Bình Dương: Khu Công nghiệp Phú Tân và câu chuyện duyệt quy hoạch
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 15:07, 21/02/2020
Đất khu công nghiệp điều chỉnh thành đất đô thị
Dự án KCN Phú Tân (trước đây là KCN Phú Gia) là 1 trong 5 dự án khu công nghiệp Khu liên hợp Bình Dương. Tuy nhiên, trong quá trình giao, cho thuê đất tại Khu liên hợp Bình Dương đã có nhiều dấu hiệu sai phạm.
Cụ thể, tại Kết luận thanh tra số 2623/KL-TTCP ngày 26.11.2008 của Thanh tra Chính Phủ nêu rõ, việc giao đất và cho thuê đất đối với 6 nhà đầu tư KCN với tổng diện tích là 1.541,53ha, thì các quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất được ký từ năm 2006 và 2007, nhưng thực chất đã được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý về mặt chủ trương thông qua việc phê duyệt vào các hợp đồng “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” ký kết giữa Ban quản lý (BQL) Khu liên hợp và các nhà đầu tư từ năm 2004 với đơn giá 700 triệu đồng/ha, chưa bao gồm tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp.
Việc giao đất cho các nhà đầu tư KCN chỉ dựa vào những căn cứ của đề án dự kiến quy hoạch Khu liên hợp và đơn xin giao đất của các nhà đầu tư chứ không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, không có bảng kê khai tự nhận xét về chấp hành luật đất đai của đơn vị giao đất và các trình tự thủ tục khác là trái với Nghị định 181/2004/NĐ-CP.
Trong khi đó, việc giao đất dịch vụ cho 2 nhà đầu tư là TCT Bình Dương và Công ty CP truyền thông Trí Việt với tổng diện tích hơn 574,3ha đồng ý về mặt chủ trương thông qua việc UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt hợp đồng “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực”. Mặc dù chưa có quyết định giao đất nhưng đã được bàn giao đất trên thực địa.
Sau khi ký hợp đồng “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” chưa có quyết định giao đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) nhưng TCT Bình Dương đã góp vốn bằng quyền sử dụng với diện tích 312ha để thành lập 2 công ty cổ phần là Công ty CP Phú Mỹ được TCT dùng 162ha đất được định giá 8,1 triệu USD để góp vốn cùng 2 đối tác nước ngoài, và Công ty CP Phát triển và Đầu tư Tân Thành được dùng 150ha đất được định giá 9 triệu USD để góp vốn.
Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc giao đất dịch vụ và đô thị cho các nhà đầu tư, không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất là chưa đúng với quyết định số 912/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với những sai phạm ngay từ khi dự án được đầu tư đã để lại những hệ luỵ rất lớn cho việc đầu tư, phát triển Khu liên hợp Bình Dương.
Trong đó, đến năm 2004, KCN Phú Gia (đã đổi tên thành KCN Phú Tân) là một trong 2 nhà đầu tư được giao đất và đền bù 100% diện tích đất đầu tiên của Khu liên hợp Bình Dương. Dự án có tổng diện tích hơn 133ha, nhưng cho đến thời điểm này, cũng chỉ có 2 nhà đầu tư vào thuê đất với tổng diện tích khoảng gần 17ha, số còn lại vẫn đang để hoang hóa.
Tuy không thu hút đầu tư nhà máy KCN với hơn 116,5ha bị bỏ hoang, nhưng KCN Phú Tân lại rất “náo nhiệt” ở khâu chuyển nhượng dự án.
Khu công nghiệp Phú Tân (trước đây là KCN Phú Gia) với hơn 116,5ha bị bỏ hoang, nhưng KCN Phú Tân lại rất “náo nhiệt” ở khâu chuyển nhượng dự án.
Theo đó, tháng 2.2018, Kim Oanh Group cũng đã “thâu tóm” Công ty Nam Kim, với thời hạn sử dụng đất đến năm 2056 (đất thuê 50 năm). Người đứng tên đại diện pháp luật Công ty Nam Kim là bà Nguyễn Thị Nhung (con gái của bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Kim Oanh Group). Trước khi về tay Kim Oanh Group, ít nhất dự án KCN Phú Tân đã chuyển nhượng qua 3 chủ đầu tư khác.
