Thương mại điện tử, sàn online chờ bùng nổ sau đại dịch
Kinh tế số - Ngày đăng : 07:37, 23/05/2020
Những năm trở lại đây, thương mại điện tử, sàn online ở Việt Nam liên tục phát triển mạnh và đặc biệt bùng nổ sau thời gian thị trường truyền thống gián đoạn do dịch COVID-19.
Theo Bộ Công Thương, dịch COVID-19 đã khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bứt tốc ở nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại điện tử.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho biết do lo ngại dịch COVID-19, doanh thu tại các chợ ở Hà Nội giảm 50-80%. Trong khi đó, doanh thu từ mua sắm online qua các sàn thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng 20-30%.
Cụ thể, báo cáo do iPrice Insights công bố mới đây cho thấy lượng truy cập website của Tiki đang đạt 24,5 triệu/tháng, Sendo 27,2 triệu/tháng, Shopee 38 triệu/tháng và Lazada 27 triệu/tháng.
Không những vậy, hàng loạt “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ như VinMart, Saigon Co.op, Big C, Lotte, AEON… còn đưa nhiều sản phẩm lên mạng hoặc khuyến khích đặt hàng qua điện thoại. Đặc biệt, các đơn hàng online đã tăng gấp nhiều lần so với bình thường, thậm chí còn quá tải do lượng khách truy cập và đặt đơn hàng cao.
Đại diện Công ty CP VinID cho biết số lượng người mua sắm trực tuyến trên VinID trong mùa dịch đã tăng gấp 3 lần so với bình thường. Trong khi đó, tại trang thương mại điện tử SpeedL của Lotte Mart cũng ghi nhận số lượng đơn hàng tăng 150-200% so với ngày thường từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Còn tại chuỗi Bách hóa xanh, trung bình mỗi ngày có 3.000-4.000 đơn hàng online, những ngày cao điểm nhất có thể lên đến 6.000 đơn hàng.
Báo cáo của Google cho thấy hành vi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng tới 42% sau dịch. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng đã hình thành thói quen và tin cậy vào việc mua hàng trực tuyến qua sàn.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nền tảng công nghệ đã có cuộc "đổ bộ" vào mảng thực phẩm tươi sống trong cao điểm dịch bệnh. Trong đó, Tiki là sàn thương mại điện tử mới nhất nhảy vào cuộc đua ngày 7.5, còn Lazada và Sendo đã làm điều này từ cách đó một tháng. Trước đó, nhóm bán lẻ đa ngành có Bách hóa xanh của Thế giới di động, nhóm nền tảng gọi xe công nghệ có Grab, Now cũng tung dịch vụ đi chợ hộ.
Theo đại diện Sendo, ngành hàng bách hóa - thực phẩm hiện chiếm đến 15-20% tổng giao dịch toàn sàn này, tăng đến 7 lần so với chỉ vài tháng trước đó. Tốc độ tăng trưởng của riêng hàng tươi sống ở mức vượt xa mọi trông đợi và sẽ mang tính dài hạn.
Tổ chức nghiên cứu Hexa Research nhận định thị trường dịch vụ giao thực phẩm toàn cầu sẽ đạt giá trị gần 9 tỉ USD đến năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt gần 18%. Đại dịch COVID-19 đã tạo ra cơ hội để thúc đẩy các doanh nghiệp tập trung hơn vào mảng này, hứa hẹn mở ra cuộc cạnh tranh mới đầy sôi động sắp tới.
Trước sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, mới đây, Chính phủ đã ban hành kế hoạch phát triển đến năm 2025. Theo đó, trong 5 năm tới sẽ có khoảng 55% người Việt mua sắm qua kênh online với giá trị mua hàng bình quân 600 USD/người/năm. Như vậy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ có khoảng 50 triệu khách hàng thường xuyên.
Cùng với đó, doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỉ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Đối với hạ tầng các dịch vụ phụ trợ, theo kế hoạch, đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử sẽ đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%. Chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 10% giá thành sản phẩm trong thương mại điện tử.
Cũng vào năm 2025, 70% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành cở dữ liệu dùng chung.
Phan Diệu