Mua bán BĐS qua hình thức lập vi bằng có thể gây hậu quả khó lường
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 07:18, 21/05/2020
UBND xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An đã phát đi thông tin cảnh báo đến người dân về việc giao dịch bất động sản bằng hình thức lập vi bằng.
Theo đó, người dân không nên mua bán với hình thức lập vi bằng cũng như góp vốn đầu tư cho các dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, bởi vi bằng chỉ là hình thức làm chứng chứ không phải hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ). Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đúng theo trình tư quy định pháp luật phải được công chứng hoặc chứng thực.
UBND xã Đức Hòa Hạ cũng cảnh báo, hậu quả của việc mua bán nhà đất bằng hình thức vi bằng và góp vốn với các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư gây hậu quả khó lường và có khả năng phát sinh tranh chấp sau này.
UBND xã Đức Hòa Hạ cảnh báo người dân về việc mua bán bất động sản qua hình thức lập vi bằng
Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng, Văn phòng Luật sư Long Cường chi nhánh Gò Vấp (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, pháp luật không ghi nhận vi bằng công chứng thừa phát lại. Chỉ có vi bằng do thừa phát lại lập và văn bản công chứng do công chứng viên chứng nhận. Đây là hai loại văn bản khác nhau.
Luật sư Trúng nói rằng nhiều người khi giao dịch bất động sản nhầm lẫn vi bằng do thừa phát lại lập có thể thay công chứng, chứng thực và cho rằng tồn tại “vi bằng công chứng thừa phát lại”. Đây là cách hiểu hoàn toàn sai lầm.
“Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập là ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Còn văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật Công chứng”, LS Trúng nói.
Cũng theo luật sư Trúng, tại Điều 28 Nghị định 61/2009/NĐ-CP quy định vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Vi bằng chỉ ghi nhận nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận và kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác.
Do đó, trong giao dịch liên quan đến nhà đất, khi các bên được thừa phát lại lập vi bằng thì vi bằng này chỉ ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán nhà đất. Việc dùng vi bằng trong mua bán nhà đất là hình thức “lách luật”, không có giá trị pháp lý và giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.
Nghinh Phong