Theo tài liệu chúng tôi có được, ngoài diện tích khoảng 17ha đất đã được 2 nhà đầu tư thuê lại, trong diện tích đất còn lại khoảng hơn 116,5ha thì có đến hơn 38,6 ha nhà nước giao đất không thu tiền. Như vậy, có thể hiểu trong dự án KCN Phú Tân có hơn 38,6ha thuộc diện đất công được giao cho doanh nghiệp quản lý và đồng thời việc Kim Oanh Group thu mua được cả diện tích đất công này? Việc làm này có trái luật hay không, khi giao đất công cho doanh nghiệp tư nhân mà không qua đấu giá.
Duyệt quy hoạch vượt thẩm quyền
Đầu năm 2018, thời điểm bà Nguyễn Thị Nhung trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Nam Kim, nữ doanh nhân này đã gửi hàng loạt văn bản trình Ban quản lý (BQL) các Khu công nghiệp và lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết và chủ trương đầu tại KCN Phú Tân và thành lập Khu đô thị Hòa Phú trên diện tích 26ha cắt giảm diện tích KCN Phú Tân.
Ngày 04.1.2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã ký quyết định số 20/QĐ-UBND quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 (Quy hoạch phân khu) Khu công nghiệp Phú Tân, P. Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một.
Đến ngày 30.5.2019, chủ tịch Trần Thanh Liêm tiếp tục ký quyết định số 1447/QĐ-UBND quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị - dịch vụ Hoà Phú, P. Phú Hoà, TP. Thủ Dầu Một.
Dựa vào hai quyết định phê duyệt trên, ngày 11.7.2019, doanh nhân Nguyễn Thị Nhung - CT HĐQT kiêm TGĐ Công ty Nam Kim tiếp tục gửi văn bản số 29/CV-NK đến UBND tỉnh Bình Dương xin chủ trương thực hiện song song thủ tục Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư KĐT Hòa Phú và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư KCN Phú Tân. Nhận được văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã nhanh chóng ban hành văn bản số 3939/UB-KTN, chỉ đạo Sở Xây dựng Bình Dương chủ trì phối hợp với BQL các KCN Bình Dương và các sở, ngành thống nhất thủ tục, quy trình để hướng dẫn cụ thể cho Công ty Nam Kim triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư KĐT Hòa Phú và điều chỉnh lại KCN Phú Tân để đảm bảo công tác đầu tư và quản lý.
Nhận được chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 11.10.2019, BQL các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã gửi văn bản số 3115/BQL-ĐT đến Bộ Xây dựng và văn bản số 3116/BQL-ĐT đến Bộ Tài chính xin ý kiến về việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án KCN Phú Tân.
Tháng 11.2019, trả lời văn bản của BQL các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, cả hai bộ Xây dựng và Tài chính đều khẳng định, căn cứ vào luật đầu tư năm 2014, thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Dự án KCN Phú Tân thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Bình Dương có trách nhiệm tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành có liên quan, chỉ đạo nhà đầu tư hoàn chỉnh nội dung hồ sơ Dự án để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Mặc dù việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án KCN Phú Tân chưa được trình Thủ tướng để xem xét, phê duyệt, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã nhanh chóng thực hiện ký quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết cả hai dự án KCN Phú Tân và KĐT Hoà Phú. Cần biết rằng đối với một đự án bị chuyển nhượng lòng vòng, liên quan đến nhiều sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận tại Kết luận thanh tra số 2623/KL-TTCP ngày 26.11.2008, nhưng vẫn chưa khắc phục theo yêu cầu như Dự án KCN Phú Tân, đáng lẽ người có trách nhiệm cần phải cân nhắc, xem xét thận trọng các vấn đề pháp lý, thẩm quyền phê duyệt liên quan, nhằm tránh những vướng mắc trong quản lý điều hành.
Công Trình