Chính quyền khẳng định không có dự án Phúc Yên Prosper Phố Đông tại quận Thủ Đức
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 09:38, 18/03/2020
Dự án Phúc Yên Prosper Phố Đông được giới thiệu là tọa lạc tại số 601 Tô Ngọc Vân (phường Tam Bình, quận Thủ Đức) do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Dịch vụ Minh Hưng (thuộc Tập đoàn Phúc Yên Prosper) làm chủ đầu tư.
Dự án đang trong quá trình làm thủ tục đất đai, hoàn thiện pháp lý, chưa tiến hành thi công xây dựng, chưa đủ điều kiện giao dịch. Tuy nhiên, nhiều tháng qua chủ đầu tư đã tiến hành nhận tiền của nhiều khách hàng.
Dự án này có quy mô gần 6ha, với 560 căn hộ. Trong vai khách hàng, chúng tôi được nhân viên sàn bất động sản Tiến Trần Group cho hay: “Căn hộ Phúc Yên Prosper Phố Đông được Công ty Minh Hưng đầu tư rất bài bản. Qua đó nhằm giải tỏa cơn khát nguồn cung thị trường căn hộ mới tại trục đường liền kề Phạm Văn Đồng. Dự án hứa hẹn sẽ được thị trường đón nhận”.
Ngoài ra, nhân viên này giới thiệu khách hàng sẽ sinh lời cao nếu như lựa chọn đầu tư dự án. Bên cạnh đó, cũng không ngừng hứa hẹn và đưa ra nhiều lời lẽ thuyết phục, chèo kéo khách hàng “xuống tiền” tại dự án.
Nhân viên này thông tin thêm: “Dự án bên em dự kiến đến tháng 4.2020 sẽ mở bán. Bên chủ đầu tư có chính sách bán hàng rất nhẹ nhàng anh chị chỉ cần đặt giữ chỗ (booking) 50 triệu đồng cho một sản phẩm”.
Dự án Phúc Yên Prosper Phố Đông chưa có dấu hiệu thi công, tức theo quy định chưa được phát sinh giao dịch
Tuy nhiên, khi có băn khoăn về vấn đề pháp lý, nhân viên lúng túng cho biết… dự án đanh trong quá trình hoàn thành. Có một điều ngạc nhiên là khi PV có mặt tại vị trí xây dựng của dự án thì thực tế dự án bên trong đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và không có dấu hiệu thi công móng cọc.
Trao đổi về trường hợp trên, luật sư Nguyễn Trung Hiếu (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, chủ đầu tư phải có văn bản gửi Sở Xây dựng nơi có nhà ở kèm theo giấy tờ chứng minh nhà ở có đủ điều kiện được bán, cho thuê mua, như giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong quá trình thực hiện dự án nhà ở chung cư, chủ đầu tư có quyền huy động vốn từ tiền mua nhà ứng trước của các đối tượng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở, thông qua hình thức ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, quy định tại điểm đ khoản 1 điều 9 Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
Để được huy động vốn theo phương thức này, theo LS Hiếu, chủ đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm đ khoản 2 điều 9 như sau: “Chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở sau khi đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng của nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và đã thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở theo quy định tại điểm e khoản này”.
Hiện cũng có nhiều dự án tại TP.HCM mặc dù chưa được khởi công xây dựng nhưng đã mở bán căn hộ dưới hình thức “đặt cọc giữ chỗ...”, đây vốn là một cách dùng chữ nghĩa để lách luật. Bản chất hành động này vẫn là một hình thức huy động vốn, LS Hiếu khẳng định.
Theo điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh quy định như sau: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Như vậy, một dự án chưa khởi công hay khởi công nhưng chưa hoàn thành và được nghiệm thu phần móng mà mở bán bằng hình thức "nhận cọc giữ chỗ, đăng ký mua bất động sản, biên bản nhận cọc” là một hình thức không đúng với các quy định của pháp luật , LS Hiếu thông tin thêm.
Trên thực tế đã có khá nhiều dự án "mời" được khách hàng bỏ tiền ra lấy phiếu "ưu tiên giữ chỗ”, “đặt cọc giữ chỗ”... và mấy năm sau đó dự án vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Tất nhiên, các chủ đầu tư đều thừa biết một dự án như thế nào mới được phát sinh giao dịch, nhưng tại sao họ vẫn tiến hành huy động vốn khi chưa được phép, có lẽ điều này không khó để hiểu ra và trả lời, LS.Hiếu nhận định
Trong khi đó, thực tế dự án chưa tiến hành xây dựng nhưng Công ty Minh Hưng hiện đã phát sinh giao dịch. Về phía chính quyền địa phương, UBND Q.Thủ Đức khẳng định trên địa bàn không hề có dự án Phúc Yên Prosper Phố Đông. Quả thật, việc phát sinh giao dịch (nếu có) trong thời điểm này sẽ tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Hoàng Mai Nhi