TP.HCM 'khởi động’ lại khu đô thị Sing Việt bị treo hơn 20 năm
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 07:02, 08/10/2019
Theo đó, đối với dự án khu đô thị và tái định cư Sing Việt, ông Phong giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND huyện Bình Chánh kiểm tra thực tế, nghiên cứu các kiến nghị về việc sử dụng, san lấp, cải tạo kênh 8 và kênh 9 trong khu đô thị này.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các sở ngành, huyện làm việc với nhà đầu tư, thống nhất phương án thực hiện để đự án khu đô thị và khu tái định cư Sing Việt sớm hoàn thành các thủ tục, thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng để bố trí nền tái định cư cho người dân, không để xảy ra khiếu kiện của người dân và nhà đầu tư.
Dự án khu đô thị Sing Việt có diện tích hơn 331ha đã có chủ trương quy hoạch từ năm 1997 với tổng vốn đầu tư dự kiến là 300 triệu USD. Tuy nhiên, 10 năm sau, vào năm 2007, UBND TP.HCM mới quyết định thu hồi đất tổng thể.
Dự án này do Công ty TNHH đô thị Sing Việt, trước đây là Công ty Liên doanh đô thị Sing Việt làm chủ đầu tư với chức năng xây dựng khu liên hợp thể thao gồm: sân gôn, trường đua ngựa, đua xe mô tô, khu du lịch thương mại, khách sạn, biệt thự, công viên giải trí…
Theo kế hoạch để triển khai dự án, có 671 hộ dân xã Lê Minh Xuân bị thu hồi đất, trong đó 364 hộ bị thu hồi đất ở, 307 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp. Tổng kinh phí bồi thường của dự án là 1.093 tỉ đồng.
Năm 2009, dự án bắt đầu triển khai. Mặc dù vậy, đến nay, mới có khoảng 50% số hộ dân được chi trả bồi thường. Không chỉ chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, đến nay, khu đất dành để tái định cư có tổng diện tích hơn 60 ha nằm giáp ranh khu đất xây dựng khu đô thị Sing Việt vẫn còn là bãi đất hoang, khiến người dân bức xúc, khiếu nại kéo dài.
Để tái khởi động dự án, mới đây, UBND TP.HCM đã giao Công ty TNHH Đô thị Sing Việt làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu tái định cư Sing Việt trên diện tích toàn khu là gần 64 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng.
Bên cạnh dự án trên, đối với dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng theo hình thức PPP, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng vừa giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành làm việc với nhà đầu tư để xem xét việc sử dụng khu đất khác thay thế khu đất 3 ha tại Khu Trường đua Phú Thọ, quận 11 để thanh toán hợp đồng BT .
Đồng thời, tổ công tác về đầu tư của thành phố cũng cần rà soát các dự án BT trên địa bàn. Đối với các dự án đảm bảo các điều kiện tiếp tục triển khai theo quy định pháp luật, tổ công tác tham mưu, đề xuất và dự thảo văn bản của UBND TP.HCM báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định tại Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15.8.2019.
Trong khi đó, đối với việc bảo tồn và hình thức bảo tồn công trình tại địa điểm số 59 - 61, đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, ông Nguyễn Thành Phong cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, nghiên cứu đề xuất một số phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP.HCM để có giải pháp bảo tồn công trình, trình UBND TP.HCM vào tháng 12.2019.
Phan Diệu