Khó chồng khó, doanh nghiệp địa ốc tăng nguy cơ phá sản vì COVID-19

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 09:37, 18/03/2020

Thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế khó chồng khó do dịch COVID-19. Các sự kiện bán hàng đều bị hủy bỏ khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc rơi vào thua lỗ, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Các hoạt động bán hàng đều bị hủy bỏ vì COVID-19 - Ảnh: Internet

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), dịch COVID-19 đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội và tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế. Với thị trường bất động sản, nhiều cổ phiếu ngành này đang bị giảm sàn, nằm sàn.

Nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị khó khăn, đình đốn, sụt giảm mạnh doanh thu, nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản. Tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt. Các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị (PR), bán hàng đều bị hủy bỏ.

Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị khách thuê trả lại.

Điều này đang làm gián đoạn, đảo lộn các mặt hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm. Dịch bệnh này còn làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể doanh nghiệp bị mất thanh khoản; làm tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển thành nợ xấu.

Đồng thời, COVID-19 khiến tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động; tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động; tăng nguy cơ doanh nghiệp bị rơi vào thua lỗ, phá sản.

“Thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế khó chồng khó, nên các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này”, ông Châu nói.

Trước tình trạng này, Chủ tịch HoREA đưa ra 5 giải pháp chính giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Thứ nhất, HoREA đề nghị tuân thủ các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ dẫn của ngành y tế về biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ hai, các doanh nghiệp không tổ chức các sự kiện đông người như tiếp thị, mở bán sản phẩm, động thổ, khởi công, khánh thành rầm rộ…, hạn chế các cuộc họp không cần thiết, sử dụng phương thức hội nghị trực tuyến (online) để phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thứ ba, điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất kinh doanh, cho phép một bộ phận cán bộ, nhân viên đủ điều kiện được làm việc từ xa, tại nhà, không phải đến cơ quan, nhất là lĩnh vực môi giới, tiếp thị, pháp chế, công nghệ thông tin…

Thứ tư, thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian.

Thứ năm, trong giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay, HoREA cho rằng đây chính là cơ hội để các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản thực hiện chiến lược “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.

Đối với các tập đoàn lớn có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.

Đáng chú ý, Hiệp hội cũng đề xuất một số ý kiến với Thủ tướng về việc hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản về thuế, bảo hiểm, vay tín dụng ngân hàng và những khó khăn trong thủ tịch hành chính đầu tư xây dựng dự án trong thời điểm khó khăn.

Đơn cử như bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 - 6.2020; gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp; giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn…

Phan Diệu