Vĩnh Long: Tín hiệu vui cho người dân bị thu hồi đất giao Công ty Hoàng Quân
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 05:45, 09/04/2020
Ngày 30.3.2020, Viện trưởng Viện KSND tối cao, đã có quyết định số 02/QĐ-VKS-HTHA về việc hoãn thi hành Bản án hành chính phúc thẩm số 599/2019/HC-PT của TAND cấp cao tại TP.HCM (ngày 28.8.2019), giải quyết vụ án hành chính về “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai”. Theo đó, thời hạn hoãn thi hành án là 3 tháng, kể từ ngày ký.
Trong vụ kiện này, người khởi kiện là ông Huỳnh Văn Sum (SN 1931), có đại diện theo ủy quyền là các ông: Huỳnh Minh Truyền, Huỳnh Văn Trầm (cùng ngụ xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Người bị kiện là UBND tỉnh Vĩnh Long. Ông Lê Quang Trung - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cử đại diện theo ủy quyền. Trong thành phần người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được xác định có UBND TX.Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) và Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Long.
Quyết định hoãn thi hành án của Viện KSND tối cao đối với trường hợp của ông Huỳnh Văn Sum - Ảnh: PV
Chiều 9.4, cung cấp cho PV Quyết định số 02/QĐ-VKS-HTHA của Viện KSND tối cao, ông Huỳnh Minh Truyền cho biết: “Trước đó, ngày 11.3.2020, UBND TX.Bình Minh (căn cứ vào Quyết định số 2016/QĐ.UB của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long và Bản án số 599/2019/HC-PT của TAND cấp cao tại TP.HCM) ra quyết định cưỡng chế thu hồi 9.516m2 đất của ông Huỳnh Văn Sum, do ông Truyền đại diện ủy quyền, để giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long xây dựng KCN Bình Minh. Thời gian thực hiện cưỡng chế thu hồi đất từ ngày 10 đến ngày 20.4.2020.
Liên quan đến KCN Bình Minh, trước đây báo điện tử Một Thế Giới đã nhiều lần phản ánh, có 680 hộ gia đình, tổ chức bị thu hồi hơn 1,6 triệu mét vuông đất. Dự án này được UBND tỉnh Vĩnh Long tiến hành các bước triển khai khi chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, như đúng quy định.
Một người dân khóc khi kể về việc bị chính quyền địa phương cưỡng chế, thu hồi đất làm KCN Bình Minh - Ảnh: PV
Các tài liệu PV thu thập được còn thể hiện: Trong khi dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quyết định đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Long đã tự quyết định thay đổi hình thức đầu tư (từ 100% vốn nước ngoài sang 100% vốn đầu tư trong nước), chấp thuận cho Công ty Hoàng Quân đầu tư KCN Bình Minh (tháng 4.2004). Đồng thời phê duyệt phương án đền bù, phương án đền bù bổ sung để xây dựng KCN Bình Minh và tổ chức kiểm kê, áp giá đền bù cho những hộ dân có đất bị giải tỏa.
Không những vậy, sau đó UBND tỉnh Vĩnh Long còn giao 30ha cho Công ty Hoàng Quân xây dựng khu nhà ở chuyên gia, công nhân và thương mại - dịch vụ (bản chất đây chính là khu đô thị mới, phân lô, bán mỗi nền hàng tỉ đồng). Trong khi đó, giá đền bù cho dân vào thời điểm ấy chỉ hơn 35.000 đồng/m2 đối với đất vườn.
Trong số hàng trăm hộ gia đình bị thu hồi đất có 13 hộ không đồng thuận và nộp đơn kiện UBND tỉnh Vĩnh Long vì họ cho rằng còn quá nhiều thứ chưa rõ ràng từ phía chính quyền tỉnh. Từ đầu năm 2018 đến tháng 9.2020, TAND cấp cao tại TP.HCM lần lượt đưa từng trường hợp khiếu kiện của 13 hộ dân ra xét xử và lần lượt bác khiếu kiện của họ.
Trên cơ sở đó, UBND TX.Bình Minh cũng lần lượt tiến hành các bước cưỡng chế, thu hồi đất. Hiện nay đã có 4 hộ bị cưỡng chế thu hồi, 3 hộ đang chờ ngày cưỡng chế (trong đó có trường hợp ông Huỳnh Văn Truyền đại diện ủy quyền) và 6 hộ được thông báo sẽ cưỡng chế ở “giai đoạn 2” nhưng chưa rõ thời gian cụ thể.
Thông báo của Viện KSND tối cao về trường hợp người dân xã Mỹ Hòa yêu cầu xem xét giám đốc thẩm đối với kết quả giải quyết vụ án của TAND cấp cao tại TP.HCM - Ảnh: PV
Liên quan đến 1/13 hộ dân bị cưỡng chế, thu hồi đất để xây dựng KCN Bình Minh có đơn đề nghị Viện KSND tối cao xem xét giám đốc thẩm đối với kết quả giải quyết vụ án của TAND cấp cao tại TP.HCM, thì Viện KSND tối cao cho biết đã 2 lần có công văn (trong tháng 10 và tháng 12.2019) yêu cầu TAND cấp cao tại TP.HCM chuyển hồ sơ xem xét theo quy định. Nhưng đến cuối tháng 1.2020, Viện KSND tối cao vẫn chưa nhận được hồ sơ vụ án!
Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nhóm PV