các không gian xanh và không gian nước trọng điểm; nghiên cứu giải pháp đô thị toàn cầu đa trung tâm và đa giải pháp, trong đó xác định rõ khu trung tâm lịch sử và khu trung tâm mới; nghiên cứu giải pháp đô thị sân bay phù hợp với quy mô sân bay; nghiên cứu giải pháp bảo vệ môi trường đô thị vịnh Đà Nẵng phù hợp quy mô cảng biển; nghiên cứu giải pháp đô thị ven sông với hạ tầng cảng và bến sông phù hợp; nghiên cứu giải pháp không gian đô thị và không gian cao tầng dựa trên khung sườn giao thông công cộng và tầm nhìn cảnh quan; giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, TS.Trần Du Lịch cho rằng, định hướng quy hoạch là dài hạn nhưng phải mang tính khả thi, bởi đây là điều chỉnh quy hoạch trên nền một đô thị đã hình thành và đang phát triển. “Chúng ta không thể giải phóng toàn quận Hải Châu để quy hoạch lại được. Do vậy, quy hoạch đề ra phải mang tính khả thi, phù hợp với hiện trạng sẵn có”, Tiến sĩ Trần du Lịch nói.

Theo TS.Trần Du Lịch, có hai quan điểm mấu chốt mà quy hoạch cần bám sát gồm: phải đặt Đà Nẵng trong một chuỗi đô thị phát triển dọc biển miền Trung của vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng vùng đô thị Đà Nẵng từ Lăng Cô đến nam Hội An.

Trong đó, khái niệm vùng đô thị được hiểu như sự phát triển của Đà Nẵng phải tạo sức lan tỏa, bao trùm các vùng lân cận.

“Phải làm sao để sau này, khi nói đi Lăng Cô, đi Nam Hội An, mọi người đều hiểu rằng đó chính là đi Đà Nẵng”, TS.Trần Du lịch chia sẻ quan điểm.

TS.Trần Du lịch cũng cho rằng, nên giữ quan điểm tồn tại song song cả hai sân bay Đà Nẵng và Chu Lai, nhằm liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển; đồng thời việc quy hoạch quy mô phát triển cảng biển phải dựa trên tổng thể phát triển công nghiệp của toàn vùng; triết lý giao thông phải gắn liền với việc phân bố dân cư.

Thạch Châu